Hoạt động của ngành

Cẩm Giàng (Hải Dương) phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt

Cập nhật: 12/08/2020 08:22:17
Số lần đọc: 811
Là địa phương duy nhất của tỉnh Hải Dương có 2 di tích quốc gia đặc biệt, Cẩm Giàng đã và đang nỗ lực phát huy giá trị các di tích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Du khách thích thú với mô hình phục dựng hình ảnh trường thi hương trấn Hải Dương ở Văn miếu Mao Điền dịp xuân Canh Tý 2020. Ảnh tư liệu

Mốc son

Năm 2018, Cẩm Giàng đón niềm vui nhân ba khi được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời Văn miếu Mao Điền và cụm di tích thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh (đền Xưa - chùa Giám - đền Bia) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đây được xem là một dấu ấn đậm nét mà Đảng bộ, nhân dân Cẩm Giàng đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Nhận rõ thế mạnh khi có nhiều di tích giá trị lớn nên nhiều năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện luôn quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Ngay từ năm 2015, huyện đã có nhiều giải pháp huy động nguồn ngân sách, nguồn xã hội hóa để chỉnh trang, tôn tạo di tích. Thời điểm ấy, Văn miếu Mao Điền được quan tâm tu bổ nhiều hạng mục như mở rộng khuôn viên ngoại tự, phục dựng 2 nhà bia cổ, đường vào, bãi đỗ xe, vườn cây xanh. Cụm di tích thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh cũng được tu bổ nhiều hạng mục xuống cấp.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết ngoài tôn tạo cảnh quan di tích, địa phương còn chú trọng bảo tồn, phục dựng các nghi thức đặc trưng, sưu tầm bổ sung tư liệu, hiện vật để khẳng định giá trị của di tích. Tất cả các công việc ấy đều có sự chung tay của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Tổng nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa để trùng tu các hạng mục của các di tích vào khoảng hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, ấn tượng nhất là việc phục dựng 14 văn bia đề danh 637 vị tiến sĩ nho học trấn Hải Dương được huy động từ nguồn xã hội hóa (khoảng 1,5 tỷ đồng).

Nỗ lực phát huy

Sau khi các di tích được xếp hạng, huyện đã cho tu sửa khuôn viên ngoại tự, mở rộng bãi đỗ xe ở Văn miếu Mao Điền và đền Bia với sức chứa hơn 20.000 xe; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng ở một số di tích. Nhiều hoạt động góp phần làm phong phú lễ hội như phục dựng trường thi hương trấn Hải Dương, lễ cho chữ ở Văn miếu Mao Điền... được tổ chức.

Ngoài ra, Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng tăng cường kết nối với các công ty du lịch, lữ hành tổ chức các tour du lịch; phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị để cán bộ, đoàn viên, hội viên được tham quan, tham gia dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh trong di tích. Các trường học trong huyện tổ chức cho đoàn viên, thanh thiếu nhi và học sinh tham gia tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của di tích, qua đó giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ban Quản lý di tích huyện cũng chú trọng tới công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di tích bằng nhiều hình thức trên hệ thống thông tin đại chúng. 

Nhờ các giải pháp nêu trên, lượng khách đến các di tích tăng lên từng năm. Nếu như năm 2017, số khách đến các di tích quốc gia đặc biệt chỉ đạt khoảng 23.000 - 25.000 lượt người thì năm 2018 lượng khách đã đạt khoảng 35.000 lượt. Năm 2019, các di tích đã đón khoảng 40.000 lượt người đến tham quan, chiêm bái. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng chất lượng phục vụ, thu hút nhiều hơn lượng khách đến các di tích quốc gia đặc biệt.

HUYỀN ANH

 

Nguồn: Báo Hải Dương

Cùng chuyên mục