Hoạt động của ngành

Cà Mau: Vực dậy du lịch Năm Căn

Cập nhật: 26/03/2021 08:56:12
Số lần đọc: 934
Năm Căn là huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch; tuy nhiên, theo nhìn nhận của ngành chức năng, du lịch Năm Căn thời gian qua vẫn chưa tìm được hướng đi, khách du lịch chưa thật sự thiết tha với các điểm tham quan nơi đây.

Nơi hội đủ tiềm năng

Tuy hội đủ tiềm năng, lợi thế, nhưng du lịch Năm Căn vẫn chưa khai thác triệt để, chưa thật sự là điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa. Bởi thực tế thời gian qua, một số điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện như: khu đa dạng sinh học Lâm Ngư trường 184; làng bánh phồng tôm (xã Hàng Vịnh); Hợp tác xã cua Năm Căn; các điểm du lịch cộng đồng, nuôi tôm sinh thái... nơi được đánh giá là đầy tiềm năng để phát triển du lịch nhưng chưa thu hút được khách tham quan. Các làng nghề truyền thống chỉ hoạt động ở phạm vi nhỏ như gia đình, xóm ấp, chưa có tour du lịch tham quan làng nghề. Việc kết nối giữa các làng nghề với các đơn vị kinh doanh hầu như chưa làm được, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tại làng nghề còn hạn chế; kết cấu hạ tầng, giao thông để kết nối với các điểm đến, các làng nghề và phát triển du lịch dựa vào cộng đồng còn nhiều khó khăn.

Ðoàn khách tham quan gian hàng cua Năm Căn tại Hội chợ thương mại và du lịch Cà Mau năm 2019.

Sản phẩm thuỷ sản của huyện rất phong phú. Cua Năm Căn, tôm khô sinh thái, bánh phồng tôm là 3 sản phẩm OCOP được đánh giá tiêu chuẩn 3 sao. Bên cạnh đó, huyện còn có nhiều sản phẩm đặc trưng khác như: sò huyết, ốc len, vọp, ba khía, các loại cá nước mặn... là nguồn ẩm thực dồi dào, nhưng chỉ dừng lại ở phạm vi ẩm thực hộ gia đình, các quán ăn bình dân và một vài nhà hàng quy mô nhỏ, chưa tạo được nét ẩm thực đặc trưng của huyện và chưa được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến khách du lịch.

Một số di tích lịch sử và công trình văn hoá, lịch sử của huyện đã được đầu tư khá khang trang và tốn kém nhưng chưa khai thác hiệu quả, chưa kết nối tour để phát triển du lịch. Mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có tiềm năng lại chưa được đầu tư, hướng dẫn cụ thể, còn thiếu sự cộng tác nhiệt tình từ phía doanh nghiệp và hộ gia đình (để doanh nghiệp và người dân tự bơi, tự làm, giá cả tuỳ ý).

Ðặc biệt, khu đa dạng sinh học Lâm Ngư trường 184 là khu bảo tồn thiên nhiên với hệ động thực vật phong phú, mang nét đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn, với diện tích 6.300 ha, trong đó rừng đước gần 20 năm tuổi, mang đặc trưng vùng đất Cà Mau. Dù thế, lượng khách đến tham quan vẫn chưa nhiều…

Lâm Ngư trường 184 với hệ động thực vật phong phú, mang nét đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn, với diện tích 6.300 ha… Tuy nhiên, thời gian qua vẫn chưa là điểm thu hút khách tham quan du lịch.

Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn Võ Văn Hành cho biết: "Trước đây, khi chưa thông tuyến Cà Mau - Ðất Mũi, khách du lịch còn dừng chân tại huyện, huyện khai thác dịch vụ tham quan bằng đường thuỷ, kết hợp mua bán đặc sản Năm Căn… Tuy nhiên, khi thông tuyến giao thông bộ Cà Mau - Ðất Mũi thì gần như huyện thất thu nguồn này. Hiện nay, huyện đang tiếp tục tìm mọi giải pháp để khơi dậy tiềm năng, kết hợp phát triển các tour du lịch Cà Mau - Năm Căn - Ðất Mũi với hy vọng níu được chân du khách…”.

