Cà Mau triển khai đề án “Làng Văn hóa-Du lịch Đất Mũi”
Không gian rừng ngập mặn tự nhiên là trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến “Làng văn hoá du lịch Đất Mũi”
Theo đó, “Làng Văn hóa-Du lịch Đất Mũi” là một phần thuộc khu du lịch Đất Mũi, thuộc xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Đây cũng là khu vực ở cuối cùng cực nam Tổ quốc, được bao quanh bởi rừng ngập mặn thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, đã được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Trong khu làng này sẽ tập trung nhiều hộ gia đình làm du lịch sinh thái, là nơi tái hiện lại đời sống sinh hoạt của nhân dân vùng sông nước ở Đất Mũi-Cà Mau…
Việc triển khai thực hiện Đề án “Làng Văn hóa-Du lịch Đất Mũi” là bước chuyển mang tính đột phá để thực hiện chủ trương của Cà Mau về phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch với phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, góp phần quảng bá các sản phẩm đặc trưng đến đông đảo khách thập phương. Đây còn là động thái vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng địa phương nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần phục hồi, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tạo thêm cơ hội để giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc trong và ngoài nước.
Các điểm du lịch sinh thái cộng đồng là nơi dừng chân và trải nghiệm thú vị trong không gian “Làng Văn hóa-Du lịch Đất Mũi”
Để triển khai thực hiện Đề án “Làng Văn hóa-Du lịch Đất Mũi” một cách thiết thực, hiệu quả, tới đây, ngành chức năng và chính quyền Cà Mau sẽ xúc tiến thành lập Ban quản lý Làng Văn hóa-Du lịch để bảo đảm đi vào hoạt động hiệu quả; ban hành quy chế hoạt động, xây dựng nội dung, tiêu chí về Làng Văn hóa-Du lịch; tổ chức các hoạt động truyền thông trong nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bám sát nội dung trọng tâm của Đề án, kịp thời thông tin về quyền lợi của người dân khi tham gia làm du lịch để thu hút người dân đăng ký tham gia.
Song hành đó là triển khai quy hoạch, định hướng không gian, cảnh quan xung quanh Làng Văn hóa-Du lịch; khảo sát, xây dựng phương án và đề xuất nhu cầu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng đường bộ bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện cho du khách; tăng cường huy động thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch trên cơ sở quy hoạch và các cơ chế chính sách quy định; tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó tập trung đầu tư xây dựng các dự án, công trình phục vụ phát triển du lịch; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; xây dựng các mô hình hoạt động du lịch gắn với sản xuất chủ lực của địa phương; phát triển làng nghề thủ công truyền thống, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách.
Các làng nghề truyền thống và nuôi thủy sản sẽ được ưu tiên đầu tư để phục vụ đề án “Làng Văn hóa-Du lịch Đất Mũi”.
Thời gian gần đây, Cà Mau có nhiều ưu tiên để đầu tư phát triển ngành công nghiệp không khói, đặc biệt là đầu tư về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; trùng tu, nâng cấp các di tích, tôn tạo cảnh quan môi trường; phát triển thêm cơ sở vật chất phục vụ du lịch như nhà hàng, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí. Nhờ đó mà sản phẩm du lịch ở Cà Mau ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều loại hình như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm các tuyến xuyên rừng trên lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau...
Hữu Tùng