Hoạt động của ngành

Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu tăng "chất"

Cập nhật: 25/05/2021 08:16:34
Số lần đọc: 1049
Sau thời gian dài chuẩn bị về mọi mặt, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đang phát triển đúng định hướng du lịch chất lượng cao, hứa hẹn thực sự trở thành một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh.

Du khách nước ngoài lưu trú tại khách sạn CAO đầu tháng 5.

KHẲNG ĐỊNH SỨC HÚT

Bà Lê Thị Công (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) cho biết, bà thích biển nên năm nào cũng về BR-VT nghỉ dưỡng vài lần. Trước đây, bà rất ngại tắm biển vì có nhiều rác thải. Khi đi ăn uống, bà luôn nơm nớp lo bị “chặt chém”. Từ năm 2016, BR-VT tập trung cải thiện môi trường, cấm ăn uống, bán hàng ăn trên bãi biển, kết hợp tuyên truyền về văn hoá, chữ tín trong kinh doanh nên đã tạo chuyển biến lớn về hình ảnh du lịch. Môi trường cảnh quan sạch đẹp, tình trạng buôn bán chụp giật không còn giúp bà yên tâm khi đến BR-VT du lịch. “Hơn 1 năm qua, dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn du lịch, song sau mỗi lần lắng dịch, tôi lại cùng gia đình về BR-VT du lịch, nghỉ dưỡng. Cung cách phục vụ chuyên nghiệp, môi trường biển trong lành mang lại cho gia đình tôi kỳ nghỉ đúng nghĩa, thư giãn và phục hồi sức khỏe”, bà Công nói.

Nhiều du khách đều chung nhận xét, cảm nhận rằng, du lịch BR-VT đã có bước chuyển lớn về “chất”. Ngoài sự quyết liệt cải thiện môi trường du lịch từ chính quyền, các DN du lịch cũng quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp và đầu tư ngày càng đầy đủ dịch vụ trong từng cơ sở lưu trú với các tiện ích như: bar, ẩm thực đêm, sân chơi văn nghệ, phòng trà, tổ chức tour tham quan… tăng giá trị cộng thêm cho khách lưu trú. Đặc biệt, chuỗi khách sạn, resort cao cấp hình thành ngày càng nhiều, khai thác lợi thế biển và phong cảnh hữu tình ven biển tạo nên hành lang kết nối BR-VT với tuyến du lịch ven biển Nam Trung bộ.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận xét, so với các tỉnh, thành có lợi thế du lịch biển, công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật tạo không gian phát triển và thu hút đầu tư vào du lịch của BR-VT rất bài bản. Nhờ vậy, các loại hình và sản phẩm du lịch phát triển đa dạng, đồng bộ với tốc độ nhanh. Trước đây, du lịch BR-VT chỉ tập trung ở khu vực Vũng Tàu, Long Hải, Bình Châu, nhưng khoảng 5 năm trở lại, tuyến Hồ Tràm - Hồ Cốc - Bình Châu - Phước Hải mới hình thành đã nhanh chóng hấp dẫn du khách nhờ chuỗi resort và dịch vụ được đầu tư bài bản, cao cấp, không gian thoáng đạt, nối tiếp nhau trên cung đường ven biển, rất thuận lợi cho các DN lữ hành xây dựng tour du lịch MICE, tour nghỉ dưỡng tránh dịch, tour sống chậm...

Du khách ăn sáng buffet tại Vietsovpetro resort.

“Qua theo dõi du lịch BR-VT năm 2020, tôi nhận thấy ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều resort ven biển vẫn có khách đến tránh dịch. Sau mỗi lần dịch được kiểm soát tốt, du khách lại tấp nập về BR-VT nhờ vị trí địa lý thuận lợi, môi trường trong lành, cảnh quan đẹp và dịch vụ tốt. Thời điểm này, dịch COVID-19 đang phức tạp, hoạt động du lịch chững lại, song chỉ cần dịch lắng xuống, du lịch BR-VT lập tức hồi phục ngay”, ông Nguyễn Hữu Thọ nói.

KIÊN ĐỊNH DU LỊCH CHẤT LƯỢNG CAO

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, du lịch tỉnh nhà đạt được nhiều thành quả quan trọng, trong đó vùng du lịch trải rộng, dịch vụ ngày càng cao cấp là nhờ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành những chủ trương quan trọng định hướng cho du lịch phát triển như: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/12/2017 về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2538/QĐ-UBND ngày 11/9/2018 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; kế hoạch phát triển bền vững ngành du lịch… Song song đó, tỉnh cũng tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch. Hạ tầng kỹ thuật điện, nước, giao thông, điểm vui chơi giải trí - mua sắm, internet, nhà vệ sinh đạt chuẩn… cho các địa bàn du lịch.

Cùng với nguồn lực từ Nhà nước, tỉnh cũng tạo cơ chế, chính sách ưu đãi để xã hội hóa các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tính đến nay, toàn tỉnh có 132 dự án du lịch đang triển khai với tổng diện tích 2.973ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 41.867 tỷ đồng và hơn 9,1 tỷ USD. Các dự án phân bố chủ yếu trên tuyến ven biển Vũng Tàu - Long Điền - Đất Đỏ - Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo. Trong đó, nhiều resort, khu nghỉ dưỡng hạng sang hoạt động hiệu quả như:  The Grand Hồ Tràm resort & casino, Vietsovpetro resort, Oceanami Villas & Beach Club, Lan Rừng resort Phước Hải, Sanctuary Hồ Tràm, Sixsenses Côn Đảo, Melia Hồ Tràm, khách sạn Pullman, Marina Bay Vũng Tàu, khách sạn Ibis...

Tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng đến nay các DN đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở BR-VT vẫn chủ yếu là DN vừa và nhỏ, nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý còn ít, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư du lịch có thương hiệu, kinh nghiệm, uy tín trên thị trường quốc tế vào địa phương. Doanh thu, lượng khách tăng dần theo năm nhưng mức đóng góp vào GRDP của tỉnh từ hoạt động du lịch còn thấp, chỉ đạt 5,07%. Hoạt động quảng bá xúc tiến thiếu chiến lược lâu dài, chưa đổi mới hình thức và chưa ứng dụng công nghệ vào quảng bá. Nguồn nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các DN.

Giai đoạn 2017-2020, BR-VT đón gần 40 triệu lượt khách, tăng 3,96%/năm, trong đó khách lưu trú đạt 9,491 triwwuj lượt, tăng 2,81%/năm; doanh thu du lịch đạt 42.735 tỷ đồng, trong đó doanh thu lưu trú đạt 14.033 tỷ đồng, tăng bình quân 2,8%/năm; thời gian lưu trú của khách du lịch là 1,82 ngày, mức chi tiêu bình quân 1,81 triệu đồng/người.

Cũng theo ông Trịnh Hàng, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, cần có sự phối hợp đồng bộ, kịp thời, thường xuyên của các sở, ban, ngành để thúc đẩy phát triển. "Với quyết tâm phát triển du lịch chất lượng cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sở Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; đổi mới phương thức tuyên truyền, quảng bá, liên kết, xúc tiến du lịch; giao các sở, ngành, địa phương rà soát thu hồi các dự án chậm triển khai để giao cho nhà đầu tư có thực lực…", ông Trịnh Hàng nói.

The Grand Hồ Tràm resort & casino đầy đủ dịch vụ phục vụ khách nghỉ dưỡng.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Cùng chuyên mục