Non nước Việt Nam

Văn hóa là nhân tố đảm bảo sự phát triển bền vững

Cập nhật: 07/02/2022 11:34:35
Số lần đọc: 835
Cho đến nay hàng trăm công trình nghiên cứu, trong đó có những tổng kết có giá trị về lý thuyết và những khám phá đặc sắc về các lĩnh vực và dạng thức văn hóa cụ thể đã được công bố trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm thế nào để khai thác các giá trị văn hóa như một nguồn tài nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.


Văn hóa là nền tảng của phát triển bền vững

GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam, từ năm 1943 khi nói về văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên quan điểm cho rằng “vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.

Văn hóa là tạo nên ứng xử cộng đồng, phản ứng cộng hưởng tập thể trước một hiện tượng hoặc sự việc nào đó. Văn hóa chứa đựng cả những sở trường và sở đoản của một cộng đồng nên khó có thể đạt được kỳ vọng (như thường được nghe) là phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực… mà phải theo một triết lý phù hợp với thực tiễn khai thác tất cả những gì mình có để phục vụ phát triển.

Có thể coi văn hóa là căn cước của một cộng đồng, nhưng bao giờ cũng có hai hợp phần nội sinh và ngoại sinh (tiếp thu được từ bên ngoài, biến thành cái của mình, trong văn hóa học thường gọi là quá trình tiếp biến). Phần nội sinh của văn hóa Việt Nam thực chất là những sáng tạo của con người trong quá trình tương tác với điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, môi trường xã hội và hoàn cảnh lịch sử.

Theo GS.TSKH. Vũ Minh Giang, một trong đặc điểm nổi bật của Việt Nam là nằm ở vị trí giao tiếp có tầm chiến lược cực kì quan trọng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của những tác tác động bởi những toan tính từ bên ngoài. Chính vì vậy mà Việt Nam luôn bị xô đập bởi các biến cố khu vực và của thế giới. Tính cách dễ thích ứng và nhạy cảm phần nhiều được hình thành do tác động của yếu tố này. Điều này cũng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Văn hóa là nền tảng của phát triển bền vững. (Ảnh minh họa: HT).

Do nằm ở vị trí giao tiếp và sự phân bố địa lí, từ lâu Việt Nam đã là một quốc gia đa sắc tộc với những đặc trưng văn hoá khác nhau. Mặc dù vậy, người Việt (Kinh) luôn đóng vai trò chủ thể vì số lượng đông và trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn hẳn so với các cộng đồng dân tộc anh em khác. Đặc điểm trên đã tạo nên truyền thống đa dạng trong văn hoá nhưng hướng tâm vào văn hoá chủ thể - văn hoá Việt.

Văn hóa, tính cách của con người Việt Nam còn được hình thành do tác động của quá trình lao động sản xuất. Sau lũy tre làng, rất nhiều truyền thống đẹp, như đoàn kết tương trợ nhau đã hình thành. Tính chất cộng đồng đã tạo nên truyền thống văn hóa tâm linh đặc biệt đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Vị trí địa lí chiến lược của Việt Nam vừa tạo điều kiện để Việt Nam có cơ hội giao lưu, tiếp biến văn hóa, nhưng cũng đặt ra những thử thách hiểm nghèo. Trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với những kẻ thù lớn và mạnh hơn mình rất nhiều. Hoàn cảnh này đã tạo nên phẩm chất anh dũng quật cường, mưu trí sáng tạo, hun đúc cho mỗi người dân lòng yêu nước nồng nàn, ý thức tự tôn dân tộc và tinh thần bất khuất, tự lập, tự cường rất cao.

Trong quá trình giao lưu, tiếp biến, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng không nhỏ những tác động của hai nền văn minh lớn của nhân loại là Trung Hoa và Ấn Độ. Dưới ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, nhiều yếu tố văn hoá mới đã được du nhập vào Việt Nam, trong đó ảnh hưởng rõ nét nhất là Nho giáo. Những chuẩn mực Nho giáo được hoà trộn và điều chỉnh bởi các giá trị vốn có của người Việt đã tạo nên một số truyền thống, trong đó hiếu học, trọng học là một nội dung quan trọng. Trong các phẩm chất được đề cao, đối với người Việt Nam, đạo hiếu là quan trọng nhất.

Đối với văn minh Ấn Độ, ảnh hưởng đáng kể nhất của đối với Việt Nam là Phật giáo. Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam khác rất xa Phật giáo Ấn Độ. Sự truyền bá rộng rãi tư tưởng Phật giáo cùng với những tính cách của cư dân bản địa đã tạo nên truyền thống nhân ái, vị tha và rộng lượng của người Việt.

Trong thời kỳ cận - hiện đại, trong bối cảnh đầy biến động của lịch sử, Việt Nam đã có cơ hội cọ xát với văn hóa Âu-Mỹ. Kết quả là nền văn hóa vốn đã hết sức phong phú còn tiếp nhận thêm nhiều giá trị mới. “Có thể nói Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng vào bậc nhất trên thế giới. Đây chính là một trong những lợi thế của sức mạnh mềm Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập” - GS.TSKH. Vũ Minh Giang nhận định.

