Hoạt động của ngành

Bình Thuận: Tin vào “trụ cột du lịch”

Cập nhật: 25/05/2021 10:03:20
Số lần đọc: 826
Dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trong năm 2020 và kéo dài đến nay khiến hoạt động du lịch trên địa bàn Bình Thuận trầm lắng hơn bao giờ hết. Ngay cả tuyến du lịch trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né (TP. Phan Thiết) được mệnh danh “thủ đô resort” cũng vắng khách lạ thường.

Chưa kịp gượng dậy sau bao kỳ vọng vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5 và dịp hè 2021 thì đợt dịch thứ 4 trong nước xuất hiện, càng làm cho doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ thêm lao đao. Vì là ngành kinh tế tổng hợp, nên tác động tiêu cực của dịch Covid- 19 cũng ảnh hưởng đến các ngành nghề, đối tượng liên quan. Trong đó có bà con ngư dân, bởi hải sản tươi ngon đánh bắt tại vùng biển Bình Thuận không còn được thu mua giá cao như trước do sức tiêu thụ của các resort, nhà hàng giảm mạnh vì vắng khách. Nói để thấy rằng, hoạt động du lịch sôi nổi sẽ giúp sản phẩm lợi thế, đặc biệt là hải sản tươi sống của địa phương tăng gấp nhiều lần nhờ giá trị gia tăng thông qua chế biến đa dạng món ăn phục vụ du khách… Tuy nhiên với tiềm năng và thế mạnh, Bình Thuận vẫn xác định du lịch là 1 trong 3 trụ cột chính của nền kinh tế bên cạnh công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Riêng với “trụ cột du lịch”, qua chặng đường hơn 1/4 thế kỷ phát triển đã khẳng định được vai trò, vị thế ngày càng đóng góp xứng đáng cho địa phương… Ghi nhận giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát (2016 - 2019), du lịch Bình Thuận liên tục có bước phát triển mạnh mẽ và đạt những kết quả quan trọng. Lượng khách đến địa phương tăng trưởng ổn định với mức tăng bình quân 11,2%/năm, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 18,7%/năm. Trong đó năm 2019 đón trên 6,4 triệu lượt khách, tăng gần 1,9 triệu lượt khách so với năm 2016 (khách quốc tế tăng bình quân 13,45%, khách nội địa tăng bình quân 10,93%)…

Dù trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch, đến thời điểm này Bình Thuận vẫn tin vào “trụ cột du lịch” - ngành kinh tế mũi nhọn và đã có định hướng phát triển rõ ràng cho giai đoạn sắp tới. Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ trên địa bàn Bình Thuận đến năm 2025 của UBND tỉnh (ban hành cuối tháng 3/2021), địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút gần 8 triệu lượt khách (khách quốc tế có 971.800 lượt), đóng góp khoảng 12% GRDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 23.300 tỷ đồng và giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 435 triệu USD.

Mới đây (20/5/2021), UBND tỉnh cũng ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Bình Thuận. Theo đó, du lịch được xác định là một trong những ngành dịch vụ ưu tiên, vì vậy sẽ tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Qua đó đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển du lịch như về hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, nhất là tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né và những khu vực có tiềm năng du lịch.

Chương trình hành động của tỉnh còn hướng đến phát triển đa dạng hóa thị trường khách du lịch trên cơ sở điều tra, nghiên cứu thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch. Tập trung thu hút khách từ các thị trường: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Úc, Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu, Đông Âu và Liên bang Nga. Đồng thời, chú trọng phát triển các thị trường mới, tiềm năng như Trung Đông, Nam Âu, Nam Mỹ, Ấn Độ và phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa. Nhất là tập trung triển khai vào những năm đầu của thời kỳ chiến lược 2021 - 2030, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến ngành du lịch…

Với định hướng, quyết tâm và sự chuẩn bị chu đáo, tin rằng du lịch Bình Thuận sẽ chuyển mình, tiếp tục khẳng định là điểm đến “an toàn - thân thiện - hấp dẫn”, thu hút đông khách trở lại khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, đẩy lùi./.

Quốc Tín

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục