Tin tức - Sự kiện

Hội thảo trực tuyến về Mở lại hoạt động du lịch của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC) - Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Cập nhật: 25/03/2022 14:06:21
Số lần đọc: 838
(TITC) - Ngày 23/3/2022, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC) đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến về Mở lại hoạt động du lịch với chủ đề về phục hồi ngành du lịch Việt Nam.       

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ của Chuỗi hội thảo trực tuyến về Mở cửa trở lại hoạt động du lịch của US-ABC. Buổi hội thảo tại Việt Nam lần này bao gồm các chủ đề chính xung quanh quá trình phục hồi ngành du lịch và góp phần trao đổi thêm các giải pháp hỗ trợ Việt Nam trong lộ trình phục hồi kinh tế hậu COVID-19 cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong hệ sinh thái du lịch của khu vực. Buổi hội thảo bao gồm 3 phiên thảo luận: (1) Khả năng phục hồi của ngành vận tải; (2) Những khía cạnh của nền kinh tế du lịch số; (3) Các xu hướng và chủ đề định hình ngành du lịch sau đại dịch.

Buổi hội thảo có sự tham dự của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu, Nguyên Đại sứ Michael W. Michalak, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ-ASEAN, đại diện Cục Hàng không Việt Nam, các Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), các tập đoàn lớn của Mỹ như Visa, Adobe, IBM và KPMG, cũng như đại diện từ các cơ quan, đơn vị du lịch tại Việt Nam.

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Nguyên Đại sứ Michael W. Michalak, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ-ASEAN bày tỏ sự vui mừng với thành công vừa đạt được trong chuyến công tác tại Việt Nam vào hồi tháng 3 vừa qua. Theo đó, US-ABC đã có một số cuộc thảo luận với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan về các chủ đề như đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và cách hỗ trợ các lĩnh vực chính như du lịch và lữ hành. Ông cho rằng, buổi hội thảo diễn ra lần này vừa đúng thời điểm khi Việt Nam tuyên bố mở cửa và chào đón du khách quốc tế trở lại. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ việc chuyển đổi chính sách từ “zero-covid” sang thích ứng an toàn và linh hoạt, khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế xã hội như du lịch và các sự kiện kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Nguyên Đại sứ Michael W. Michalak, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ-ASEAN phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu đánh giá buổi hội thảo là một sự kiện ý nghĩa và rất kịp thời, trong bối cảnh Việt Nam vừa mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội thảo

Theo Phó Tổng cục trưởng, trong giai đoạn hai năm vừa qua khi các làn sóng của đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến ngành du lịch, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN về thực trạng của ngành, các ưu tiên phục hồi sau đại dịch, đồng thời đề xuất hợp tác với các doanh nghiệp thành viên Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN nhằm đóng góp vào công tác khôi phục ngành du lịch.

Ông cũng nhấn mạnh rằng ngành du lịch đã xác định một số vấn đề và thách thức đặt ra khi Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch và đưa ra một số giải pháp ưu tiên sẽ triển khai trong thời gian tới. Một số giải pháp trọng tâm bao gồm: (1) Tăng cường liên kết, hợp tác liên ngành và liên vùng; (2) Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; (3) Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; (4) Đẩy mạnh hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; (5) Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và phục hồi, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Phó Tổng cục trưởng cũng hy vọng rằng đại diện của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp sẽ có những chia sẻ thẳng thắn, đi vào trọng tâm để có một bức tranh toàn diện nhất về những cơ hội và thách thức đối với ngành du lịch thời gian tới. Đồng thời, có thể đưa ra những khuyến nghị thiết thực, cụ thể, tập trung vào các giải pháp về hợp tác quốc tế, hướng tới mục tiêu mở cửa ngành du lịch một cách khẩn trương, đồng bộ và nhất quán.

Hoạt động du lịch đã được khôi phục trong điều kiện bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tuy nhiên, công tác phục hồi ngành du lịch như trước đại dịch còn cần thời gian và nhiều nỗ lực từ tất cả các bên liên quan trong ngành. Hơn lúc nào hết, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất cần sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan, Bộ ngành liên quan, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước để triển khai chủ trương mở cửa lại an toàn, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu mới của du khách và thích ứng với bối cảnh du lịch toàn cầu.

Tại buổi hội thảo, Ông John Mackenney - Giám đốc phụ trách Chiến lược số, Tập đoàn Adobe đã có phần thuyết trình xúc tích về xu hướng du lịch toàn cầu hiện nay. Theo ông John Mackenney, các mô hình kinh doanh linh hoạt, hướng tới các trải nghiệm cá nhân là xu hướng đang được kỳ vọng. Dựa trên một số kết quả khảo sát khách hàng, ông cho rằng trải nghiệm hiện là động lực số 1 cho sự lựa chọn thương hiệu, hơn sản phẩm hoặc giá cả. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tới nay, cuộc sống của con người đã có nhiều thay đổi, hầu hết các hoạt động như làm việc hay họp hành đều diễn ra từ xa, đây là yếu tố định hình lại cơ cấu kinh doanh du lịch, việc sáng tạo sản phẩm cũng như xu hướng mua sắm. An toàn hiện là từ khóa được du khách khắp thế giới nhắc tới nhiều nhất, vì vậy, nhu cầu về hướng dẫn thông tin và chăm sóc khách hàng “không chạm” ngày càng tăng.

ông John Mackenney đã giới thiệu một số ứng dụng kỹ thuật số cần được ưu tiên để cạnh tranh trong nền kinh tế trải nghiệm hiện nay, cũng như giảm bớt quy trình thủ tục giấy tờ cho du khách trong việc xuất nhập cảnh và tăng trải nghiệm của họ.

Trong phiên thảo luận đầu tiên về Khả năng phục hồi của ngành vận tải trong tương lai, chuyển đổi số được nhấn mạnh như công cụ quan trọng nhất trong việc cải thiện thủ tục xuất nhập cảnh và trải nghiệm của du khách khi đi du lịch. Với việc tận dụng triệt để trí tuệ nhân tạo AI sẽ giúp du khách có thể tự đặt vé máy bay, theo dõi sức khỏe, nhận kết quả xét nghiệm COVID-19, thay đổi lịch trình, vv..

Liên quan tới các chính sách xuất, nhập cảnh cũng như các quy định đối với khách quốc tế đến Việt Nam, Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (TCDL) cho biết, ngay trong ngày 15/3/2022, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tổ chức hội nghị (trực tiếp và trực tuyến) với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cung cấp các thông tin liên quan tới các chính sách mở cửa của Việt Nam, để có thể thông tin kịp thời tới khách du lịch ở các địa bàn. Đối với các cơ quan ngoại giao đại diện của các nước tại Việt Nam, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ sớm gửi tới các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước ở Việt Nam để thông tin về các chính sách mở cửa của Việt Nam, bao gồm Phương án mở cửa du lịch, Phương án đảm bảo an toàn về y tế, cũng như chính sách về thị thực, miễn thị thực và thị thực điện tử. Thêm nữa, toàn bộ các thông tin về việc mở cửa toàn diện nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực du lịch, TCDL đã thông tin kịp thời qua trang thông tin điện tử chính thống của TCDL, và mạng xã hội. Đồng thời TCDL cũng sẽ liên kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Ngoại Giao và các cơ quan liên quan để tiếp nhận những thông tin phản hồi từ du khách, tổng hợp gửi cho Bộ VHTTDL, để kịp thời có các phương án đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất, điều kiện an toàn về y tế cho khách du lịch đến Việt Nam.

Ông Sandeep Makhijani - Giám đốc Watson Health khu vực Châu Á, Công ty IBM phát biểu tại Hội thảo

Tại hai phiên thảo luận cuối về những khía cạnh của nền kinh tế du lịch số cũng như các xu hướng và chủ đề định hình ngành du lịch sau đại dịch, ông Sandeep Makhijani - Giám đốc Watson Health khu vực Châu Á, Công ty IBM và ông John Mackenney - Giám đốc phụ trách Chiến lược số, Tập đoàn Adobe đều nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong quá trình phục hồi ngành du lịch và kinh tế. Sự tham gia của công nghệ thông tin sẽ góp phần kéo dài tuổi thọ của nền tảng kinh doanh trong hệ sinh thái kỹ thuật số hiện đại hiện nay, mà cơ sở dữ liệu được ứng dụng công nghệ Blockchain là một ví dụ điển hình. Công nghệ sẽ kiểm soát dữ liệu, giúp củng cố lòng tin của khách hàng. “Những người thiết lập nên môi trường an toàn cho nhân viên và khách hàng quay trở lại, sẽ là những người chiếm được lợi thế cạnh tranh cao nhất”.

Một số slide chia sẻ thông tin trong bài trình bày của ông Sandeep Makhijani tại buổi Hội thảo

Hiện nay, thủ tục xuất nhập cảnh thông thường tốn tương đối nhiều thời gian nên việc thế giới áp dụng xác nhận đa chứng chỉ để giảm bớt thủ tục giấy tờ như chứng nhận tiêm chủng, chứng nhận xét nghiệm âm tính hoặc đã phục hồi COVID-19, v.v… là cần thiết.

Du lịch bền vững là sự lựa chọn hàng đầu bên cạnh các phân khúc du lịch cao cấp và sự đa dạng hóa của hình thức du lịch. Vì vậy, kỹ thuật số và quy mô tổ chức cần được chú trọng trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh việc hỗ trợ toàn diện của các tổ chức du lịch, du khách có thể tận dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tìm kiếm trước thông tin về địa điểm mình muốn đến trước khi đưa ra quyết định. Các ứng dụng điện thoại hiện nay đã cho phép du khách nhìn thấy toàn cảnh 360 độ về địa điểm muốn đến, tạo lập danh sách điểm đến yêu thích, cũng như nhận được thêm nhiều gợi ý về địa điểm gần nơi du lịch, vv…

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) cho biết, trong 2 năm vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hoạt động và sự kiện nhằm kích cầu và thúc đẩy sự phục hồi của du lịch. Hiệp hội Du lịch đã phối hợp với Bộ VHTTDL, TCDL đề xuất với Chính phủ ban hành một số chính sách như là hỗ trợ doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn do tác động của đại dịch, mở cửa và phục hồi du lịch, về thị thực nhập cảnh...

Cũng tại buổi Hội thảo, một số vấn đề cũng đã được đưa ra thảo luận như các hoạt động và xu hướng của du lịch nội địa và quốc tế tại Việt Nam trong tương lai, tình trạng hiện nay của các khách sạn và cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam, nguồn nhân lực trong ngành du lịch, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch ở TP. Hồ Chí Minh, hoạt động du lịch tại Khánh Hòa…

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT