Bình yên rẻo cao Hợp Thành (Lào Cai)
Bình yên Hợp Thành.
Đến xã Hợp Thành, tôi chợt nhớ lời giới thiệu của anh Hà Quốc Trung, Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về mảnh đất này: Trước đây, chẳng mấy ai nghĩ Hợp Thành có thể phát triển du lịch. Tuy nhiên, sau khi ngành văn hóa, thể thao và du lịch mời các chuyên gia của Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (BfdW) và những người có kinh nghiệm làm du lịch, tất cả đều đánh giá Hợp Thành có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nông Thị Thu Hà, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hợp Thành là xã vùng cao của thành phố, với nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống đã tạo nên nhiều màu sắc văn hóa ở mảnh đất này. Thêm vào đó là các điều kiện thuận lợi về địa hình, khí hậu. Những yếu tố này mở ra hướng đi mới cho địa phương trong phát triển du lịch nông thôn.
Quả vậy, ai từng về Hợp Thành đều không khỏi ngạc nhiên. Dù là xã vùng cao của thành phố nhưng địa hình nơi đây lại như lòng chảo lớn, phần lớn các thôn trung tâm bằng phẳng, đường giao thông được bê tông hóa nên đi lại thuận tiện.
Hợp Thành được đánh giá là mảnh đất giàu bản sắc với các nghề truyền thống còn được lưu giữ đến nay như nghề làm hương, nghề nấu rượu, nghề đan lát... Để hiểu hơn về vùng đất này, tôi tìm về thôn Kíp Tước 1 với 100% đồng bào dân tộc Giáy - nơi nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống. Khi tôi đến, tranh thủ trời nắng ráo, cô Phùng Thị Thẻn đang tất bật làm những bó hương cuối cùng trong năm. Bột hương nâu trầm tỏa ra thứ hương thơm dìu dịu được đôi tay người phụ nữ phủ lần lượt lên tăm hương lớp này, lớp khác. Cô Thẻn bảo, nghề làm hương vất vả, phần lớn do phụ nữ đảm nhận nhưng để nghề ông cha truyền lại không bị mai một, bà con nơi đây vẫn cố gắng giữ và truyền dạy cho con cháu.
Ngoài nghề làm hương, thôn Kíp Tước 1 còn giữ nét đặc trưng của đồng bào Giáy, thể hiện ở kiến trúc nhà ở. Hiện trong thôn còn một số hộ giữ nguyên những ngôi nhà cổ. Trải qua bao tháng năm, những ngôi nhà 3 gian 1 chái, 5 gian 1 chái vẫn đứng vững cùng mưa nắng. Lớp phủ của thời gian dường như chỉ dừng lại ở màu gỗ đã bạc và màu ngói rắc rêu phong. Bên trong căn nhà, người dân vẫn duy trì cách sắp xếp đồ vật cùng thói quen sinh hoạt như ngày trước. Những khói bụi, ồn ào của cuộc sống hôm nay như chưa về tới rẻo cao này. Cũng chính từ lẽ đó, khi các đoàn công tác về đây khảo sát tiềm năng du lịch, người ta đánh giá cao những khung nhà cổ của đồng bào Giáy và cho rằng nếu được đầu tư và đi đúng hướng, các hộ có thể cải tạo để làm dịch vụ homestay.
Nhắc đến Hợp Thành, người ta cũng nhớ đến vẻ đẹp của người phụ nữ Xá Phó với những bộ trang phục truyền thống được làm thủ công từ đôi tay khéo léo. Đặc biệt, năm 2014, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Xá Phó có tên trong số 4 danh mục được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh. Từ niềm tự hào ấy, phụ nữ Xá Phó ở Hợp Thành hôm nay vẫn luôn gìn giữ và trao truyền để nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình không mờ phai theo năm tháng.
Nhắc vậy để biết, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng đất này vẫn được gìn giữ, phát huy qua nhiều thế hệ. Lớp nền bản sắc sẵn có là tiền đề để chính quyền và người dân địa phương khai thác làm du lịch, bởi xét cho cùng thì du lịch là chuyến hành trình mà mỗi du khách đều mong muốn biết tới và trải nghiệm về bản sắc của một vùng đất, một dân tộc.
Từ những thuận lợi và khó khăn đã được chỉ ra, thời gian qua, chính quyền xã Hợp Thành đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm để mở hướng đi mới cho người dân. Đó là việc bám sát Đề án số 5 của Thành ủy Lào Cai về tạo bước đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch trên địa bàn thành phố Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020; Đề án số 10 về phát triển văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng con người Lào Cai văn minh, lịch sự, thân thiện, kỷ cương giai đoạn 2017 - 2020. Trên cơ sở này, xã vận động người dân cải tạo, chỉnh trang nhà ở, giữ gìn vệ sinh môi trường; bảo tồn bản sắc các dân tộc; xây dựng nếp sống văn hóa... Xã cũng chủ trương cải tạo miếu làng để đưa nơi đây thành điểm du lịch tâm linh, kết nối với các điểm du lịch tâm linh khác trên địa bàn thành phố... Ngoài lợi thế về phiên chợ vùng cao họp vào Chủ nhật hằng tuần, xã hiện có 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ câu cá kết hợp với ăn uống, du lịch và 1 homestay phục vụ du khách... Dù còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ song những kết quả bước đầu này cho thấy chính quyền xã và người dân đang từng bước khai thác tiềm năng du lịch ở địa phương.
Hợp Thành hôm nay vẫn giữ được những nét đẹp mộc mạc của một rẻo cao với những cánh rừng bao bọc, dưới lòng thung lũng là những chân ruộng mênh mang ngát hương vào mùa gặt, những ngôi nhà người Giáy cổ đơn sơ, mộc mạc và phiên chợ đượm tình quê... Nếu tiềm năng, thế mạnh về mảnh đất và con người được đánh thức, tin rằng ngay giữa lòng thành phố sầm uất, nhộn nhịp vẫn có một chốn bình yên để du khách ghé thăm.