Hoạt động của ngành

Đặc sản thổ cẩm với ngành du lịch Hà Giang

Cập nhật: 16/10/2020 10:29:40
Số lần đọc: 1258
Ở nội dung phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như phát triển “du lịch đa dạng thành mũi nhọn” trong báo cáo chính trị tại Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh có nhắc đến “sản phẩm thổ cẩm”. Phải nói rằng, thổ cẩm là sản phẩm rất đặc trưng, rất tiềm năng cho ngành du lịch, ngành “công nghiệp không khói”. Cho nên cần có tư duy đúng đắn trong việc phát huy sáng tạo, bảo tồn và khẳng định thương hiệu thổ cẩm, tạo sức hấp dẫn cho ngành du lịch của Hà Giang cũng như ở các vùng miền của đất nước.

Thổ cẩm là di sản văn hóa, là bản sắc đặc trưng riêng của từng tộc người. Thổ cẩm lại rất đa dạng và phong phú từ kỹ thuật thêu ren, đến nguyên liệu sợi, nguyên liệu làm màu, đến sự sáng tạo trong hoa văn, tạo hình… Nếu cư dân thuộc người Việt - Thái - Tày - Nùng tạo ra các hoa văn ở mặt chăn, mặt gối chủ yếu bằng kỹ thuật dệt, thì người Mông đã phát triển đến kỹ thuật ghép vải, kỹ thuật in sáp ong, rồi ghép cả đồ trang sức bằng bạc, nhôm… tạo thành những mảng hoa văn ghép rất độc đáo. Tất cả các kỹ thuật tạo hoa văn thổ cẩm (thêu, dệt, ghép vải, ghép kim loại, ghép hạt cườm…) đã tạo nên tính đa dạng sức hấp dẫn và là đề tài nghiên cứu để hiểu sâu hơn về sự sáng tạo và độc đáo của loại sản phẩm này.

Hãy đi sâu phân tích sự phong phú của hoa văn thổ cẩm. Nói về màu: Nếu như trong thổ cẩm của nhóm người Tày - Thái - Mường sử dụng màu chàm làm màu chủ đạo, thì người Mông, người Ba - Na, người Tạng - Miến lại sử dụng các màu rực rỡ đỏ, vàng, xanh… Nói về cách sắp đặt màu: Các cư dân Ba - Na, Gia Rai sử dụng màu đỏ làm màu trung tâm, quanh màu đỏ là các màu có sắc độ khác nhau. Còn người Tày - Nùng - Thái thì sử dụng các bảng màu theo dải ngang, người Mông thì sử dụng bố cục bằng dải dọc… Đặc trưng nhất là các hoa văn thổ cẩm in đậm bản sắc dân tộc, giá trị lịch sử thông qua các biểu tượng gắn liền với cuộc sống, với sinh hoạt và với các tích dân gian. Giải mã các hoa văn tìm thấy có nhiều mô - típ còn in rõ nét văn hóa Đông Sơn và rộng hơn là văn hóa vùng Đông Nam Á. Thể hiện mối quan hệ ứng xử đan xen nhiều chiều của cộng đồng, từ cách xử sự giữa các tộc người, các vùng miền, đến các vùng văn hóa với môi trường tự nhiên, sinh thái… Do vậy, hoa văn thổ cẩm vừa đặc trưng cho văn hóa từng tộc người, lại vừa mang dấu ấn văn hóa vùng miền, tạo nên nét đẹp phong phú, đa dạng của văn hóa dân tộc Việt Nam, có sức thu hút khi tham quan, tìm hiểu của khách du lịch và các nhà nghiên cứu.

Rất đáng mừng hiện nay, nhiều địa phương đã có chủ trương khai thác thế mạnh này của thổ cẩm. Nhiều làng bản ở vùng Tây Bắc như ở thị xã Sa Pa (Lào Cai), các thôn bản ở Đồng Văn, Quản Bạ (Hà Giang), rồi các làng Chăm (ở miền Trung), các buôn làng ở Gia Lai, Đắc Lắc… đã khôi  phục nghề dệt thổ cẩm và xem đây là mặt hàng đặc sản của vùng miền. Qua đây du khách đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có nhu cầu được trải nghiệm, được khám phá quy trình sản xuất ra thổ cẩm. Đó cũng là nét mới làm tô thêm giá trị của thổ cẩm, tạo nên sự đồng cảm, hòa nhập trong sáng tạo nghệ thuật giữa du khách với người dân địa phương, giữa giá trị hàng hóa với giá trị văn hóa, giữa phát triển du lịch với quảng bá nền văn hóa truyền thống và độc đáo mỗi dân tộc và đặc biệt là gắn với việc xóa nghèo bền vững.

Vấn đề đặt ra với các địa phương có thế mạnh này là cần giữ gìn phát huy và có kế hoạch đầu tư thích đáng để vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa sáng tạo để không nhàm chán, mà phải được tôn tạo và nâng cao lên về giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị văn hóa. Do đó cần phải tổng kiểm kê, nhận diện, phân loại để nắm vững các giá trị đặc thù của mỗi loại hoa văn thổ cẩm, từ đó nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mới, vừa mang bản sắc của từng tộc người nhưng chạm đến tinh hoa và nét đẹp của văn hóa Việt Nam, của thời đại.

Như vậy đã đến lúc các cấp ủy Đảng, các cấp quản lý Nhà nước cùng với cả hệ thống chính trị cùng với cộng đồng dân cư phải vào cuộc. Phải có sự hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp và người dân - chủ nhân của sản phẩm và các nhà văn hóa, nhà khoa học. Cần đổi mới cách thức quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm thổ cẩm ở ngay trong cộng đồng dân cư, đến việc tổ chức các lễ hội, các triễn lãm, bảo tàng… nhằm tôn vinh quảng bá và phổ biến đặc sản thổ cẩm đúng với giá trị thực của nó.

Đã đến lúc cần có đề án phát triển thổ cẩm cho các vùng, các địa phương có thế mạnh này. Trong đó quan tâm đến đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực, hình thành các làng bản sản xuất thổ cẩm, các cơ sở sản xuất vừa giữ gìn bản sắc thổ cẩm của từng vùng vừa mang tính công nghiệp, nhất là công nghiệp số hiện nay cũng như việc quảng bá thương hiệu thổ cẩm bài bản và có địa chỉ tin cậy. Chắc chắn rằng, ngành du lịch nói chung và du lịch Hà Giang với sản phẩm văn hóa thổ cẩm sẽ là điểm gọi, điểm đến của du khách thập phương khi họ được giới thiệu, được tiếp cận, được trải nghiệm, để sản phẩm độc đáo này trở thành hàng hóa đặc sản vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị văn hóa đặc trưng cho các tộc người, các vùng miền của đất nước.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục