Non nước Việt Nam

Cổ ngoạn lưu giữ thời gian

Cập nhật: 07/02/2022 08:55:02
Số lần đọc: 796
Tìm lại giá trị của những món đồ xưa, cũ là thú chơi tao nhã, không ồn ào, náo nhiệt như những trò tiêu khiển khác. Mỗi người tìm đến thú chơi này vì nhiều lý do khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là nâng tầm giá trị hiện vật.


Đối với thú chơi này, ngoài sự am hiểu, thông tuệ các món đồ gắn liền với những giai đoạn lịch sử khác nhau, điều quan trọng là phải có tính hoài cổ, tri âm với những món đồ giá trị này. Từ đó mới có thể khám phá những thông điệp ẩn chứa bên trong. Người chơi đồ cổ trở thành những người truyền đạt, gắn kết văn hoá giữa xưa và nay. Cũng từ đó, những giá trị văn hoá từ ngàn xưa được gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ sau này.

Kiến trúc xưa được dân chơi cổ ngoạn tái hiện lại.

Tại Cà Mau, thú chơi cổ ngoạn, nói cách khác là chơi đồ cổ, đồ xưa đã có từ lâu nay, nhưng vài năm gần đây có sự phát triển vượt bậc. Lớp người chơi được mở rộng ra theo từng nhóm tuổi. Họ đến với thú chơi này không chỉ vì giá trị kinh tế mà vì niềm đam mê.

Ông Trần Thành (Phường 4, TP Cà Mau) đến với thú chơi cổ ngoạn từ rất trẻ. Nay đã vào tuổi thất tuần, trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, cũng như kinh qua nhiều biến động của xã hội, việc tìm lại hoài niệm từ những món đồ xưa, cũ bị người ta vứt đi là niềm đam mê của ông.

Ông Thành dành nguyên căn nhà bề thế làm nơi trưng bày các hiện vật mà ông đã cất công săn lùng từ nhiều năm qua. Đến nhà ông, ai cũng choáng ngợp với muôn vàn hiện vật mà ông sở hữu. Từng món đồ dù cũ kỹ, bong tróc, không nguyên vẹn, nhuốm màu thời gian đều được ông trân quý, lưu giữ cẩn thận.

"Tôi đặc biệt quan tâm đến các món chế tác từ gốm sứ. Nó không chỉ đơn thuần là vật dụng sinh hoạt của người xưa, mà thông qua những tranh vẽ trên đó, chúng ta phần nào hình dung được sinh hoạt, phong tục tập quán ở thời kỳ đó. Hiểu đúng hơn, nó ẩn chứa những giá trị văn hoá của từng giai đoạn lịch sử", ông Thành bộc bạch.

Theo ông Thành, vì đam mê nên cứ nghe gia đình nào có nhiều đồ gốm sứ xưa là ông nhất định tìm đến để được giao lưu, trao đổi đem về bổ sung vào bộ sưu tập của mình.

Ông Thành chia sẻ: "Có những món đồ đã bị chủ nhà bỏ đi, vứt lăn lóc sau nhà nhưng đối với mình, nó vô cùng quý giá. Khi thấy mình bỏ một số tiền để sở hữu món đồ không giá trị kinh tế như thế, nhiều người cho rằng mình thần kinh không bình thường...".

Cứ thế, một người "không bình thường" như ông Thành cứ đi săn lùng những món đồ rất bình thường trong niềm vui rất riêng. Đến nay, ông Thành đã có số lượng "khủng" hiện vật cổ xưa được trưng bày ngăn nắp, thu hút biết bao ánh nhìn, cùng với đó là sự ngưỡng mộ của dân chơi cổ ngoạn trong và ngoài tỉnh.

Cũng là dân chơi cổ ngoạn lâu đời tại Cà Mau, ông Võ Chơn Đức (Phường 9, TP Cà Mau) sở hữu một lượng lớn hiện vật khiến nhiều người mơ ước. Khác với những người chơi khác là tìm đến thú vui này chỉ duy nhất một loại hiện vật như đồ gốm hoặc đồng hồ hay đồ gỗ..., ông Đức thưởng thức đồ cổ, đồ xưa ở một góc nhìn đa chiều. Ông có niềm đam mê tột độ với tất cả những món đồ xưa. Chính vì thế, không phân biệt đó là món gì, thuộc chủng loại nào, nếu ông thích là tìm cách đem về sở hữu.

