Chào Tết Nhâm Dần với “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”
Du khách vui chơi tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Chương trình giới thiệu, tổ chức các hoạt động lễ hội đặc sắc, trò chơi dân gian tiêu biểu, các món ăn truyền thống dịp năm mới và các loại sản vật đặc trưng của từng dân tộc, đan xen là hoạt động biểu diễn dân ca, dân vũ phong phú, hấp dẫn do các chủ thể văn hóa thực hiện.
Cùng với đó, hoạt động chủ đề tháng 2 có khoảng gần 100 đồng bào của 13 dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer với sự tham gia của 12 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng).
Nghệ nhân trồng cây nêu và làm pháo đất tại Làng.
Hoạt động chủ yếu trong những ngày đầu tiên của năm mới tại làng là văn nghệ, giao lưu, dân ca dân vũ…, như dân ca dân vũ “Khúc hát mùa xuân” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, giao lưu văn nghệ “Vui Tết đón xuân” của đồng bào Thái…
Ngoài ra, du khách còn được tham gia hoạt động tái hiện lễ hội “Mừng lúa mới” Ariêu Aza của đồng bào Tà Ôi, Cơ Tu. Đây là lễ hội mang nhiều ý nghĩa: vừa là nghi lễ cuối cùng trong năm, khép lại một chu kỳ sản xuất, đồng thời là lễ hội đầu tiên của mùa lễ hội mới, năm mới, mở ra khoảng thời gian nông nhàn, vui chơi trước khi bước vào vụ mùa mới, tương tự như lễ tết năm mới của người Kinh.
Du khách đến tham quan chùa Khmer.
Nhân dịp năm mới, tại Làng còn diễn ra lễ Chúc phúc cầu an đầu năm mới Nhâm Dần, trong đó Đại đức trụ trì chùa Khmer và các nhà sư tụng kinh chúc phúc cầu an cho phật tử, du khách dịp đầu năm mới, dâng hương tại chùa Pháp Ấn để cầu mong mưa thuận gió hòa, sức khỏe, bình an, hạnh phúc, dâng hương và nhận muối lộc đầu năm mới tại chùa Khmer để mang đến sự may mắn, an lành, tĩnh tâm cho tất cả mọi người.
Ngoài ra, tại Làng còn có các hoạt động hằng ngày theo chủ đề “Vui Tết đón Xuân”, gồm giới thiệu các nghi thức đón Tết của đồng bào các dân tộc theo truyền thống vùng, miền; các hoạt động lễ hội, âm nhạc đầu năm mới, giao lưu văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân: Múa xòe, nhảy sạp, múa au eo, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa.
Du khách tham quan còn có cơ hội tham gia các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến..., tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi…của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu… của dân tộc Thái, các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam..., tham gia chương trình du lịch an toàn để du khách trải nghiệm tại một số nhà dân tộc phong tục đón Tết truyền thống.
Linh Khánh