Sẽ có “lễ hội cua” Năm Căn

Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Năm Căn Nguyễn Tấn Phương cho biết: “Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, huyện, cũng như một số doanh nghiệp rất quan tâm đầu tư cho lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện Năm Căn nhưng thực tế vẫn chưa níu được chân du khách. Bởi khi đến với Cà Mau, du khách thường nghĩ đến Ðất Mũi hoặc một số khu du lịch khác như Ðá Bạc, rừng tràm U Minh. Trước đây, trên địa bàn có một số điểm du lịch cộng đồng, nhưng không hiệu quả; nhiều hộ gia đình làm nghề bánh phồng tôm có thể hình thành “làng nghề”, tuy nhiên, thời gian qua hộ gia đình chưa kết nối được với doanh nghiệp nên chưa phát huy tối đa hiệu quả…”.

Anh Huỳnh Trung Kiên, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Kiên Cường, xã Hàng Vịnh, cho biết: “Ngoài cung cấp cua, tôm giống, công ty còn sản xuất bánh phồng tôm, cung cấp ra thị trường số lượng tương đối, bình quân 7-10 tấn/tháng. Hiện nay, bánh phồng tôm Hàng Vịnh, Năm Căn được tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành; cùng với đó, cua Năm Căn cũng “ngon” nức tiếng cả nước. Ðây là lợi thế của huyện, song thời gian qua, một phần do giao thông chưa thuận lợi, chưa kết nối được với khách tham quan trực tiếp và vực dậy 2 sản phẩm chủ lực này. Mong rằng sắp tới “làng nghề bánh phồng tôm” sẽ hình thành, quy mô hoạt động chuyên nghiệp, kết nối tour tham quan du lịch để du khách có những trải nghiệm thực tế, người dân cũng được hưởng lợi nhiều hơn…, tạo động lực để mọi người cùng làm du lịch”.

Xã Hàng Vịnh có hợp tác xã bánh phồng tôm và nhiều hộ dân cũng làm theo, hứa hẹn sẽ hình thành làng nghề bánh phồng tôm phục vụ nhu cầu tham quan cho du khách khi đến Năm Căn.

Ông Võ Văn Hành cho biết: "Thực trạng du lịch Năm Căn những năm qua là một trong những vấn đề huyện đặc biệt quan tâm. Sắp tới, huyện tập trung củng cố lại các làng nghề truyền thống, sản phẩm truyền thống, có biện pháp khai thác hiệu quả các di tích và tập huấn, toạ đàm chuyên đề về phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Giới thiệu, kết nối các tour du lịch về với Năm Căn, tham quan làng nghề truyền thống, lựa chọn sản phẩm đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP địa phương giới thiệu đến khách tham quan. Ðặc biệt, huyện đang tham mưu, tổ chức Lễ hội Cua Năm Căn năm 2021 gắn với trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của huyện, các món ẩm thực từ cua và các món ăn đặc sản của huyện. Củng cố lại tổ chức và hoạt động các ban quản lý di tích, gắn với việc trưng bày các hình ảnh, sản phẩm phục vụ du lịch; làm việc với hộ gia đình để xây dựng hình ảnh và hoạt động phục vụ du lịch cộng đồng, trong đó quan tâm vấn đề chất lượng, không chạy theo số lượng...

Huyện Năm Căn được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái và dịch vụ du lịch khu kinh tế Năm Căn tại Quyết định số 2130/QÐ-UBND ngày 4/1/2020. Một số doanh nghiệp đã bắt tay cùng nông dân đầu tư xây dựng, nâng cấp và phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền địa phương và hỗ trợ cấp tỉnh, hy vọng sẽ giúp Năm Căn vực dậy, phát huy tiềm năng và giữ chân khách du lịch mỗi dịp về Cà Mau./.

Loan Phương

 

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục