Về Quảng Nam sống xanh
Hai du khách người nước ngoài thích thú với trải nghiệm chèo Kayak vớt rác trên sông Hoài. Ảnh: Minh Huy
Du lịch xanh
Nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, đến làng du lịch cộng đồng Ta Lang (xã Bha Lêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), mọi người không khỏi ngạc nhiên khi toàn bộ đồ dùng phục vụ cho du khách đều làm bằng vật liệu thiên nhiên (tre, nứa, lá rừng). Sau khi “nhập làng”, anh Nguyễn Công Lanh, du khách tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, thú vị nhất vẫn là lúc cùng người bản địa lên rừng hái rau, bẻ măng, xuống suối bắt cá, hay tự tay sơ chế những món ăn truyền thống của người dân tộc Cơ Tu dưới mái nhà Gươl. Khi màn đêm buông xuống, đoàn được hòa mình vào làn điệu dân ca “rụm cây”, sôi nổi trong điệu múa “Tung tung dzá dzá” dưới ánh trăng vùng cao, không gian yên bình phía trước nhà Gươl.
Nhóm nhân lực làm du lịch tại đây có hơn 30 người, kiêm nhiều việc: hát múa, dẫn khách, nấu ăn, hướng dẫn khách bắn nỏ, đạp xe đạp. Người dân vẫn đi làm bình thường, sản xuất, đi nương, đi rẫy, nhưng khi có khách thì những người tham gia dự án đều về phục vụ du khách. Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết, huyện làm du lịch dựa trên các giá trị độc đáo của văn hóa làng Cơ Tu để xây dựng và phát triển du lịch xanh nên không làm mất đi bản sắc của dân tộc, nhất là tính cố kết cộng đồng làng được đặt lên hàng đầu.
Dù nằm sát phố cổ Hội An, nhưng làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP Hội An) vẫn rặt hơi thở của vùng nông thôn. Tất cả những công trình phục vụ nông nghiệp cho làng rau phải là tranh tre, mái lá nho nhỏ đủ để nghỉ chân. Đặc biệt, người Trà Quế gìn giữ từng ụ rơm, từng hàng rào tre đã tạo nên một miền quê yên ả và biến nơi đây trở thành điểm đến du lịch lý tưởng.
Đã nhiều năm nay, từ “Sống xanh - Zero Waste” không còn xa lạ với cộng đồng du lịch tại TP Hội An. Nhiều hàng quán, khách sạn, resort đã dần chuyển sang các vật dụng thân thiện với môi trường, từ túi đựng rác, không sử dụng ống hút, tối đa phân loại rác tại nguồn để hạn chế rác thải rắn vô cơ. Cùng với đó, nhiều hội đoàn thể của TP Hội An cũng tổ chức những ngày hội như “Đổi rác lấy gạo - Cùng nhau đi qua mùa dịch”, “Đổi rác thải nhựa lấy sản phẩm mỹ nghệ” để tuyên truyền phân loại rác tại nguồn, được đông đảo người dân và du khách hưởng ứng nhiệt tình.
Anh Phan Phú (28 tuổi, đến từ TPHCM) cho biết, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên khi được đi du lịch là muốn tìm đến những nơi có cây cối xanh tươi. Qua tham khảo các trang đặt phòng thì thấy rất nhiều khách sạn ở Hội An sử dụng chất liệu thân thiện với thiên nhiên, anh quyết định chọn Hội An cho kỳ nghỉ của cả gia đình.
Phát triển bền vững
Những năm gần đây, phát triển du lịch xanh ở Quảng Nam được cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương coi trọng. Từng hành động, kế hoạch, bộ tiêu chí rõ ràng được tỉnh Quảng Nam đặt ra để tiến tới phát triển ngành du lịch bền vững. Các doanh nghiệp lưu trú, địa điểm tham quan cũng đăng ký sẵn sàng thay đổi theo hướng xanh, thân thiện với môi trường dù đầu tư giai đoạn ban đầu lớn và rất khó khăn trong giai đoạn này.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nhìn nhận, thực sự may mắn là giá trị du lịch xanh ở Quảng Nam xuất phát từ cộng đồng doanh nghiệp. Hiệp hội đã làm việc với tổ chức du lịch bền vững Thụy Sĩ (STTP) để ra bộ 7 tiêu chí du lịch xanh và được đánh giá rất cao, đưa vào vận dụng. UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Hiệp hội Du lịch chủ trì phối hợp Sở VH-TT-DL cấp “giấy chứng nhận xanh” cho các cơ sở lưu trú, điểm tham quan, khu du lịch.
Định hướng trong thời gian tới, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch xanh đến các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân bằng mọi hình thức phù hợp cũng như đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến giới thiệu du lịch xanh Quảng Nam đến với bạn bè du khách gần xa. Cùng với đó, Quảng Nam cũng ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển du lịch xanh của tỉnh.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết, tại tỉnh Quảng Nam, du lịch xanh là một loại hình du lịch mới nhưng chắc chắn sẽ phát triển tốt và có chỗ đứng vững chắc bởi cơ sở của loại hình du lịch này dựa trên các giá trị lịch sử, văn hóa, sinh thái, tài nguyên quý giá. Lựa chọn phát triển du lịch xanh là phù hợp với xu hướng hiện nay và đây cũng là nơi có nhiều kinh nghiệm quý báu về bảo vệ di sản văn hóa, phát triển du lịch bền vững có thể nhân rộng ra cả nước.
Bén duyên với mảnh đất Hội An từ năm 2014, anh Nguyễn Văn Long (38 tuổi, quê Hà Nội) đã bắt đầu kinh doanh du lịch chèo Kayak trên sông Hoài. Mong muốn để dòng sông được sạch hơn, cũng như một lời cảm ơn đến vùng đất Hội An, anh Long cùng những người bạn chèo thuyền Kayak đi vớt rác. Sau đó, nơi đây trở thành một tour trải nghiệm “độc nhất vô nhị”.
Tour chèo Kayak vớt rác trên sông Hoài được anh Long triển khai từ năm 2016 vào mỗi sáng thứ bảy. Du khách tham gia có hành trình kéo dài 8km để vớt rác từ rừng dừa Cẩm Thanh đến khu vực phố cổ trong khoảng 3 giờ với giá tương đương 10USD. “Thông qua việc vớt rác, tôi muốn tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của mọi người về bảo vệ môi trường. Để từ đó, quốc tế khi nhắc đến Hội An không chỉ có các điểm tham quan mà còn là một địa chỉ xanh về môi trường”, anh Long cho biết.
Nguyễn Cường - Xuân Quỳnh