Bộ VHTTDL đề xuất thêm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch trước đại dịch Covid-19
Đầu tư xúc tiến quảng bá thu hút khách quốc tế là hoạt động quan trọng khi hết dịch COVID-19 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo và người lao động
Theo đó, Bộ VHTTDL đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn huỷ tour thay vì thực hiện huỷ tour, gói tài chính này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.
Hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch. Bộ đề nghị đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ giúp người dân gặp khó khăn chống dịch Covid-19.
Miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa; thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2020.
Đối với các cơ sở đào tạo du lịch, Bộ đề xuất đầu tư cho các cơ sở đào tạo du lịch có áp dụng chương trình giáo dục trực tuyến đào tạo cấp theo Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam: Hỗ trợ xây dựng/nâng cấp hạ tầng phục vụ dạy và học trực tuyến; hỗ trợ đào tạo giáo viên dạy học trực tuyến; hỗ trợ xây dựng/nâng cấp chương trình học trực tuyến; hỗ trợ công tác tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch công nhận kết quả học tập và tuyển lao động có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các cơ sở đào tạo du lịch.
Áp dụng chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho các cơ sở đào tạo du lịch và các học viên tham gia các chương trình đào tạo lại, nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất lao động theo Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam.
Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tham gia xúc tiến du lịch quốc gia, cụ thể: Doanh nghiệp không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào; được hỗ trợ chi phí thị thực, hỗ trợ chi phí vé máy bay cho 1 cán bộ/1 doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình.
Bộ VHTTDL đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh.
Cho phép doanh nghiệp du lịch và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021, đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 theo hướng: (i) Giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 03 tháng trong 24 tháng qua; đơn giản hóa quy trình giải quyết quyền lợi cho lao động; (ii) Miễn các khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (iii) Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng: Tăng tỷ lệ thay thế từ 60% lên 80%.
Tập trung chuẩn bị kỹ giải pháp cụ thể cho từng kịch bản khống chế dịch Covid-19
Cùng với các đề xuất chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, người lao động trong ngành du lịch, Bộ VHTTDL cũng đề xuất các giải pháp cụ thể cho 3 kịch bản diễn biến dịch Covid-19.
Trong kịch bản Việt Nam công bố hết dịch, Ngành sẽ tập trung vào hoạt động kích cầu thị trường du lịch nội địa với sự tham gia của các địa phương, các doanh nghiệp vận chuyển và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch thông qua việc miễn/giảm có thời hạn giá dịch vụ (hàng không, lưu trú, phí tham quan...); tập trung vào phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, du lịch MICE. Tập trung triển khai chiến dịch truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn”. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có các gói kích cầu tiêu dùng, trong đó có kích cầu người tiêu dùng trong nước sử dụng dịch vụ du lịch. Triển khai xây dựng Trung tâm điều hành du lịch thông minh phục vụ chuyển đổi số ngành du lịch trong và sau dịch Covid-19.
Với kịch bản Việt Nam và một số nước khác công bố hết dịch (dự kiến các nước trong khu vực châu Á có khả năng hết dịch sớm hơn), cần hỗ trợ ngành Du lịch đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tập trung phát động chương trình: “Việt Nam an toàn và hấp dẫn” - “Vietnam NOW - Safety and Smiling” , khẳng định Việt Nam đã thành công trong đẩy lùi dịch Covid-19 và tiếp tục là điểm đến an toàn, khách du lịch được chào đón trở lại, hoạt động kinh doanh du lịch được phục hồi; công bố các gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi. Cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tập trung quảng bá khách đến và đi du lịch các thị trường đã hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, du lịch MICE. Ngoài ra, Bộ VHTTDL kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam liên quan đến miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh.
Khi thế giới công bố hết dịch, du lịch Việt Nam sẽ tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, truyền thông, phát triển sản phẩm du lịch mới. Triển khai rộng rãi các gói kích cầu đối với các thị trường du lịch, cả nội địa, quốc tế (inbound và outbound). Kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế, miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh.
Trước đó vào ngày 19/3/2020, Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản số 1156/BVHTTDL-TCDL trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các đề xuất tập trung vào giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như miễn, giảm và gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ giá điện, hỗ trợ tín dụng, giảm các loại phí, lãi suất ngân hàng…
Cùng với đó, Bộ đề xuất Thủ tướng xem xét có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế (miễn thị thực, miễn phí cấp thị thực, chính thức hóa việc cấp thị thực điện tử, tạo thuận lợi việc cấp thị thực cửa khẩu…). Đồng thời, Bộ đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn”.
Đại dịch Covid-19 hiện đã lan rộng ra trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế, xã hội, giao thương, đi lại…, trong đó du lịch là một trong những ngành bị tác động sớm nhất và nặng nề nhất khi lượng khách du lịch và doanh thu từ khách du lịch giảm nhanh và mạnh, đến nay hầu như không còn. Với những đề xuất của Bộ VHTTDL với Chính phủ về các giải pháp cấp bách hỗ trợ được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp, đơn vị giảm bớt thiệt hại, duy trì sự tồn tại, cố gắng vượt qua khó khăn và chuẩn bị cho các hoạt động phục hồi trong thời gian tới khi dịch đi qua.
Thu Thủy