Hoạt động của ngành

Cà Mau: Khởi động ''Hương rừng U Minh''

Cập nhật: 25/03/2022 10:08:48
Số lần đọc: 696
“Hương rừng U Minh” là sự kiện nằm trong Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến 2022” nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh vùng đất và con người vùng U Minh, với nhiều hoạt động thương mại, văn hoá, thể thao, đặc biệt là hoạt động du lịch, gặp gỡ, kết nối, giao thương phát triển thương hiệu sản phẩm xứ rừng U Minh Hạ đến với bạn bè trong và ngoài nước.


Khu du lịch sinh thái Hương Tràm U Minh là địa điểm thu hút đông du khách.

Độc đáo tuor chụp đìa bắt cá và lấy mật ong rừng Mười Ngọt

Ngay khi tỉnh Cà Mau công bố chương trình “Cà Mau điểm đến 2022”, những người làm du lịch Cà Mau nói chung, ở xứ sở hoa tràm nói riêng rất phấn khởi, mừng vui khôn xiết. Theo đó, để “Hương rừng U Minh” thành công, các điểm tham quan, vui chơi giải trí đã bắt tay vào công tác chuẩn bị để đón khách tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch.

Tại Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt (Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), sau thời gian đóng cửa vì dịch Covid-19, nay đã bắt tay vào chỉnh trang nhà cửa, hàng quán, đặc biệt là chuẩn bị những sản phẩm du lịch trải nghiệm, khám phá mang thương hiệu “Mười Ngọt”. Nổi tiếng trong thời gian qua, đó là tuor trải nghiệm lấy mật ong và chụp đìa bắt cá đồng rừng U Minh Hạ.

Anh Phạm Duy Khanh, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt, cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều sản phẩm phục vụ cho du khách như tham quan vùng đất ngập nước rừng tràm U Minh Hạ với 100 ha rừng và cây ăn trái, trải nghiệm làm nông dân giăng lưới, đặt trúm lươn, lờ cá. Đặc biệt, chúng tôi gác trên 1.500 tấm kèo, hiện nay đã có gần 800 đàn ong về xây tổ. Để tận mắt thấy được quy trình khai thác mật ong, du khách sẽ được các tay phong ngạn hướng dẫn vào tận rừng để lấy tổ và cùng thưởng thức nhộng ong non chấm mật hấp dẫn vô cùng”.

Sau khi thưởng thức mật ong rừng tràm, du khách sẽ trải nghiệm làm nông dân chụp đìa bắt cá đồng. Chụp đìa là một trong những phương pháp thu hoạch cá đồng truyền thống của nông dân vùng ngọt hóa Cà Mau.

Ở khu du lịch Mười Ngọt, mùa này mực nước đã rút cạn chân rừng, vì khô hạn nên cá đã rút vào kênh mương trú ẩn. Đoàn khách Công ty Du lịch Hàm Long đến từ Bến Tre với gần 100 người với tuor làm nông dân, cùng với anh em chụp đìa chuyên nghiệp tại khu du lịch, ai cũng đều thích thú. Người thì thả lưới ở giữa khúc kênh và kéo lưới từ đầu đến cuối kênh; người thì dùng que sậy ghim giềng lưới cho sát mép kênh với khoảng cách giữa các cây ghim gần 1 m để dụ cho cá lên lưới, người thì đạp tùng lưới sâu xuống đáy kênh để cá dễ chui lên mà không bị vướng lưới. Sản phẩm thu được là một bữa thịnh soạn với các món chế biến từ cá đồng, nào là cá lóc, cá dầy nướng, cá rô kho tộ, lẩu mắm, cá thác lác chiên sả ớt… cùng hàng chục ký cá đồng được du khách trong đoàn mua sạch về tận xứ dừa Bến Tre để làm quà.

Đoàn khách đến từ tỉnh Bến Tre với tuor trải nghiệm làm nông dân chụp đìa bắt cá, ai cũng đều thích thú.

Sự kiện “Hương rừng U Minh” năm 2022 không thể thiếu những món ẩm thực như cá lóc, cá dày nướng trui, tuy dân dã nhưng là món đặc trưng, hấp dẫn của xứ rừng U Minh Hạ.

Lý tưởng Hương Tràm U Minh và Vườn dâu Cái Tàu

Nằm giữa cánh rừng tràm U Minh Hạ thuộc tuyến Kênh T27, xã Khánh An, huyện U Minh, Khu du lịch sinh thái Hương Tràm U Minh vừa mới hoạt động trở lại trong dịp Tết Nguyên đán 2022 nhưng đã trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.

Giám đốc Khu du lịch Hương Tràm, ông Giang Hoàng Hon chia sẻ, hưởng ứng sự kiện “Hương rừng U Minh” năm nay, Khu du lịch sinh thái Hương Tràm đã bao ngạn khu rừng tràm 27 ha bằng bê-tông để giữ nước; dọc theo bờ bao trồng xen kẽ cây ăn trái với rất nhiều loại như dừa, mít, xoài, cam, bưởi, chuối… được trồng theo tiêu chuẩn sạch, cho trái quanh năm. Bên cạnh đó, chỉnh trang khu homestay với 6 căn nhà thủy tạ trên ao nước ngọt 4.000 m2 phục vụ ẩm thực, đờn ca tài tử; dưới ao có thiết kê các trò chơi dân gian như chạy xe đạp, cầu trượt, cầu treo, bơi xuồng ba lá.

Sự kiện “Hương rừng U Minh” năm nay, hấp dẫn nhất là khu vực cho du khách đi xuyên rừng tràm 20 ha trên cây cầu ván rất thơ mộng, vừa thưởng thức mùi hương lan tỏa ngọt ngào từ hoa tràm U Minh vừa thích thú khi tận mắt chứng kiến cuộc sống hoang dã của các loài chim trích cồ, trích ré, le le, vịt trời, quốc, điên điển; tuor dỡ lờ, dỡ lợp và nghỉ qua đêm bằng lều, rất hoang dã. Tuần lễ ẩm thực với lễ hội bánh dân gian cùng những món ăn đặc sản U Minh Hạ: nhộng ong, cá lóc nướng, lươn um lá nhàu, cá trê chiên chấm nước mắm gừng, canh chua cá rô nấu trái giác và bông súng đồng, đọt choại chấm với mắm kho… 

Vườn dâu Cái Tàu (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) là địa điểm không thể bỏ qua trong chuyến hành trình về rừng U Minh Hạ.

Cùng với Khu du lịch Hương Tràm, các nhà vườn ở U Minh như vườn cây trái ông Ba Liêm… cũng đang trong tư thế chuẩn bị, bón phân, tưới nước, làm cỏ khu vườn; đặc biệt là vườn dâu Cái Tàu. Ông Tô Thắng, chủ vườn dâu Cái Tàu thuộc Ấp 15, xã Nguyễn Phích, cho biết, mỗi năm vườn dâu nhà ông ra trái 1 mùa và chín vào thời điểm cuối tháng 4 dương lịch, khi những cơn mưa đầu mùa tưới mát thì chùm trái dâu xanh sẽ lấp ló trái chín màu vàng, báo hiệu mùa dâu Cái Tàu đã tới.

Mùa dâu Cái Tàu cũng là thời điểm diễn ra sự kiện "Hương rừng U Minh", và dĩ nhiên trong chuyến hành trình về thăm vùng đất rừng phương Nam, du khách không thể bỏ qua địa điểm tuyệt vời này. Trái dâu cùng với các loại trái cây khác như cam, bưởi, đu đủ, mít xứ U Minh, đủ hấp dẫn du khách và người dân địa phương thăm thú. Bởi vậy, phải đợi đến mùa dâu, đợi đến sự kiện "Hương rừng U Minh", chúng ta mới có dịp thưởng thức trái cây xứ rừng tràm, đặc biệt là trái dâu Cái Tàu đặc trưng của U Minh Hạ.

Cùng nhau tranh tài

Sự kiện "Hương rừng U Minh" mà người dân bản địa đang chờ đợi nhất, đó là các chuỗi các hoạt động nổi bật khác như: Giải đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu; Liên hoan Tiếng hát thanh niên "Hương rừng U Minh"; đua xe đạp xuyên rừng.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ là nơi tổ chức giải đua xe đạp xuyên rừng lần thứ nhất rất thành công. Ông Lê Thanh Dũng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, phấn khởi: “Hưởng ứng sự kiện “Hương rừng U Minh” năm 2022, chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc đua tài lần thứ hai này. Hiện nay, tất cả các tuyến đường xuyên rừng đã được phát quang, đáp ứng yêu cầu của cuộc đua. Đồng thời, thông qua sự kiện này, chúng tôi cũng mở cửa đón du khách tham quan, trải nghiệm khu sinh quyển thế giới độc đáo của Cà Mau”.

Đặc biệt trong cuộc tranh tài năm nay, đó là tổ chức xác lập kỷ lục "Tổ ong lớn nhất Việt Nam" của nghề gác kèo ong rừng U Minh Hạ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người làm nghề phong ngạn gác kèo ong mật xứ rừng tràm đang tìm kiếm, chăm sóc, o bế dẫn dụ những tổ ong để sẵn sàng đem đến tranh tài ở cuộc thi hấp dẫn này.

Có được một tổ ong được xác lập kỷ lục "Tổ ong lớn nhất Việt Nam" sẽ là niềm tự hào của người làm nghề gác kèo ong rừng U Minh Hạ.

Anh Phạm Duy Khanh (Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt) sở hữu hơn 800 tổ đang cho mật, với mong muốn kiếm được 1 tổ to nhất đến với hội thi. Ông Út Nhì (Trần Văn Nhì), rạch Bà Thầy, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, thành viên Tập đoàn Phong Ngạn, chia sẻ: “Với hơn 40 năm làm nghề ăn ong, tôi đã từng lấy những tổ ong bà mút, tấm kèo vắt gần 15 lít mật. Thời điểm này, để tìm một tổ ong to và dài như vậy là rất khó, nhưng cái khó là đòi hỏi kỹ thuật cao trong việc gác kèo để đàn ong phát triển. Tuy nhiên, anh em trong Tập đoàn Phong Ngạn chúng tôi sẽ cố gắng hết mức để có được một tổ ong hy vọng được xác lập kỷ lục "Tổ ong lớn nhất Việt Nam", đó sẽ là niềm tự hào của tập đoàn chúng tôi cũng như những người sống bằng nghề gác kèo ong rừng U Minh Hạ”./.

Huỳnh Lâm

 

Nguồn: Báo Cà Mau - baocamau.com.vn - Ngày đăng 25/3/2022

Cùng chuyên mục