Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm việc với Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ về công tác phát triển VHTTDL trong thời gian tới

Cập nhật: 30/03/2022 14:24:40
Số lần đọc: 1031
(TITC) - Ngày 29/3/2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng đoàn công tác Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với tỉnh Phú Thọ về công tác phát triển văn  hóa, thể thao và du lịch của địa phương trong thời gian tới. Cùng làm việc với Bộ trưởng còn có Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị của Bộ VHTTDL.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trần Huấn - VHO

Tiếp và làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Phú Thọ có Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các Sở, ngành chức năng.

Báo cáo về tình hình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) của địa phương trong những năm qua, Lãnh đạo tỉnh cho biết, Phú Thọ đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc vùng đất Tổ, từng bước xây dựng, phát triển tỉnh Phú Thọ thành trung tâm văn hóa về cội nguồn của cả nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân.

Đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa, người dân Đất Tổ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, hệ thống thiết chế văn hóa đã được đầu tư và nâng cấp. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm, chú trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, nhất là đối với vùng nông thôn, miền núi, tạo nên diện mạo xã, phường, thị trấn văn minh, văn hóa.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vùng đất Tổ gắn với phát triển du lịch được thực hiện hiệu quả. Hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm. Nhiều di tích tiêu biểu được đầu tư quy hoạch, tu bổ, phục hồi, đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa, điểm đến hấp dẫn với du khách. Hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO ghi danh đã được tỉnh Phú Thọ nỗ lực bảo tồn và phát huy, với các biện pháp bài bản, khoa học. Hát Xoan Phú Thọ được đưa khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chương trình Hát Xoan làng cổ là một hoạt động không thể thiếu trong chương trình phục vụ khách du lịch. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một trong các lễ hội truyền thống mẫu mực…

Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu phát biểu tại buổi làm việc

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng nhấn mạnh một số kết quả về thể thao, địa phương đã đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao hướng về cơ sở; phát triển phong trào TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao. Trong đó, tập trung sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ đăng cai một bảng và trận bán kết môn bóng đá nam SEA Games 31, đảm bảo đúng tiến độ và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Về phát triển du lịch, những năm qua Phú Thọ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Địa phương đã phát triển được nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái - danh thắng, du lịch cộng đồng… Các sản phẩm du lịch có thế mạnh của tỉnh được hình thành rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi khai thác có hiệu quả các tour, tuyến phục vụ khách du lịch.

Bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh cũng nêu một số hạn chế trong công tác hướng VHTTDL, trong đó nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho du lịch còn thấp; sản phẩm du lịch còn nặng tính mùa vụ, tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa cao; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và xu hướng hội nhập quốc tế.…

Về phương hướng, nhiệm vụ về phát triển VHTTDL trong giai đoạn tới, Phú Thọ tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phấn đấu đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.

Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao các tiềm năng và sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương đã được phát huy và đưa vào khai thác. Để đẩy mạnh phát triển du lịch hơn nữa trong thời gian tới, Tổng cục trưởng đề nghị địa phương tập trung vào một số giải pháp như: có chính sách ưu đãi đầu tư phát triển du lịch; phát triển các dịch vụ bổ sung, sản phẩm cao cấp để giữ chân du khách. Tập trung phát triển các dòng sản phẩm chủ lực như du lịch văn hóa, tập trung vào tâm linh, di sản, ẩm thực; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; Du lịch thiên nhiên, sinh thái, cộng đồng. Tổ chức các sự kiện xúc tiến, giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp du lịch. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Chú trọng đào tạo nhân lực ngành du lịch. Triển khai có hiệu quả các nội dung trong chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, chương trình hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội.

Tổng cục trưởng cho biết, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ địa phương trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Về nội dung này, địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, tham gia các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Phú Thọ đã chú trọng bảo tồn và phát huy những đặc trưng riêng có, điều đó thể hiện rõ nét trong phát biểu của đồng chí Bí thư: không để bị sức ép về phát triển kinh tế lấn át và làm mất đi bản sắc văn hóa. Bộ VHTTDL mong muốn địa phương sẽ tiếp tục khẳng định hướng đi lâu dài này”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã có nhiều chủ trương, giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực VHTTDL. Những khâu đột phá mà lãnh đạo tỉnh đề ra đã “định vị” sự phát triển của Phú Thọ trong tương quan với các tỉnh miền núi trung du phía Bắc. Từ quan điểm, định hướng phát triển văn hóa, đời sống người dân từng bước được cải thiện. “Những chủ trương, chính sách của Phú Thọ đã được thể hiện thông qua việc địa phương luôn dành nhiều thời gian chăm lo cho sự nghiệp phát triển VHTTDL, bằng những chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trên toàn tỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn Phú Thọ sẽ tiếp tục kiên trì hướng đi đã chọn, vì sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chia sẻ với địa phương về những khó khăn, vướng mắc cần giải pháp tháo gỡ. Trong lĩnh vực giữ gìn, phát huy giá trị di sản, cùng với những kết quả đạt được còn là bài toán về quy hoạch, thống kê bài bản... Các lĩnh vực thể thao, du lịch, Bộ trưởng cũng lưu ý cần có giải pháp cho sự phát triển chiều sâu.

Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh có nhiều nhiệm vụ phải thực hiện đồng thời thì địa phương cần triển khai theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực. Tiếp cận theo hướng này, Bộ trưởng đề nghị giao các cơ quan, đơn vị tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng Nghị quyết riêng về phát triển Văn hóa của Đảng bộ tỉnh. “Chúng ta vừa tổng kết Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 76 về Nghị quyết 33, Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030, phát biểu giao nhiệm vụ của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, bây giờ chúng ta phải cụ thể hóa những nhiệm vụ này. Đây là vấn đề có tính chất cơ bản, là gốc để chúng ta triển khai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về cách làm lâu dài, lãnh đạo tỉnh cần giao các cơ quan chuyên môn xây dựng Đề tài khoa học nghiên cứu văn hóa, phẩm chất tốt đẹp của người Phú Thọ, qua đó để nhân lên niềm tự hào, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. 

Về nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư, thôn bản, trường học và doanh nghiệp, vì đây là gốc của vấn đề. Môi trường văn hóa phải do nhân dân làm chủ thể để xây dựng, ban hành các quy tắc, quy ước để thực hiện. Từ đó mới đi vào thực chất xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, làm sâu sắc, phong phú, đa dạng giá trị văn hóa trong chỉnh thể thống nhất nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Về du lịch, Bộ trưởng lưu ý, hạ tầng, sản phẩm và con người làm du lịch là ba bài toán cần chú ý. Sản phẩm du lịch phải mang dấu ấn đặc trưng riêng. Đơn cử như di sản hát Xoan, niềm tự hào riêng có nơi vùng đất Tổ cần được tạo thêm sức lan tỏa rộng rãi. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị địa phương sớm xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư du lịch và tham gia vào các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch của Bộ VHTTDL ở trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

Về thể thao, Bộ trưởng đề nghị cần có các giải pháp để tiếp tục phát triển thể thao quần chúng, bên cạnh thể thao thành tích cao. Nhấn mạnh SEA Games 31 đang đến gần, Bộ trưởng lưu ý, đây là sự kiện có ý nghĩa về chính trị, ngoại giao, văn hóa. Vì vậy, trên tinh thần khẩn trương, tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện để công trình thể thao, nơi diễn ra một số trận đấu bóng đá trong khuôn khổ SEA Games 31 đạt tiến độ và tiêu chuẩn kỹ thuật…

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và đoàn công tác đã thăm, khảo sát một số thiết chế văn hóa, di tích và công trình tổ chức SEA Games 31 trên địa bàn TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, bao gồm: di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Hùng Lô, Nhà văn hóa phường Dữu Lâu, nhà thi đấu tỉnh Phú Thọ. 

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT