Hoạt động của ngành

Cao Bằng: Trùng Khánh đẩy mạnh quảng bá, bảo tồn phát huy giá trị danh thắng, di tích

Cập nhật: 16/09/2020 10:46:45
Số lần đọc: 1115
Trùng Khánh đẩy mạnh công tác quảng bá, bảo tồn để phát huy giá trị các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn huyện, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ năm 2013 đến nay, huyện kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư vào các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như: Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường từ tỉnh lộ 206 vào Khu du lịch động Ngườm Ngao; Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc; cải tạo và nâng cấp Di tích lịch sử hang Ngườm Mạ, thị trấn Trùng Khánh; hoàn thiện hồ sơ Dự án cải tạo, nâng cấp Di tích lịch sử đền Hoàng Lục; Công trình đường vào khu vực Mắt Thần Núi - Nặm Chá với kinh phí thực hiện trên 3 tỷ 128 triệu đồng.

Công tác xúc tiến, quảng bá đã được đầu tư và có sự chuyển biến thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch, quảng bá đến với mọi miền Tổ quốc về tiềm năng du lịch của huyện. Nội dung trọng tâm giới thiệu những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, điểm du lịch và các điểm du lịch tiềm năng của huyện; vùng đất, con người, những nét ẩm thực; quảng bá các điểm di sản Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trên địa bàn huyện...

Các lễ hội trên địa bàn huyện được duy trì tổ chức đúng theo quy định; đặc biệt là tổ chức Lễ hội du lịch thác Bản Giốc vào các năm 2017, 2018, 2019, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến với huyện Trùng Khánh. Đồng thời, huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng bá, bảo tồn giá trị các di tích, danh thắng, các hoạt động văn hóa dân tộc tại địa phương, có biện pháp kiểm tra, xử lý hoạt động trái phép, góp phần đưa hình ảnh huyện Trùng Khánh ngày càng vươn xa.

Huyện thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải các nội dung và hình ảnh nổi bật về du lịch, công tác bảo tồn điểm du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện; các làn điệu dân ca truyền thống như: Phong slư, sli, lượn, hát Then, Hà Lều, Dá Hai... hay tuyên truyền về các loại cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Nhằm phát triển du lịch đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ, tại các lễ hội, sự kiện lớn của tỉnh, huyện Trùng Khánh đẩy mạnh giới thiệu các sản vật, đặc sản như: hạt dẻ, vịt cỏ, tương mạch, cam, quýt, mật ong rừng, trang phục dân tộc Tày, Nùng... được đông đảo quần chúng, khách du lịch trong và ngoài tỉnh quan tâm. Năm 2015 có trên 150.000 lượt người đến tham quan, du lịch; đến năm 2018 có 308.947 lượt người đến tham quan, du lịch, nộp ngân sách Nhà nước 5,4 tỷ đồng; năm 2019 có 347.850 lượt người đến tham quan, du lịch.

Đến nay, huyện có 13 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 2 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia là thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao; động Bản Thuôn, xã Đàm Thủy là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh; 3 di tích lịch sử, 7 di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt trong 13 di tích được xếp hạng có 3 di tích xếp hạng trong giai đoạn 2015 - 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử còn những khó khăn, chưa được quan tâm đầu tư lớn; kinh phí dành cho công tác quảng bá, xúc tiến nhằm phát huy giá trị của di tích với phát triển du lịch của huyện đã được tăng cường song chưa tương xứng.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trùng Khánh Bế Hải Long cho biết: Để góp phần đưa công tác xúc tiến quảng bá du lịch và thu hút đầu tư sớm được triển khai đồng bộ và có quy mô lớn, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động vui chơi giải trí, Phòng đang tham mưu cho UBND huyện tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch Khu du lịch thác Bản Giốc theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nhằm đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển dịch vụ du lịch để Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành khu du lịch cấp quốc gia.

Triển khai kế hoạch phát triển du lịch năm 2020, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua các sự kiện tổ chức Lễ hội thác Bản Giốc và các lễ hội truyền thống của địa phương. Tập trung hoàn thiện hồ sơ xếp hạng Di tích lịch sử hang Ngườm Chiêng (Công trường K50); xếp hạng Di tích danh thắng Mắt Thần Núi - Nặm Chá; dành nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa đầu tư nâng cấp Di tích lịch sử hang Ngườm Hoài, xã Ngọc Khê... 

 
Lệ Hằng
Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục