Tin tức - Sự kiện

Chặn dịch Covid-19 vào bảo tàng, di tích

Cập nhật: 14/08/2020 15:59:33
Số lần đọc: 638
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, các đơn vị quản lý bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động các biện pháp phòng, chống. Những việc làm này nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng và hướng đến mục tiêu ổn định hoạt động, gia tăng sức hút cho điểm đến.

Du khách thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tham quan tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
“Bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng”
 
Đây là thông điệp được truyền tải thường xuyên tại cổng thông tin, trang mạng xã hội cũng như hệ thống pa nô trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trước khi qua cổng di tích, du khách được kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn rửa tay diệt khuẩn, nhắc nhở đeo khẩu trang, di chuyển giãn cách... Cán bộ, nhân viên nơi đây cũng thông báo chi tiết về "đường dây nóng" để du khách thông tin kịp thời cho ban quản lý di tích nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở trong vòng 14 ngày, từ khi đến điểm tham quan.
 
Theo Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông (Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) Đường Ngọc Hà, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách tới tham quan những ngày qua có giảm, song công tác phòng, chống dịch không vì thế mà lơ là. Tất cả các khu vực của di tích đều được vệ sinh và phun khử khuẩn thường xuyên. Tại các quầy lưu niệm, khu vực bán vé, soát vé… đều được trang bị đầy đủ nước diệt khuẩn và có khẩu trang y tế để phát miễn phí nếu du khách quên không mang theo. Cán bộ, nhân viên các bộ phận làm việc tại di tích cũng luôn đeo khẩu trang trong khi làm nhiệm vụ. “Trong trường hợp khách đi theo đoàn đông người, trung tâm khuyến cáo chia thành các nhóm nhỏ, lần lượt vào tham quan để bảo đảm cự ly giãn cách”, bà Đường Ngọc Hà cho biết. 
 
Tương tự, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, công tác chủ động ứng phó với dịch bệnh cũng được tuyên truyền, giám sát thực hiện sát sao, song hành với nhiệm vụ duy trì hoạt động tham quan, trải nghiệm. Nhờ vậy, du khách đến đây đều tuân thủ nghiêm các quy định về đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn... Chị Đỗ Thị Ngọc Tuyền ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Trước khi đến tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, gia đình tôi cũng thấy lo. Thế nhưng khi đến đây, thấy từ cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên đến khách tham quan đều đeo khẩu trang, chủ động giữ khoảng cách an toàn nên chúng tôi cảm thấy yên tâm và thoải mái khám phá các hiện vật và những câu chuyện về các tộc người”. Còn anh Nguyễn Tuấn Anh ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Ngay từ cổng chính của bảo tàng, tôi và mọi người được nhắc nhở sát khuẩn tay, đeo khẩu trang. Các biển báo về phòng, chống dịch cũng rất rõ ràng và đặt ở nhiều vị trí dễ quan sát...”.
 
Ngoài ra, rất nhiều điểm đến bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang có cách làm chủ động, hiệu quả để phòng dịch, như: Kẻ ô giãn cách, tặng khẩu trang cho du khách, lưu thông tin cá nhân của du khách để tiện việc truy vết những người liên quan, nếu xuất hiện ca nhiễm bệnh...
 
Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để không bị động, ban quản lý nhiều điểm đến di sản đã và đang triển khai các giải pháp đồng bộ để phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm phù hợp với tình hình mới. Đáng chú ý, nhiều nơi đã tích cực ứng dụng giải pháp công nghệ như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đẩy mạnh các hoạt động triển lãm, trưng bày trực tuyến (online); Khu di sản Hoàng thành Thăng Long ứng dụng phần mềm tham quan ảo cho điện thoại di động, máy tính bảng…
 
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Văn Huy, công nghệ ngày càng là một phần không thể thiếu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Vì vậy, chủ động tiếp cận công nghệ, tăng sức hấp dẫn cho các hoạt động tại bảo tàng, di tích là hướng đi cần thiết không chỉ cho giai đoạn hiện nay, mà cả lâu dài. Các bảo tàng, di tích có thể triển khai công nghệ trưng bày hiện đại, tổ chức dưới dạng trực tuyến hay tương tác ảo lồng ghép với hoạt động trải nghiệm khác, qua đó tăng cơ hội quảng bá, giới thiệu giá trị di sản tới nhiều người hơn.
 
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động đánh giá, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác bảo tàng, di tích cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ, nhằm tạo ra môi trường khám phá, thưởng thức các giá trị văn hóa, lịch sử hấp dẫn.
 
“Đây là một trong những giải pháp mà ngành Văn hóa Thủ đô chú trọng trong thời gian tới, không chỉ để ứng phó với dịch Covid-19, mà còn nhằm tạo điều kiện đưa di sản tới những người chưa có điều kiện tiếp cận di sản, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, ông Tô Văn Động cho biết thêm.
Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT