Hoạt động của ngành

Kết nối du khách trong mùa dịch

Cập nhật: 11/09/2021 05:42:35
Số lần đọc: 1057
Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Du lịch, trong đó có lực lượng hướng dẫn viên. Trong khi rất nhiều người đã chuyển sang làm những công việc khác, một số hướng dẫn viên trẻ đã thành công khi đưa mô hình du lịch trực tuyến (online tour) vào phục vụ du khách. Họ chính là những “cây cầu” kết nối du lịch Việt Nam với du khách quốc tế, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn.  


Lê Hoàng giới thiệu với du khách các di tích lịch sử - văn hóa của Hà Nội qua nền tảng công nghệ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những hướng dẫn viên 4.0

Khi Hà Nội chưa thực hiện giãn cách xã hội, thi thoảng trên đường phố, người ta bắt gặp một chàng trai trẻ vừa đi vừa như nói chuyện một mình, trên tay là một chiếc điện thoại được cắm trên giá đỡ. Đó đích thị là một hướng dẫn viên du lịch online. Và chàng trai trẻ ấy là Lê Hoàng, một hướng dẫn viên du lịch tự do hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Công việc của Hoàng thường bắt đầu từ 5 - 7h sáng. Với một chiếc điện thoại hiện đại, một ổ chống rung cầm tay mini và chiếc micro chống ồn, Hoàng và những "du khách" ở châu Âu, Mỹ, Canada... bắt đầu hành trình khám phá Thủ đô Hà Nội. Trong hành trình kéo dài khoảng 45 phút, Hoàng đưa du khách thăm tượng đài Lý Thái Tổ, hồ Hoàn Kiếm, khu vực phố cổ hay những con ngõ nhỏ. Bằng cách nói chuyện dí dỏm, khả năng ngoại ngữ trôi chảy cùng nền tảng kiến thức phong phú, Lê Hoàng mang đến cho du khách những câu chuyện thú vị, giúp họ khám phá Hà Nội qua các nền tảng công nghệ. Kết thúc tour, du khách sẽ tìm hiểu về văn hóa cà phê Việt Nam. Trung bình mỗi tour trực tuyến của Lê Hoàng thu hút từ 20 - 100 khách tham gia.

Là người dân tộc Giáy, sinh ra và lớn lên ở xã Tả Van (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), cô gái 22 tuổi Vũ Thị Ngọc Hướng luôn muốn giới thiệu đến du khách vẻ đẹp của quê hương mình với những bản làng còn nguyên nét hoang sơ cùng những phong tục tập quán đặc trưng của người Giáy, Mông, Dao đỏ, Tày, Xá Phó... Nhưng đó cũng là lúc dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng khiến ước mơ của Hướng khó trở thành hiện thực.

Không lùi bước trước khó khăn, Hướng đã tìm cho mình hướng đi mới: Hướng dẫn khách tham quan trên nền tảng trực tuyến Google Meet, Zoom. Bằng việc đăng ký tham gia và đóng một khoản phí nhỏ (khoảng 50.000 đồng), du khách có thể ở nhà mà vẫn được khám phá vẻ đẹp của mùa lúa chín hay bãi đá cổ ở thung lũng Mường Hoa; thăm bản Séo Mý Tỷ của người Mông; tìm hiểu ngày Tết 14 tháng Bảy (âm lịch) của người Giáy... Khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt cùng những hiểu biết sâu sắc về văn hóa bản địa đã tạo nên sức hấp dẫn riêng trong những tour trực tuyến của Hướng. Sau mỗi hành trình, Hướng luôn để lại ấn tượng tốt với du khách trong và ngoài nước. Cũng từ đây, cô có thêm nhiều người bạn mới.

Giúp cộng đồng tiếp cận cơ hội 

Bằng tình yêu quê hương và nhiệt huyết của tuổi trẻ, cả Lê Hoàng và Vũ Thị Ngọc Hướng đã cho thấy những nỗ lực vượt qua khó khăn, dám mạo hiểm để tìm cơ hội phát triển nghề nghiệp, nuôi dưỡng đam mê và hướng tới những dự định xa hơn. Với Lê Hoàng, ngoài các tour trực tuyến, anh còn mở các lớp học online về văn hóa cà phê nhằm phục vụ các du khách, doanh nhân muốn tìm hiểu hoặc có ý định kinh doanh, phân phối cà phê Việt tại đất nước của họ.

“Cà phê Việt Nam cũng giống như phong cảnh, đất nước, con người Việt luôn khiến người nước ngoài bất ngờ bởi những điều độc đáo, thú vị. Tôi đang cộng tác với một số nền tảng như Airbnb Online Experience và Heygo.com nhằm mang tới cho du khách nước ngoài những lớp học như vậy. Đó không chỉ là cách quảng bá tốt cho du lịch Việt Nam mà còn mở ra cơ hội hợp tác xuất khẩu thương mại cho các đặc sản của Việt Nam như cà phê...”, Lê Hoàng chia sẻ.

Còn với Vũ Thị Ngọc Hướng, ngoài mong muốn kết nối du khách với quê hương, cô gái trẻ này cũng đồng hành cùng người dân bản địa để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, quảng bá và bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc ở Sa Pa. Vũ Thị Ngọc Hướng cho biết: “Từ cuối tháng 12/2020 đến nay, tôi bắt đầu hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với bán các đặc sản, nông sản sạch; qua đó khuyến khích người dân tích cực sản xuất, tăng nguồn thu nhập. Hiện nay, tôi đang xây dựng một cộng đồng khách hàng và đối tác trên các nền tảng mạng xã hội và trang web của mình nhằm chia sẻ kinh nghiệm du lịch Sa Pa, giúp du khách nắm thông tin một cách chân thực và mới lạ”.

Nhờ cách làm đầy nhiệt huyết của những người trẻ như Lê Hoàng và Vũ Thị Ngọc Hướng, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam sẽ được lan tỏa mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế. Họ chính là những “cây cầu” kết nối du khách quốc tế với Việt Nam, để khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực.

Bảo Khánh

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục