Tin tức - Sự kiện

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu: Du lịch Ninh Thuận cần phát triển sản phẩm độc đáo, chất lượng, tăng cường xúc tiến quảng bá

Cập nhật: 28/03/2022 05:04:01
Số lần đọc: 913
(TITC) - Trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, sáng ngày 27/3, tại Hội An, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch nhằm mở ra cơ hội cho nhà đầu tư gặp gỡ và hiểu thêm về tiềm năng phát triển du lịch ở xứ sở “nắng và gió”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu dự và phát biểu tại hội nghị.  


Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác du lịch Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang và được ví như "vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á".

Ninh Thuận có nhiều danh lam thắng cảnh hữu tình cùng các di sản văn hóa, làng nghề độc đáo. Với khí hậu nắng ấm quanh năm, Ninh Thuận có một số cây trồng, vật nuôi đặc thù thích hợp phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng bản địa như dê, cừu, nho...

Với bờ biển dài hơn 105 km, Ninh Thuận được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng về sinh học và nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn quốc gia Phước Bình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận định hướng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của Ninh Thuận, trong đó ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm chính gồm:

Nhóm sản phẩm đặc thù: du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa.

Nhóm sản phẩm mới lạ: Du lịch khám phá và vui chơi giải trí “cát-muối”, du lịch săn bắn bán hoang dã, du lịch trải nghiệm đường sắt, du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

Nhóm sản phẩm bổ trợ: Du lịch cộng đồng, du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực, du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo, thương mại du lịch.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TITC

Về định hướng kêu gọi đầu tư, lãnh đạo tỉnh cho biết, Ninh Thuận ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía bắc, phía nam và Trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm để hình thành hệ thống khách sạn tại khu vực bãi biển Bình Sơn, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú cao cấp ven biển; các dịch vụ du lịch chuyên đề kết hợp đua mô tô địa hình trên cát, các môn thể thao biển như: dù lượn, lướt ván diều, trải nghiệm hoạt động nông nghiệp như thu hoạch nho, táo, làm muối, trồng tỏi...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu. Ảnh: TITC

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và nỗ lực của ngành du lịch Ninh Thuận trong thời gian qua, và cho rằng Ninh Thuận có những thế mạnh đặc thù, khác biệt về khí hậu, sinh thái, văn hóa… có thể giúp du lịch phát triển mạnh.

Phó Tổng cục trưởng đề nghị Ninh Thuận cần đẩy mạnh truyền thông xúc tiến quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc sắc để sớm phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, xanh hóa, số hóa các sản phẩm du lịch. Trong đó cần tập trung chú ý các giải pháp truyền thông số để quảng bá du lịch. Đặc biệt, Ninh Thuận cần có “ngôn ngữ” riêng để tạo sự khác biệt trong tam giác du lịch Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang. Đó là đẳng cấp và chất lượng. Đồng thời, Ninh Thuận cần tăng cường hợp tác công tư, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư để tạo nguồn lực phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng gợi ý tỉnh Ninh Thuận nên phối hợp cùng tỉnh Bình Thuận để cùng nhau thực hiện Năm Du lịch quốc gia 2023. Trên cơ sở những hoạt động của năm du lịch quốc gia, những chương trình xúc tiến quảng bá sẽ có hiệu quả lớn.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Tường. Ảnh: TITC

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho rằng trong định hướng phát triển du lịch, các địa phương cần đổi mới tư duy, phát huy những lợi thế riêng có và tăng cường sự liên kết hợp tác, tạo ra những sản phẩm du lịch bền vững.

PGS-TS. Phạm Trung Lương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC

Theo PGS-TS. Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), Ninh Thuận có dư địa rất lớn để phát triển du lịch xanh, đẳng cấp bởi đây là trung tâm năng lượng sạch lớn của quốc gia. Thêm nữa, du lịch Ninh Thuận đi sau so với các địa phương trong khu vực miền Trung nên có thể rút ra nhiều bài học về phát triển du lịch bền vững.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng Ninh Thuận là điểm đến khác biệt trong chuỗi các sản phẩm du lịch khu vực Nam Trung Bộ. Đây chính là khu vực triển vọng, định hướng vươn tầm khu vực và thế giới phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT