Hoạt động của ngành

Đồng Nai phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch

Cập nhật: 13/09/2021 10:09:22
Số lần đọc: 1187
Với kho tàng di sản văn hóa độc đáo, những di tích lịch sử - cách mạng giá trị gắn với hệ sinh thái đặc sắc, Đồng Nai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Hiện nay, ngành Du lịch Đồng Nai đang thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong hoạt động du lịch.


Văn Miếu Trấn Biên

Kho tàng di sản văn hóa giá trị

Đồng Nai có các tộc người thiểu số Mạ, X’tiêng, Chơ-ro cùng chung sống. Phần lớn các tộc người thiểu số đều sống ở khu vực phụ cận, vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên. Trong đó, làng Tà Lài (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) có khá đông người Mạ, X’tiêng sinh sống với những nét văn hóa khá độc đáo vẫn được bảo lưu đến ngày nay: lễ hội đâm trâu, nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cùng hệ thống tri thức bản địa. Làng Lý Lịch (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) là địa bàn tập trung của người Chơ-ro, tộc người còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo như: lễ hội mừng lúa mới, nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, nghề khai thác thực vật làm thuốc chữa bệnh, nghề làm rượu cần… Làng Hiệp Nghĩa (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) là nơi người Mạ sinh sống tập trung, được biết đến với nghề dệt thổ cẩm độc đáo, lễ hội cúng thần núi Đăng Kia, những ghềnh thác, bãi đá lớn liên quan đến truyền thuyết trong phạm vi khu du lịch Thác Mai (Lâm Trường Tân Phú)…

Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng năm 1715 tại huyện Phước Chánh (nay thuộc thành phố Biên Hòa) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Năm 1998 - 2002, Văn Miếu Trấn Biên được phục dựng lại như ngày nay và được xem như “Văn Miếu Quốc Tử Giám” của Nam Bộ, là biểu trưng cho truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt phương Nam. Văn Miếu Trấn Biên là nơi thờ phụng các danh nhân văn hóa, trưng bày hiện vật tiêu biểu của đất nước; trưng bày làng nghề truyền thống, các thư tịch cổ, các tài liệu, sách báo về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay; gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu, hữu vu, sân hành lễ, nhà Bia, Khuê Văn Các, hồ Thiên Quang Tỉnh, cổng Đại Thành, nhà thờ Đức Khổng Tử, nhà thờ chính, Văn vật khố, Thư khố…

Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2001, địa phận thuộc Đồng Nai rộng 38.100ha với nhiều kiểu địa hình núi cao, sườn dốc, đồi thấp, bậc thềm sông, suối, hồ…, là điều kiện tự nhiên thuận lợi để hội tụ, bảo tồn, phát triển hệ động thực vật, làm tăng giá trị sinh học và cảnh quan, tạo nên một bảo tàng thiên nhiên sống động. Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai với điểm nhấn trọng tâm là hệ thống 3 di tích cấp quốc gia ghi dấu quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc như: địa đạo Suốc Linh, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1961 - 1962… Ngoài ra, còn có Khu danh thắng Đá Chồng với các cụm đá tiêu biểu như hòn Ba Chồng, núi Đá Voi, hòn Dĩa mang dấu tích cuộc sống người tiền sử…

Trước cổng Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Ảnh chụp trước dịch Covid-19)

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch

Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch, Đồng Nai đã đầu tư hạ tầng ở các làng Tà Lài, Lý Lịch, Hiệp Nghĩa, cụ thể đã xây nhà dài, khôi phục lễ cúng thần lúa, đàn tre người Chơ-ro tại làng Lý Lịch; xây dựng hệ thống đường giao thông, khôi phục nhà truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật cồng chiêng, bạt hát giao duyên của người Mạ tại làng Tà Lài… Đồng Nai cũng hướng đến việc kết nối các cơ sở đào tạo với các khu, điểm du lịch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ.

Công tác xếp hạng đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích. Từ cuối năm 2020, Đồng Nai có 4 di tích được xếp hạng cấp tỉnh nằm trên địa bàn thành phố Biên Hòa: đình Bình Thiền, đình Phước Lư, đình Hưng Phú, đình Thành Hưng. Ông Nguyễn Duy Tân - Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa cho biết: “UBND thành phố Biên Hòa giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với các đơn vị liên quan tham vấn ý kiến chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Bảo tàng tỉnh, kịp thời tham mưu, đề xuất các phương án, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Biên Hòa đặc biệt chú ý công tác xã hội hóa; xây dựng nhiều chương trình hoạt động cụ thể; khôi phục các lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống… tạo điều kiện cho người dân và du khách tham quan, tìm hiểu và học tập, nghiên cứu. Qua đó, phát huy tốt nhất giá trị di tích”.

Lễ hội Sayangva của người dân tộc Chơ’ro (Ảnh chụp trước dịch Covid-19)

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định công nhận Địa điểm ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) là di tích cấp tỉnh, đây là “địa chỉ đỏ” cho thế hệ trẻ tham quan, nghiên cứu học tập. Theo Sở VHTTDL Đồng Nai, việc công nhận các di tích là cơ sở pháp lý để ngành VHTTDL và các địa phương tiến hành những bước tiếp theo nhằm trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, tăng cường thu hút nhân dân và du khách đến tham quan. Giám đốc Sở VHTTDL Đồng Nai Lê Kim Bằng khẳng định: “Xếp hạng di tích cấp tỉnh đã và đang tạo nền tảng, cơ hội, động lực để ngành VHTTDL thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn, đồng thời hoàn thiện dần các thiết chế văn hóa. Đồng Nai đang tập trung đẩy mạnh, đưa di tích trở thành những điểm đến quan trọng trong phát triển du lịch thông qua việc tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các hội thi, triển lãm chuyên đề về di sản; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động giáo dục di sản, về nguồn cho thế hệ trẻ; xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với di sản. Bên cạnh đó, Sở VHTTDL Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý để có sự hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời kết nối có hiệu quả các điểm du lịch gắn với những di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, đưa di sản đến với công chúng. Có như vậy mới đảm bảo giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy giá trị di tích với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.

Kim Oanh

 

Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021

Cùng chuyên mục