Cần Thơ: Để khoa học và công nghệ “chắp cánh” du lịch
QR Code giới thiệu về di tích tại Di tích cấp thành phố Nhà lồng chợ Cần Thơ.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ nhấn mạnh: Vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia, là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. KH&CN có vai trò quan trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, xã hội. Cuộc cách mạng KH&CN hiện nay đã và đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi quốc gia, dân tộc, khoảng cách từ phát minh đến ứng dụng ngày càng được rút ngắn.
PGS.TS Đào Ngọc Cảnh, Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng với tốc độ đột phá của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư “không có tiền lệ lịch sử”, tạo ra sự chuyển đổi căn bản toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và điều hành. Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, KH&CN cũng có tác động rất to lớn, thể hiện ở các phương diện như nâng cao khả năng tiếp cận thông tin; tạo môi trường, điều kiện để hình thành và phát triển xã hội học tập; đời sống xã hội thay đổi theo hướng tích cực và dân chủ hơn; thay đổi tư duy và phương thức sáng tạo văn hóa; hình thành công nghiệp văn hóa...
Những phương diện này đang thể hiện rất rõ trong đời sống văn hóa - xã hội TP Cần Thơ, địa phương có vị thế trung tâm vùng ĐBSCL. Đặc biệt ở lĩnh vực du lịch, TP Cần Thơ định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, với trụ cột là chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ. ThS. Nguyễn Du Hạ Long, Trường Đại học Nam Cần Thơ, nhấn mạnh, với những nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước cũng như những lễ hội, làng nghề dân gian, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, vườn trái cây... tiềm năng phát triển du lịch Cần Thơ rất phong phú. Năm 2022, tổng lượt khách tham quan du lịch Cần Thơ đạt hơn 5,13 triệu lượt, các doanh nghiệp lưu trú phục vụ gần 2,51 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt 4.117 tỉ đồng. Năm 2023, ngành Du lịch thành phố phấn đấu đón 5,2 triệu lượt khách, với tổng doanh thu du lịch 4.580 tỉ đồng.
ThS. Nguyễn Du Hạ Long đề ra những giải pháp chuyển đổi số ngành Du lịch Cần Thơ trong thời gian tới. Đơn cử như thanh toán điện tử bằng QR Code; quảng bá du lịch qua các nền tảng số như website, mạng xã hội; thực hiện các phần mềm quản trị kinh doanh du lịch... Xu hướng du lịch hiện nay luôn đi kèm với mạng xã hội, vì vậy việc chuyển đổi số, gia tăng các sản phẩm quảng bá du lịch trên mạng xã hội là điều cần thiết. Thời gian qua, Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ đã làm tốt công tác này, qua hoạt động hiệu quả của trang Facebook, Zalo, Website của Du lịch Cần Thơ.
Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Du Hạ Long cũng chỉ ra những khó khăn trong chuyển đổi số ngành Du lịch. Đó là tình trạng thiếu hụt nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực. Việc chuyển đổi số trong du lịch vẫn chưa đồng bộ giữa các địa phương, chưa kết nối và xây dựng cơ sở dữ liệu liên hoàn. Khó khăn về thói quen do tập quán kinh doanh du lịch truyền thống, như việc giao dịch trực tiếp trả tiền mặt các sản phẩm, đặc sản… Muốn thay đổi thói quen của người làm du lịch không phải là điều dễ dàng.
Cũng bàn về tác động của KH&CN với văn hóa - xã hội TP Cần Thơ, TS Trần Hữu Hợp, Hội Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Cần Thơ, tiếp cận ở khía cạnh thú vị là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong lĩnh vực tôn giáo góp phần phát triển du lịch Cần Thơ. Theo thống kê, TP Cần Thơ có 13 tôn giáo (so với 16 tôn giáo của cả nước), 27 tổ chức giáo hội và tổ chức tôn giáo trực thuộc (so với 42 tổ chức giáo hội của cả nước). Số tín đồ chiếm đến 41% dân số của thành phố. Cần Thơ còn có 77 cơ sở thờ tự tín ngưỡng như đình thần, Miếu Bà, Miếu Quan Công, Từ đường và nghĩa trang người Hoa; Lăng Cá Ông... Đây là nguồn lực dồi dào để phát triển loại hình du lịch tôn giáo, hay khái niệm bao trùm là du lịch tâm linh. Thời gian qua, Cần Thơ phát triển khá tốt loại hình này, điển hình Đình Bình Thủy, Chùa Ông (Bến Ninh Kiều), Giàn Gừa, Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam (huyện Phong Điền)..., đặc biệt là các chùa Khmer trên địa bàn quận Ninh Kiều, quận Ô Môn... nhân các ngày lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ.
TS. Trần Hữu Hợp đề xuất, việc khai thác công nghệ thông tin và truyền thông tôn giáo phục vụ phát triển du lịch ở TP Cần Thơ cần có những cách làm hiệu quả. Đầu tiên là xây dựng danh mục các cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng có tiềm năng du lịch - công việc mà hiện nay thường do các công ty du lịch xác lập dựa trên nhu cầu của du khách nên ít nhiều có sự cảm tính. Kết nối thông tin tôn giáo với thông tin du lịch. Xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch tâm linh TP Cần Thơ và hệ thống cung cấp thông tin qua thiết bị di động phục vụ du khách.
Du lịch thông minh là xu hướng tất yếu trong hiện tại và tương lai, du lịch Cần Thơ không nằm ngoài xu hướng đó. Để phát triển du lịch thông minh thì KH&CN là nền tảng cơ bản, cốt yếu. Với nhận thức này, Du lịch Cần Thơ được kỳ vọng sẽ bắt kịp xu thế 4.0.
Bài, ảnh: Duy Khôi