Biến văn hóa thành nguồn lực

Theo GS.TSKH. Vũ Minh Giang, để có thể biến văn hoá thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hóa mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc.

Cùng với việc đổi mới tư duy nâng cao nhân cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, cũng phải đánh giá đúng và thấy hết những khó khăn khi khai thác các nguồn lực văn hóa.

Trước hết đó là những trở ngại trước những thói quen, tập tính và hạn chế của một cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kì công nghiệp hoá và hiện đại hoá mà một trong những nhược điểm lớn, gây rất nhiều hậu quả tai hại là không có thói quen nhìn xa, là tâm lí "ăn xổi". “Suy cho cùng, thói quen này cũng là biểu hiện của những tàn dư lịch sử, nằm trong di tồn văn hóa. Nếu không có những nhận thức thật sâu sắc để có những biện pháp khắc phục thật hữu hiệu thì đây là một cản trở lớn cho sự phát triển. Trong thời đại ngày nay, người ta trù liệu trước cho sự phát triển ít nhất cũng phải tới vài ba chục năm” - GS.TSKH. Vũ Minh Giang cho hay.

Một trong những hạn chế lớn khác của di tồn văn hóa có hại cho sự phát triển là tâm lí bình quân cào bằng. Đây là sản phẩm của cơ cấu kinh tế - xã hội nông nghiệp - công xã. Trong lịch sử, sự bình đẳng làng xã, sự phân hoá xã hội không mấy sâu sắc đã từng đóng vai trò quan trọng cho sự cố kết/ đoàn kết cộng đồng. Quan niệm “dàn hàng ngang mà tiến” hay “xấu đều hơn tốt lỏi” đôi khi là những yếu tố cần thiết để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là tâm lí ghét sự vượt trội - một biểu hiện của tâm lí bình quân. Trong phát triển nói chung, đây là yếu tố có sức cản vô cùng mạnh mẽ…

Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là tài nguyên để khai thác, là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế. Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi và hiệu quả, trong đó phải đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam.

Bên cạnh việc phát huy sức mạnh mềm, việc làm làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm. Việt Nam là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời và rực rỡ, có truyền truyền thống dựng và giữ nước vô cùng vẻ vang. Lịch sử đã để lại cho chúng ta một truyền thống hào hùng và gắn với nó là vô vàn những di tích quý giá. Tuy nhiên cho đến nay, những di sản này chưa được khai thác có hiệu quả. Phần nhiều mới chỉ được giữ gìn theo cách bảo quản và đôi khi được tôn tạo bằng những khoản kinh phí rất hạn hạn chế. Thế giới hiện đang có rất nhiều kinh nghiệm làm sống dậy di sản văn hóa, khai thác di sản như những tài nguyên góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Như vậy, nói đến văn hóa Việt Nam trước hết phải nói tới nền tảng tinh thần là ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập, tự cường. Đây là nội dung cực kì quan trọng của văn hóa Việt Nam và là yếu tố cấu thành phẩm chất của con người Việt Nam. Nền tảng này đã được thể hiện rõ rệt trong những lần Việt Nam phải đối phó với hoạ xâm lăng từ bên ngoài. Tinh thần dân tộc cao sẽ là động lực và sức mạnh thúc đẩy một dân tộc vươn tới đỉnh cao. Vấn đề đang đặt ra hiện nay cho Việt Nam là làm thế nào để động viên được tới các mức cao nhất sức mạnh này trong công cuộc xây dựng đất nước và cạnh tranh quốc tế. Thêm vào đó trong văn hóa Việt Nam, truyền thống hiếu học và khả năng trí tuệ của người Việt đã và đang trở thành một yếu tố bảo đảm cho sự phát triển với tốc độ cao của đất nước và trở thành một thế mạnh trong cạnh tranh quốc tế trong tương lai.

Một trong những nét đặc sắc đồng thời cũng là thế mạnh con người Việt Nam là tính cách mềm dẻo, cởi mở và dễ hội nhập. Đây là một yếu tố hết sức thuận lợi trong hoàn cảnh ngày nay, khi mà thế giới ngày càng phát triển theo xu thế hội nhập và chu kì thay đổi công nghệ ngày càng có xu hướng rút ngắn. Trong khi đó văn hóa của Việt Nam đa dạng, phong phú với bản sắc hết sức độc đáo. Đó là lợi thế lớn cho Việt Nam trong thời kỳ chủ động hội nhập. “Chắc chắn với sức mạnh của văn hóa Việt Nam, tố chất đặc biệt của con người Việt Nam chúng ta sẽ thực hiện được khát vọng của cả dân tộc, sớm đưa đất nước vào hàng ngũ những quốc phát triển trên thế giới” - GS.TSKH. Vũ Minh Giang khẳng định.

H.Thanh (lược ghi)

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT