Hành trang lữ khách

Cần Thơ: Mô hình mới Piscis Cồn Sơn

Cập nhật: 09/01/2023 11:30:51
Số lần đọc: 1188
Piscis Cồn Sơn là tên gọi tắt của dự án Phòng Thông tin nghề cá trên sông Hậu, đặt tại bè cá Bảy Bon - cửa ngõ du lịch cồn Sơn (khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Nơi đây cung cấp cho du khách thông tin và trưng bày các mô hình 3D về các loài cá đặc trưng của sông Hậu, trở thành điểm check-in thú vị cho du khách.

Trương Quang Huy (cầm mic) giới thiệu về Piscis Cồn Sơn tại bè cá Bảy Bon.

Piscis Cồn Sơn là dự án do 3 học sinh Trương Quang Huy, Ðỗ Phú Minh (Trường Quốc tế Anh Việt Hà Nội - BVIS Hà Nội) và Trần Việt Khôi (Trường Quốc tế Úc - AIS TP Hồ Chí Minh) thực hiện với sự hỗ trợ của Khoa Thủy sản, Trường Ðại học Cần Thơ, đội ngũ thiết kế của Công ty LH’s Design, Ðại học Công nghiệp Mỹ thuật Hà Nội.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án, em Ðỗ Phú Minh, cho biết: “Cồn Sơn là địa điểm du lịch nổi tiếng tại Cần Thơ, nổi bật có nghề cá rất thu hút du khách. Nhóm em muốn tạo thêm điểm nhấn để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại đây thông qua dự án Piscis Cồn Sơn, được hình thành trên nền tảng văn hóa và bảo tồn. Nơi đây không chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu về các loài các đặc trưng của sông Hậu mà qua đó chúng em còn mong muốn kêu gọi sự chung tay bảo vệ các loài cá trên sông Hậu, bảo vệ môi trường tự nhiên”. Theo đó, dự án bắt đầu từ tháng 4-2022, kéo dài 8 tháng và chính thức khánh thành vào tháng 12 vừa qua. Ðể có kinh phí, ba học sinh đã vừa học vừa làm thêm trong suốt thời gian thực hiện dự án. Ðó là thu nhập từ việc làm gia sư (100 giờ dạy), bán cá (400kg cá) - đồng thời cũng là việc hỗ trợ người dân cồn Sơn trong giai đoạn phục hồi du lịch.

Piscis Cồn Sơn cung cấp cho du khách thông tin (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) về các loài cá đặc trưng của sông Hậu. Tại đây có 27 loài được lựa chọn để giới thiệu, trong đó có 15 loài cá được trưng bày dưới dạng mô hình 3D. Em Trương Quang Huy, thành viên của dự án, cho biết: “Việc lựa chọn không đơn giản vì sông Hậu có rất nhiều loài cá. Nhóm đã tham khảo ý kiến các thầy cô Trường Ðại học Cần Thơ và lựa chọn trên 3 tiêu chí: sự quý hiếm, nhu cầu bảo tồn cao và giá trị kinh tế lớn”. Không gian trưng bày tại đây được trang trí rất sống động với các vật liệu quen thuộc trong đời sống văn hóa sông nước của người dân miền Tây Nam Bộ, như: lưới, nơm, đơm, đó, lờ… Ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon, nói: “Có thể gọi đây là mô hình bảo tàng hay thư viện cá nước ngọt đều được, vì đây là mô hình đồng hành cùng người nông dân chúng tôi. Những mô hình như thế này thường chỉ có ở các viện hay trường học, nhưng với mô hình này tại bè, du khách có thể chiêm ngưỡng trực tiếp những con cá từ hình ảnh 3D cho đến thực tế đang sống dưới nước. Các bạn trẻ rất kỳ công tìm hiểu các thông tin cũng như phác họa nên những hình ảnh sống động như thật. Ðây là dự án rất hay vì vừa tạo điểm nhấn du lịch vừa giúp du khách hiểu hơn về các loài cá của sông Hậu, từ đó cũng nâng cao ý thức bảo tồn cá thiên nhiên”.

Dự án càng thêm ý nghĩa khi đặt tại bè cá Bảy Bon, đã có hơn 20 năm hoạt động. Nơi đây lưu giữ nhiều loại cá đặc trưng, quý hiếm của sông Hậu và sông Mekong, như: cá hô, cá hồng vỹ, cá cọp, thác lác cườm, sóc sọc, cá ét, cá dảnh, cá bông lau, cá mang rổ… Nơi đây là địa điểm nghiên cứu, thử nghiệm của rất nhiều nhà nghiên cứu, sinh viên ngành Thủy sản trong nước và quốc tế. Do đó, sự hình thành của Piscis Cồn Sơn cũng tạo nên nhiều ý nghĩa trong việc lan tỏa và nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc gìn giữ và bảo tồn các loài cá nước ngọt trên sông Hậu.

Bài và ảnh: Ái Lam

 

Nguồn: Báo Cần Thơ - baocantho.com.vn - Ngày đăng 06/01/2023

Cùng chuyên mục