Hoạt động của ngành

Chính sách về giá là điểm nghẽn của du lịch Huế

Cập nhật: 05/10/2023 12:07:49
Số lần đọc: 448
Trong khi nhu cầu của khách mong muốn thường là “ngon - bổ - rẻ” thì theo các đơn vị lữ hành, chính sách giá vé, giá lưu trú, một số dịch vụ của Huế rất khó để đưa khách đến hoặc giữ họ ở lại lâu. Muốn bứt phá, cần quan tâm điều chỉnh chính sách về giá.


Khách trải nghiệm dịch vụ ở Khu nghỉ dưỡng Kawara Mỹ An Onsen

Chuyện cũ còn nóng

Trở lại Huế tham gia chương trình famtrip Huế “Kinh đô xưa - Trải nghiệm mới”, đại diện các doanh nghiệp bày tỏ ấn tượng trước những thay đổi của du lịch Huế, trong đó có cách “đóng gói” sản phẩm du lịch, tạo ra những trải nghiệm cho khách. Đặc biệt, sân bay quốc tế Phú Bài với Nhà ga T2 đã được đưa vào hoạt động cho thấy nét độc đáo khiến ai đến cũng phải thích thú. Thế nhưng câu chuyện liên kết, đưa khách với Huế thì đa phần doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn. Một lãnh đạo đơn vị lữ hành trăn trở: “Du lịch Huế cái gì cũng có, nhưng thiếu khách. Doanh nghiệp lữ hành đều muốn xây dựng sản phẩm, đưa khách đến Huế trải nghiệm nhưng giá cả chính là rào cản lớn”.

Ông Trần Lê Bảo Châu, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Quốc Group, đồng thời là Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF) cho rằng, hiện nay những chất liệu để làm du lịch đã được “đóng gói” sản phẩm dành cho các công ty để tư vấn khách. Tuy nhiên, để thu hút khách và giữ chân khách ở lại lâu thì bên cạnh yếu tố chất lượng, cần quan tâm các chính sách về giá tại các điểm đến ở Huế. Một sản phẩm du lịch có sự đồng lòng ở nhiều đối tượng thì mới tạo được sức hút.

Theo đại diện một đơn vị lữ hành ở miền Trung thường xuyên đưa khách Thái Lan đến miền Trung thì giá vé tại các điểm di tích cao và tăng thường xuyên. “Giá vé Đại Nội Huế hiện là 200.000 đồng/người; một số lăng tẩm đẹp của các vua triều Nguyễn là 150.000 đồng/người là quá cao, rất khó để thiết kế tour. Một thực trạng đáng buồn mà nhiều công ty du lịch chia sẻ với tôi là trước đây, trong tour đến Huế của họ có đưa khách vào tham quan Đại Nội nhưng nay chỉ đến trước Đại Nội”, ông này chia sẻ.

Không chỉ giá vé các điểm du lịch, giá chỗ ở lưu trú của Huế cũng đang bị cho là cao. Đại diện các đơn vị lữ hành trong toàn quốc so sánh, chỉ xét riêng Huế với Đà Nẵng, cùng khách sạn một hạng sao, nhưng giá phòng lưu trú chênh nhau đến 300.000 - 400.000 đồng. Điều đó phần nào dẫn đến chuyện khách ra Huế chơi, nhưng thích vào Đà Nẵng ngủ lại.

Bà Hồ Thị Bích Thủy, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour cho rằng, chính sách giá vé di chuyển cũng là một điểm khó. “Chưa nói đến giá khách sạn, nhà hàng. Chỉ xét riêng việc chúng tôi đưa khách từ TP. Hồ Chí Minh ra Huế, giá vé máy bay khứ hồi đã mất khoảng 3 - 4 triệu đồng. Đây là mức giá không hề rẻ khi kết hợp, xây dựng tour”, bà Thủy trăn trở.

Linh hoạt chính sách về giá

Trong kinh doanh du lịch, ngoài sản phẩm hấp dẫn, sự linh hoạt về chính sách giá được xem là giải pháp tăng khả năng cạnh tranh, nhất là thu hút khách, giữ chân khách lưu trú về đêm.

Hiện, du lịch giữa các địa phương đang có tính cạnh tranh rất lớn. Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, ngay ở miền Trung, Thừa Thiên Huế đang gặp phải những “đối thủ” mạnh về du lịch là Đà Nẵng, Quảng Bình. Những địa phương bạn được đánh giá có những điểm cởi mở, linh hoạt về chính sách giá hơn. Cũng vì chính sách giá ở Huế quá “cứng” nên khi xây dựng tour sẽ rất khó có những mức giá cạnh tranh tốt. Theo nhiều doanh nghiệp du lịch, chính sách giá về tham quan các điểm di tích Huế chưa thể xem doanh nghiệp là đối tác, nguyên tắc trong kinh doanh là “Win – Win” (hai bên cùng có lợi) gần như là không có.

Rất nhiều lần, các doanh nghiệp về du lịch thẳng thắn rằng, chính sách giá, hay các cơ chế mở chỉ được triển khai giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Riêng với Huế, các chính sách linh hoạt về giá thường bị mắc là bởi liên quan đến cơ quan Nhà nước. Một số điểm đến như Quảng Bình, Đà Nẵng thường giao cho doanh nghiệp khai thác và chịu trách nhiệm về nộp thuế, ngân sách, bảo tồn... Nhờ sự linh hoạt đó nên luôn đảm bảo lợi ích đôi bên và giúp các địa phương thu hút khách tốt hơn.

Giải quyết vấn đề trên đòi hỏi sự nghiên cứu rất kỹ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đơn vị liên quan. Nhưng trước mục tiêu phát triển du lịch Huế là ngành kinh tế mũi nhọn, với những định hướng chiến lược lâu dài và bền vững, rõ ràng không thể bỏ qua các góp ý từ doanh nghiệp lữ hành toàn quốc.

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định cho rằng, du lịch Huế có quá nhiều lợi thế, cái gì cũng tốt nhưng chưa có nhiều khách đến là lỗi của con người. Điều này đòi hỏi phải tìm ra giải pháp phù hợp. Còn theo bà Nguyễn Thị Thế, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thế Anh (Hà Nội), để hút khách về Huế, địa phương cần định hướng và có chính sách về giá tốt cho các doanh nghiệp lữ hành theo nhiều phân khúc, từ giá khách sạn, giá vé các điểm đến.

Giá cả luôn là yếu tố then chốt, tác động trong cạnh tranh, thông qua giá cả mà du khách lựa chọn điểm đến. Cơ quan quản lý Nhà nước đang quản lý và khai thác các điểm du lịch cần có những nghiên cứu và vận hành các hoạt động bằng cơ chế linh hoạt hơn.

Đại diện Công ty cổ phần Lữ hành Quốc tế Hải Vân Cát cho rằng, có thể linh hoạt giải quyết vấn đề giá vé với cách marketing hợp lý. Chẳng hạn mua vé tham quan 2 lăng được giảm hoặc miễn giá vé tham quan một số lăng khác. Điều đó sẽ tác động đến tâm lý của khách và kích cầu được du lịch.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 04/10/2023

Cùng chuyên mục