Hoạt động của ngành

Cộng đồng chung tay bảo tồn di sản ở Hà Nội

Cập nhật: 26/05/2021 09:59:04
Số lần đọc: 728
Hà Nội là một trong những địa phương sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ nhất cả nước, phong phú về loại hình, giàu có về bản sắc. Nguồn tài nguyên văn hóa này đã và đang được áp dụng nhiều giải pháp, sáng kiến khác nhau để gìn giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả, trong đó không thể không kể đến vai trò chung tay góp sức của cộng đồng sở hữu di sản.


Hội thổi cơm thi làng Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhờ nỗ lực gìn giữ, trao truyền di sản của cộng đồng (ảnh chụp năm 2019).

“Giữ lửa” tâm huyết

Thông tin Hội thổi cơm thi Thị Cấm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tháng 3 vừa qua), khiến người dân làng Thị Cấm (gồm 2 tổ dân phố số 3 và số 4, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) vô cùng phấn khởi, tự hào. Bà Đỗ Thị Hà (tổ dân phố số 4, phường Xuân Phương), người thường xuyên tham gia Hội thổi cơm thi Thị Cấm bày tỏ, đây là sự ghi nhận quý giá dành cho di sản cũng như những nỗ lực gìn giữ, bảo vệ và phát huy của cộng đồng những năm qua. Còn theo Trưởng tiểu ban di tích đình làng Thị Cấm Nguyễn Vinh Hà, hội thổi cơm thi được duy trì đều đặn hằng năm, là một phần không thể tách rời trong lễ hội đình làng Thị Cấm. “Chúng tôi luôn bảo nhau thực hành đúng nghi lễ, phong tục cổ truyền từ việc giã thóc, sàng gạo… đến kéo lửa, lấy nước, nấu cơm để giữ gìn nguyên vẹn nhất di sản cha ông để lại”, ông Nguyễn Vinh Hà cho biết.

Là di sản nổi danh một thời với “bà chúa Ca trù” dạy hát trong cung vua Lê, Ca trù Thượng Mỗ (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng) có giai đoạn gặp khó khăn về cả không gian trình diễn lẫn người thực hành cho đến khi được cộng đồng nỗ lực vực dậy. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ cho hay, từ ý thức, trách nhiệm của người dân trước nguy cơ mất dấu di sản của cha ông, Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ được hình thành, duy trì lịch sinh hoạt, truyền dạy theo tháng rồi theo tuần. Ban đầu theo học là những người đã lên chức ông, chức bà, dần dần thu hút cả giới trẻ với nhiều lứa đào nương lên 5, lên 10 được đào tạo bài bản.

Giống với Thị Cấm, Thượng Mỗ, ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, các di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được gìn giữ, phát huy với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của cộng đồng sở hữu di sản.

Có thể kể đến nhiều ví dụ tiêu biểu khác, như: Phường Thạch Bàn (quận Long Biên) với tục kéo co trong lễ hội đền Trấn Vũ; làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) với điệu múa “Con đĩ đánh bồng”; xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) với làn điệu Hát dô; thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) với trò kéo mỏ tại lễ hội đền Vua Bà…

Nghệ nhân Hát dô Nguyễn Thị Lan (xã Liệp Tuyết) chia sẻ, dù còn nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động cũng như không gian thực hành, quảng bá di sản, song người dân địa phương luôn tâm niệm phải giữ cho được “lửa” nhiệt tình bảo vệ di sản quê hương.

Đồng hành, hỗ trợ cộng đồng

Với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể ở đa dạng loại hình, Thủ đô đang sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, chất chứa hồn cốt, tinh hoa suốt chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Bảo vệ, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên này là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trong đó vai trò của cộng đồng là vô cùng quan trọng.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, thực tế đã chứng minh di sản có sức sống bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng nắm giữ di sản. Điều này cần được chú trọng bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như có những quan tâm, đầu tư cần thiết để tiếp sức cộng đồng. Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng Trần Hữu Sơn cho rằng, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và đội ngũ chuyên gia lĩnh vực liên quan cần tích cực đồng hành, hỗ trợ cộng đồng từ phương pháp, kinh nghiệm bảo tồn đến kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, truyền dạy, thực hành di sản...

Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, ngành Văn hóa Thủ đô đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, như: Đầu tư cơ sở vật chất; hỗ trợ mở lớp truyền dạy; thực hiện điền dã tư liệu hóa di sản… Dù vậy, di sản văn hóa phi vật thể là những di sản “sống” trong đời sống cộng đồng, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến đổi, do đó rất cần sự giám sát, hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thế Mạnh, thời gian qua, địa phương đã có những quan tâm nhất định tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, như: Mở các lớp truyền dạy, mua sắm trang thiết bị, trang phục biểu diễn... Tới đây, đơn vị sẽ đề xuất, tham mưu với UBND huyện Đông Anh; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để công tác này được quan tâm, chú trọng hơn, hỗ trợ cộng đồng về không gian biểu diễn, điều kiện truyền dạy và bảo tồn di sản.

Nguồn: http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn

Cùng chuyên mục