Những chiếc đồng hồ xưa được ông Võ Chơn Đức sưu tầm.

Ông Đức cho biết, để có được bộ sưu tập đồ sộ như hiện nay, ông đã bỏ ra rất nhiều công sức. Khi nghe ở đâu có câu lạc bộ cổ ngoạn, giao lưu đồ xưa, cũ là ông tìm đến. "Đến đây không chỉ giúp mình mở mang kiến thức mà còn có thể mãn nhãn và tìm về cho mình những cổ vật yêu thích để bổ sung vào bộ sưu tập", ông Đức chia sẻ.

Theo lời ông Đức, việc trao đổi, giao lưu cổ vật lẫn nhau cũng là hình thức khá phổ biến hiện nay. Nhờ hình thức này đã lấp đầy bộ sưu tập của dân chơi cổ ngoạn. Đặc biệt, có những món đi theo bộ, nếu gom góp đủ cả bộ thì món hàng càng giá trị. Có nhiều món mặc dù được săn lùng rất kỳ công nhưng chưa hẳn đã giá trị trong mắt người khác. Chính vì thế, hình thức giao lưu, trao đổi lẫn nhau không chỉ giúp người chơi có được món cổ vật mình yêu thích, đồng thời tạo mối quan hệ gắn bó giữa những người cùng đam mê.

Người chơi cổ ngoạn có những diễn đàn riêng theo từng nhóm, có khi là trên mạng xã hội, có khi sinh hoạt thành câu lạc bộ hoặc tập hợp thành nhóm lớn, nhỏ theo tên tuổi, uy tín của người trong nghề. Đây chính là nơi để người chơi trao đổi kiến thức, món đồ mình sở hữu.

Ông Tạ Hoàng Nguyên (Phường 5, TP Cà Mau) chia sẻ: "Là cán bộ hưu trí, bên cạnh niềm đam mê nhiếp ảnh và cây cảnh, tôi cũng rất có hứng thú với đồ xưa, đặc biệt là những món đồ gắn liền với cuộc sống người dân miền sông nước. Từ niềm đam mê đó đã thôi thúc tôi không ngừng nghiên cứu. Vì thế, vốn kiến thức của bản thân không ngừng được nâng lên, rất có ích cho việc truyền đạt những giá trị văn hoá xưa cho con cháu sau này".

Niềm đam mê cổ vật thôi thúc ông Tạ Hoàng Nguyên không ngừng nghiên cứu, bổ sung vốn kiến thức của bản thân, giúp ông truyền đạt những giá trị văn hoá xưa cho con cháu.

Nhiều năm trước đây, các đồ vật xưa còn dễ tìm thấy trong dân, nhưng sau một thời gian dài xuất hiện hiện tượng "chảy máu" cổ vật, nên nhiều món đồ có giá trị bị mất đi. Đến khi có Luật Di sản cho phép tư nhân nghiên cứu và sưu tầm cổ vật để xã hội hoá việc bảo vệ di sản văn hoá vật thể, những món đồ xưa kia hiếm thấy và rất khó sở hữu lại xuất hiện trong bộ sưu tập của người chơi.

Ông Cao Hồng Lĩnh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, thông tin: "Ngày nay, thú chơi cổ ngoạn không chỉ tăng lên về số lượng mà chất lượng cổ vật cũng được nâng lên đáng kể. Tại Cà Mau có hơn 100 cá nhân theo đuổi thú chơi này. Ngoài giá trị kinh tế thì lịch sử và văn hoá là hai giá trị cốt lõi của thú chơi. Họ chơi không chỉ thoả mãn đam mê mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống của đất nước, dân tộc. Nhiều người chơi đã hiến tặng những cổ vật quý giá mà mình sưu tầm được cho Bảo tàng. Đây là mặt tích cực mà thú chơi này đem đến"./

Văn Đum

 

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT