Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Tây Nguyên
Dự buổi làm việc có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Toàn cảnh buổi làm việc trực tuyến với 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng (Ảnh: TITC)
Đây là chương trình làm việc nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công văn số 716/TTg-QHĐP ngày 24/9/2024 của Văn phòng Chính phủ cũng như thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Thành viên Chính phủ theo sự phân công đã làm việc với 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã làm việc với 3 tỉnh gồm 3 đợt (1 lần trực tiếp vào ngày 18/5/2023 với 3 tỉnh tại tỉnh Lâm Đồng, 1 lần trực tuyến vào ngày 14/5/2024, 1 lần bằng văn bản vào ngày 22/02/2024).
Ba tỉnh đã có báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2024 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó có 40 kiến nghị, đề xuất đề nghị các cơ quan Trung ương giải quyết thuộc thẩm quyền của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Ủy ban dân tộc, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ.
Bộ VHTTDL làm việc trực tuyến với 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng (Ảnh: TITC)
Tại buổi làm việc trực tuyến vào sáng 9/10, lãnh đạo 3 tỉnh đã điểm lại một số thành tựu, kết quả cùng những khó khăn, thách thức phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2024.
Điểm cầu tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: TITC)
Về phía tỉnh Đắk Lắk, nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao diễn ra sôi nổi, đặc biệt, tỉnh đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk, tổ chức thành công giải Giải Bóng chuyền nữ quốc tế “VTV9 - Bình Điền” lần thứ 14... góp phần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk và thu hút khách du lịch. Tổng thu từ khách du lịch toàn tỉnh 9 tháng ước đạt 970 tỷ đồng, tăng 19,02% so với cùng kỳ 2023, bằng 102,11% kế hoạch cả năm 2024.
Điểm cầu tỉnh Đắk Nông (Ảnh: TITC)
Tỉnh Đắk Nông 9 tháng đầu năm tổng thu từ du lịch tăng trưởng mạnh, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2023. Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông được chú trọng đẩy mạnh.
Điểm cầu tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: TITC)
Tỉnh Lâm Đồng trong 9 tháng đầu năm, nhiều lễ hội, chương trình, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được đẩy mạnh. Tỉnh cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện nổi bật, thu hút đông đảo du khách như Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2024, khai thác thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ du lịch mới; triển khai cơ chế, chính sách phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Lạt…
Lãnh đạo 3 tỉnh cũng nêu một số kiến nghị liên quan đến việc khai thác sử dụng khoáng sản, chương trình Mục tiêu quốc gia về việc giải ngân nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, sử dụng đất nông - lâm trường, quy hoạch tỉnh, đầu tư, quy hoạch đường sắt địa phương vào mạng lưới đường sắt quốc gia…
Bộ trưởng phát biểu kết luận buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Đánh giá cao những thành tựu 3 tỉnh đã đạt được trong 9 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cả 3 địa phương đều có sự nỗ lực, cố gắng, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, ngày càng khẳng định vị thế là các cực tăng trưởng của miền Trung - Tây Nguyên.
Lĩnh vực nông nghiệp là một thế mạnh của 3 tỉnh. Ba địa phương đều xác định phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trở thành bệ đỡ, từ đó ngày càng tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn. Văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ phát triển, nhất là công tác giáo dục ở vùng sâu vùng xa. Lĩnh vực văn hóa, thể thao được quan tâm, đẩy mạnh đặc biệt là công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Từ những giá trị văn hóa này đã tạo tiền đề cho phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch tiệm cận với tiêu chí trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là hai địa phương Lâm Đồng, Đắk Lắk.
Với những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo 3 tỉnh để gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị 3 tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, sớm hoàn thành các dự án trọng điểm trên địa bàn, góp phần hoàn thiện hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng đảm bảo quốc phòng an ninh.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường thúc đẩy du lịch trong những tháng cuối năm cao điểm đón khách quốc tế (Ảnh: TITC)
Về lĩnh vực du lịch, theo Bộ trưởng, du lịch được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế. Những tháng cuối năm là dịp cao điểm để thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế. Chính vì vậy, các địa phương cần tăng cường xây dựng các tour tuyến, kết nối địa bàn để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đồng thời chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Hệ sinh thái thiên nhiên và văn hóa của 3 địa phương là những yếu tố quan trọng để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…, xây dựng thương hiệu du lịch với Lâm Đồng có thành phố sáng tạo, Đắk Lắk, Đắk Nông có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái.
“Du lịch tác động đến 11 nhóm ngành như giao thông vận tải (lữ hành), nông nghiệp (tiêu thụ nông sản)… vì vậy các địa phương cần quan tâm để đạt “mục tiêu kép” đó là vừa tăng cường giao lưu nhân dân, hiểu thêm về phong tục truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh dự buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL dự buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Đại điện các Bộ, ban, ngành Trung ương dự buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Tại cuộc họp, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành liên quan có văn bản trả lời chính thức những kiến nghị mà các địa phương đã đề cập. Đối với các địa phương, cần kiến nghị các vấn đề còn giao thoa giữa các Bộ, ngành, chưa rõ thẩm quyền, chưa có văn bản pháp luật quy định. Tránh tình trạng “Hỏi cho chắc, hỏi để tham khảo” mà cần tiếp cận theo hướng địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Những gì đã rõ cần mạnh dạn quyết định, thực hiện.
Trung tâm Thông tin du lịch