Cần Thơ: Du lịch cồn Sơn nỗ lực nâng chất sản phẩm
Ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon - hộ dân làm du lịch tại cồn Sơn, cho biết: “Hơn 2 tháng nay tôi kẹt ở bè cá, không vào bờ được vì thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội của thành phố. Trong thời gian này, tôi chỉnh trang lại bè cá chuẩn bị cho ra sản phẩm mới khi hoạt động trở lại. Ðồng thời, giai đoạn này mình hỗ trợ các sản phẩm từ cá cho tuyến đầu chống dịch, khu phong tỏa”. Ông Bảy Bon chia sẻ thêm, cái khó hiện nay là làm sao để đảm bảo cho công nhân và hệ thống sản xuất ổn định. Nhờ có chính sách hỗ trợ từ địa phương nên đã giải quyết phần nào khó khăn.
Ông Lý Văn Bon (phải) chia sẻ với du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch mới theo định hướng giáo dục và bảo vệ môi trường thủy sản (Ảnh chụp từ tháng 4/2021).
Khi hoạt động du lịch tạm dừng, bà con cồn Sơn trở lại nhịp sống làm vườn và bán nông sản. Bà Phan Kim Ngân, chủ nhà vườn Công Minh, cho biết: “Khi còn hoạt động du lịch thì trái cây không đủ bán. Nay khó vận chuyển, lại mất giá, nhưng nhà vườn vẫn sống được. Chỉ lo cho các em hướng dẫn viên không có thu nhập”. Anh Phạm Văn Út, người hỗ trợ thực hiện hồ sơ hướng dẫn viên được nhận trợ cấp theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP tại điểm du lịch cộng đồng cồn Sơn, cho biết: “Hiện Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng cồn Sơn có 31 hướng dẫn viên, trong đó có 23 người được cấp thẻ hướng dẫn viên tại điểm. Chúng tôi đang bị vướng một số thủ tục khi làm hồ sơ nhận trợ cấp và đang được ngành Du lịch thành phố tìm giải pháp tháo gỡ”.
Trong thời gian này, các hộ dân làm du lịch tại cồn Sơn gói bánh và hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, các khu phong tỏa. Ðồng thời tiếp tục chỉnh trang cảnh quan môi trường, hoàn thiện sản phẩm “Cồn Sơn hồi đó”, xây dựng thêm một số sản phẩm mới tại nhà vườn Song Khánh, Thành Tâm, bè cá Bảy Bon. Anh Nguyễn Thành Tâm, nhà vườn Thành Tâm, chia sẻ: “Tôi đang nuôi con giống để làm sản phẩm cá bơi trên cạn, sẽ kết hợp với mô hình thả cá về tự nhiên của chú Bảy Bon để hình thành sản phẩm du lịch giáo dục. Chúng tôi đang muốn hướng tới sản phẩm du lịch bảo vệ thủy sản nước ngọt”. Chị Phan Kim Phước, nhà vườn Song Khánh, cho biết: “Tôi đang làm lại vườn tược, trồng thêm bông điên điển, rau nhút… để làm trải nghiệm ẩm thực mùa nào thức ấy ở đồng quê. Cùng với chị Bảy Muôn, chỗ tôi đang làm sản phẩm nếp xưa hồi đó nhưng theo hướng ẩm thực xưa”.
Nói về các cây trái thiên nhiên ở cồn Sơn, chú Bảy Bon hào hứng: “Nguồn rau, trái cây ở đây phong phú lắm. Tôi nghĩ khi không sử dụng hết bà con có thể làm theo phương thức khác, đóng gói đông lạnh hay sấy khô rồi mình làm thành sản phẩm bán mang về. Ví dụ như măng tre ở cồn Sơn rất được lòng du khách”. Ðó cũng là vấn đề mà bà con làm du lịch cồn Sơn đang quan tâm và tìm giải pháp. Trước hết là giải bài toán đầu ra cho nông sản, làm sao để trong hoàn cảnh không thể tiêu thụ trực tiếp cho thị trường mà giá trị không bị hao hụt. Về lâu dài, điều này góp phần tạo thêm sản phẩm, góp phần làm cho hoạt động du lịch đa dạng hơn: trái cây tươi, trái cây sấy, hay sản xuất các loại tinh dầu… Ông Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho biết hiện đang hỗ trợ người dân cồn Sơn xây dựng các sản phẩm OCOP, đồng hành cùng bà con để tìm những giải pháp nâng cao giá trị nông sản địa phương, xây dựng thương hiệu nông sản cồn Sơn. Theo chia sẻ của ông Trần Hoàng Tuyên, người dân cồn Sơn đã làm rất tốt việc gìn giữ chất bản địa trong hoạt động du lịch, hiện nay người dân cồn Sơn cũng đang dần chuyển đổi tư duy để thích ứng và đang tập trung làm sản phẩm có giá trị hơn. Ðây là tín hiệu tốt vì bà con đang dần biết cách tự nâng cao giá trị nông sản để không quá lệ thuộc vào những tác nhân bên ngoài, tạo được nội lực theo hướng phát triển bền vững.
Do đó, trong thời gian giãn cách, các hộ dân làm du lịch ở cồn Sơn vẫn hoạt động ở phương diện khác, đó là tự trau dồi và làm mới bản thân. Người dân tập quen dần với các công nghệ và học tập, tập huấn qua các nền tảng trực tuyến, kết nối học tiếng Anh, các buổi tọa đàm trao đổi về định hướng xây dựng sản phẩm, chuỗi giá trị nông sản, tập huấn kiến thức cho các hướng dẫn viên… nhằm chuẩn bị cho hoạt động du lịch thích ứng theo tình hình mới hậu Covid-19. Bên cạnh đó, ngành Du lịch thành phố cũng đã tạo điều kiện để cộng đồng du lịch cồn Sơn tiếp cận tiêm vaccine và gần như đều đã được tiêm ngừa. Ðây cũng là “vùng xanh” được xác nhận an toàn tại thời điểm hiện tại.
Có thể nói, du lịch cồn Sơn có sự thích ứng với tình hình khá tốt. Trải qua nhiều đợt dịch bệnh, bà con nơi đây vẫn không ngừng thay đổi và nỗ lực xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới. Ðây là sự nỗ lực đáng ghi nhận vì tinh thần học tập và biết cách thích ứng, để chuyển nguy cơ, thách thức thành cơ hội trau dồi và nâng chất các hoạt động, sản phẩm, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho sự bắt nhịp trở lại của du lịch khi được phép.
Bài, ảnh: Ái Lam