Hoạt động của ngành

Cần Thơ: An toàn, hiệu quả để thu hút khách du lịch đến với tuyến phố đi bộ Ninh Kiều

Cập nhật: 29/03/2022 05:49:15
Số lần đọc: 755
Tạo điểm nhấn hấp dẫn cho khách du lịch đến TP Cần Thơ nói chung, quận Ninh Kiều nói riêng, đồng thời góp phần phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân; tổ chức quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương... là mục tiêu quận Ninh Kiều hướng đến nhân sự kiện tổ chức tuyến phố đi bộ vào cuối tháng 4 này.  


Cầu Đi Bộ tại Công viên Ninh Kiều là điểm nhấn du lịch sẽ góp phần tạo sự thành công khi tuyến phố đi bộ Ninh Kiều được thực hiện. Ảnh: CTV

Theo UBND quận Ninh Kiều, trong điều kiện thích ứng an toàn, phòng chống dịch COVID-19, quận Ninh Kiều tiếp tục tổ chức tuyến phố đi bộ vào dịp lễ 30/4 và 1/5/2022. Tuyến phố đi bộ được triển khai tại đường Hai Bà Trưng, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dịch vụ, thương mại (đoạn từ ngã ba giao nhau của đường Hai Bà Trưng và Nguyễn An Ninh đến ngã ba giao nhau của đường Hai Bà Trưng và Ngô Gia Tự, khu vực công viên Ninh Kiều). Yêu cầu đầu tiên và quan trọng của tuyến phố đi bộ là: các hoạt động được tổ chức phải đảm bảo thuần phong mỹ tục, văn minh, hiện đại và xứng tầm là đô thị trung tâm, phù hợp với phát triển chung của TP Cần Thơ và có tính khả thi cao, trở thành địa điểm tiêu biểu thu hút du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc tổ chức, triển khai thực hiện tuyến phố đi bộ phải được tuyên truyền rộng rãi, tiếp thu ý kiến của nhân dân, có sự tham gia của đông đảo nhân dân; đặc biệt phải đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình tổ chức; xác định trách nhiệm và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể của từng phòng, ban ngành, đoàn thể, đơn vị; huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện tuyến phố đi bộ đạt hiệu quả cao nhất…

Đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức tuyến phố đi bộ được ngành chức năng quận Ninh Kiều tập trung thực hiện. Theo đó, các hoạt động trên tuyến phố đi bộ được chia làm 3 khu vực: khu vực 1 gồm hoạt động mua sắm, ẩm thực... đoạn từ đầu đường Nguyễn An Ninh giao với đường Hai Bà Trưng đến đường Ngô Quyền giao với đường Hai Bà Trưng, đồng thời tại khu vực này còn biểu diễn đờn ca tài tử phía trên công viên Ninh Kiều; khu vực 2 gồm hoạt động truyền thống như dâng hương, lễ báo công dâng Bác nhân các ngày lễ, kỷ niệm... (tại khu tượng đài Bác Hồ); khu vực 3 gồm hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt náo, trò chơi dân gian, ảo thuật... tại đoạn từ đầu đường Thủ Khoa Huân đến Nhà hàng Hoa Cau và phía trên công viên đoạn từ Nhà hàng Hoa Cau đến cầu Ði Bộ. Kinh phí thực hiện tuyến phố đi bộ từ nguồn ngân sách trong giai đoạn thí điểm. Giai đoạn sau thí điểm sẽ được tính toán giao cho đơn vị chủ đầu tư đảm nhận, duy trì.

Trên toàn tuyến phố đi bộ, các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức, gồm: chương trình văn nghệ (mời các đoàn ca, múa nhạc Quân khu 9, Công an TP Cần Thơ, Nhà hát Tây Ðô...), biểu diễn nhạc cụ, nhảy hiện đại, nhảy dân vũ, khiêu vũ, Dancesport, đờn ca tài tử, hò Cần Thơ, các trò chơi dân gian, ảo thuật... Các gian hàng dịch vụ, như gian hàng sách, ẩm thực, nước giải khát, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gian hàng truyền thống. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, như mời gọi các doanh nghiệp có nhu cầu quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện, lễ hội...

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, nhận định: thời gian qua, quận Ninh Kiều đã đầu tư tổ chức một số hoạt động phục vụ khách du lịch, người dân địa phương, như chợ đêm Ninh Kiều, khu vực bán hàng rong, cải tạo và chỉnh trang công viên Bến Ninh Kiều, công viên sông Hậu… đã tạo điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Trên cơ sở đó, tuyến phố đi bộ tiếp tục được xây dựng một cách bài bản, kết nối được các không gian hiện hữu, tăng cường các hoạt động cộng đồng, góp phần đưa khu vực Bến Ninh Kiều thực sự trở thành điểm nhấn, nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Tây Ðô...

Thời gian thực hiện tuyến phố đi bộ được tổ chức thành 2 giai đoạn. Giai đoạn thí điểm dự kiến tổ chức lễ ra mắt vào dịp lễ 30/4 và 1/5 năm 2022. Các hoạt động trên tuyến phố đi bộ diễn ra vào tối thứ 7 hằng tuần. Tùy theo tình hình thực tế có thể tăng lên 2 ngày trong tuần là thứ 7 và chủ nhật. Giai đoạn sau thí điểm sẽ được tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của tuyến phố đi bộ và căn cứ tình hình thực tiễn, nhu cầu của du khách và nhân dân sẽ có phương án đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng, các hoạt động văn hóa văn nghệ và các loại hình dịch vụ khác.

Sau khi hoạt động có hiệu quả sẽ tổ chức thêm một số buổi trong tuần hoặc tổ chức hằng đêm để phục vụ du khách. Trong thời gian hoạt động, việc lưu thông bằng xe cơ giới sẽ được cấm trên toàn tuyến. Nhưng, đơn vị tổ chức vẫn tạo điều kiện cho các hộ dân, nhà hàng, quán giải khát hoạt động, vận chuyển hàng hóa… Ðồng thời, trong thời gian hoạt động của tuyến phố đi bộ được lực lượng chức năng bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông và tổ chức bãi giữ xe cho du khách, người dân địa phương thưởng ngoạn. Ông Nguyễn Ngọc Ánh nhấn mạnh: “Mọi hoạt động tổ chức tuyến phố đi bộ phải đảm bảo thích ứng an toàn, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, việc thực hiện tuyến phố đi bộ vừa góp phần thu hút khách du lịch, nâng tầm hoạt động thương mại - dịch vụ tại quận Ninh Kiều. Tuyến phố đi bộ còn tạo điểm nhấn về du lịch của TP Cần Thơ nói chung, quận Ninh Kiều nói riêng đến với khách du lịch. Ðây là một trong những giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ…”.

Hà Văn

Nguồn: Báo Cần Thơ - baocantho.com.vn - Đăng ngày 27/03/2022

Cùng chuyên mục