Cà Mau: Bắt vọp rừng Năm Căn
Ký ức một thời
Tôi về xứ Nhà Luận, xã Tam Giang, huyện Năm Căn cùng anh Nguyễn Thanh Nhã và anh Tiêu Minh Lường (Năm Lường) vào khu vực Vườn Kiểng hơn 10 ha của ông Nguyễn Văn Lum bắt vọp rừng. Ông Lum giải thích, gọi là “Vườn Kiểng” vì ngày trước nơi đây là cánh rừng đước bạt ngàn vài chục năm tuổi. Cây đước xứ này suôn như ống đũa, có cây to dùng xẻ làm ván ngựa, cột nhà, cột hàng đáy. Còn con vọp rừng là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, sống ở các vùng đất bùn, bãi bồi ven biển, đặc biệt là những vùng rừng đước bạt ngàn như Năm Căn, Ngọc Hiển. Gọi là vọp rừng là để phân biệt nơi chúng sinh sản và lớn lên tại vùng đất bùn ở rừng ngập mặn; còn vọp cát, vọp biển là chúng ở những vùng đất bãi phù sa có cát trong rừng lá dừa nước vùng biển Kiên Giang và vọp xứ chùa Vàng, Campuchia.
Anh Tiêu Minh Lường bắt được một con vọp rất to trong rừng đước.
Ông Lê Minh Tỵ, từng là tay bắt vọp mưu sinh nổi tiếng ở Viên An Ðông, nhớ lại, ngày trước, những địa danh xứ rừng đước nói chung, Vườn Kiểng, Ông Ðơn, Nhà Luận, lung Bông Súng, Kênh 17, Nà Lớn, rạch Tư Thơ, kênh Sáu Hổ, (Năm Căn); Rạch Vọp, Giao Ðu, Ngọn Cây Thước (Viên An Ðông, Ngọc Hiển) nói riêng, từng là “vương quốc” của loài vọp rừng. Chúng sống dày đặc, hằng hà sa số, không sao đếm xuể. Dân bắt vọp ngày xưa họ chỉ bắt vọp lưỡi búa, vọp mù u thịt nhiều; gia đình có đám tiệc, họ đặt vọp chủ yếu là vọp thịt, cân ký, chứ để vọp nguyên con trong rừng nặng nhọc, khó vận chuyển. Khi người dân miền trên di cư xuống vùng đất rừng, cất nhà lập xóm mưu sinh, họ hưởng lợi từ những sản vật dưới chân rừng, nào là tôm, cua, vọp, ba khía, ốc len, thòi lòi...
Theo ông Nguyễn Văn Lum, ở rừng đước Năm Căn những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, khi Nhà nước mở cúp (chu kỳ khai thác rừng) một lần, thu hút hàng trăm thợ rừng khắp nơi đổ về làm công khai thác gỗ, đây cũng là lúc mọi người vừa khai thác cây vừa bắt vọp, ba khía, ốc len để làm thức ăn hàng ngày và bán kiếm thêm thu nhập. Mỗi khu rừng khai thác hàng tháng trời, nên người thợ rừng có thể bắt vọp đếm bằng thiên, chở đầy xuồng be thước. Các thương lái vùng trên cũng xuống khu vực mở cúp để thu mua gỗ và các loại hải sản, mỗi lần chở về bằng ghe chài hàng trăm thiên vọp.
Bây giờ, môi trường thiên nhiên thay đổi, cộng với sự tác động của con người khai thác đất rừng để cải tạo nuôi tôm, làm cho diện tích rừng tự nhiên ngày càng hẹp lại; cùng với sự săn bắt quá mức của người dân, dẫn đến loài vọp rừng gần như cạn kiệt, không còn nhiều như trước.
Khám phá Vườn Kiểng
Mang theo bao vải, cặp đệm, can nhựa 30 lít làm dụng cụ đựng vọp lên chiếc xuồng composite, từ Vàm Ðầm chúng tôi bơi xuồng tuốt lên trên hậu đất khu Vườn Kiểng, ấp Nhà Luận, Tam Giang, bắt đầu chuyến săn bắt vọp.
Anh Nhã lấy chiếc bao vải buộc vào người, anh Năm Lường cầm can nhựa, rồi đi vào rừng đước rậm rạp, đất bùn nhão lội ngập nửa ống chân. Tôi cứ tưởng săn vọp đơn giản, nhưng thật ra rất khó để bắt được chúng nếu không tinh ý, vì đa số vọp thường ẩn mình dưới lớp bùn sâu vài centimet nên khó nhìn thấy được. Nếu không biết tập tục sinh sống của chúng thì lội cả ngày trong rừng như tôi cũng không bắt được con nào, có chăng chỉ bắt được vài con vọp di chuyển lộ thiên dưới chân rừng khi chúng chưa kịp vùi xuống bùn đất.
Nghề nào cũng có bí quyết riêng của nó, nghề săn bắt vọp rừng cũng thế. Anh Năm Lường là người chuyên bắt vọp theo kiểu ăn chia 4/6 với chủ rừng; thường bắt ở khu vực ấp Vườn Kiểng, xã Tam Giang và khu vực Tam Giang Ðông. Anh cho biết: “Săn bắt vọp phải tìm hiểu chúng sống, di chuyển như thế nào. Có 3 loại vọp là vọp cạnh, vọp mà và vọp ỉa. Vọp cạnh là chúng sống ở vùng đất tương đối cứng hoặc theo thời tiết từng mùa mà vọp chỉ vùi xuống đất bùn theo bề đứng với độ sâu vừa tới phần cạnh. Còn con vọp mà và vọp ỉa là chúng sống ở vùng chảng, đất bùn nhão nên vùi sâu hơn”.
Vọp chúng tôi vừa bắt được trong rừng Vườn Kiểng, Tam Giang.
Cũng là tay bắt vọp cừ khôi xứ Vườn Kiểng này, anh Nhã nói, trong các loại vọp thì vọp mà là dễ bắt nhất. Thứ nhất là do màng mà tương đối rộng, dễ nhìn; thứ hai là khi lội bắt vọp, hai chân tác động mạnh vào đất bùn làm con vọp giật mình búng nước lên, cứ thế mà bắt chúng. Vọp thường sống tập trung, nếu bắt được một con thì khu vực xung quanh thế nào cũng có vài con khác.
"Làm nghề bắt vọp thường phải lội vào tận rừng sâu hàng ngày, dưới bùn có nhiều vật sắc nhọn nên tay, chân thường xuyên bị xây xước, chảy máu", anh Nhã chia sẻ.
Cuộc hành trình vào rừng đước săn bắt vọp gần một ngày, vừa phải chịu cảnh muỗi, bù mắc, vừa bị gai chà là, ô rô quẹt đầy mình, chúng tôi bắt được gần 15 kg vọp, dồn lại đựng gần đầy chiếc can nhựa và nửa bao ốc len, ba ba, cua, ba khía.
"Khu vực này hai tháng trước chúng tôi đã quần một chuyến nên hôm nay thu hoạch tương đối, chứ những khu rừng chủ chưa khai thác, một ngày có thể bắt được 30-40 kg", anh Nhã nói và cho hay, vọp rừng được thương lái thu mua với giá 80.000 đồng/kg, cao gấp ba, bốn lần so với vọp nuôi “vỗ béo”.
Con vọp rừng Năm Căn được nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên lượng vọp thiên nhiên hiện nay rất hiếm nên không đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Ðể phát triển loài vọp, người dân xứ rừng mua vọp cát vùng Kiên Giang, Campuchia bán trên thị trường về thả trong vuông tôm nuôi, “vỗ béo” vài ba tháng cho chúng mập lên, nặng ký bán kiếm lời. Tuy nhiên, giá thành chỉ bằng 1/3 so với giá vọp rừng đước.
Vọp rừng được xem là một trong những đặc sản độc đáo xứ Năm Căn, Ngọc Hiển Cà Mau. Loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ này thịt rất ngon, có thể chế biến được nhiều món ẩm thực hấp dẫn, như: luộc gừng, nướng, đặc biệt là xào với bồn bồn tươi, vô cùng hấp dẫn.
Ðặc sản vọp nướng mỡ hành.
Du khách muốn ăn vọp rừng cho đã thèm thì hãy về vùng rừng đước Năm Căn, Ngọc Hiển./.
Huỳnh Lâm