Vĩnh Long: Nỗ lực khẳng định thương hiệu du lịch đặc thù
Từng bước khẳng định thế mạnh du lịch sông nước miệt vườn.
Tuy nhiên để du lịch địa phương phát triển bền vững, UBND huyện đã đề ra nhiều giải pháp từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025 để phát huy thế mạnh, khẳng định thương hiệu du lịch đặc thù.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
So với các địa phương lân cận thì du lịch sinh thái ở huyện Long Hồ đã hình thành phát triển từ rất sớm, đặc biệt là du lịch homestay, có thể nói Long Hồ là cái nôi của loại hình du lịch mang đậm nét đặc trưng của du lịch sông nước miệt vườn Nam Bộ.
Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 20 cơ sở hoạt động theo loại hình homestay; 17 nhà vườn kinh doanh dịch vụ cho khách tham quan vườn trái cây có kết hợp với phục vụ ẩm thực theo yêu cầu của khách tham quan; đặc biệt ở cù lao An Bình có những vườn cây ăn trái trĩu quả quanh năm và 9 cơ sở đạt tiêu chuẩn Giải thưởng ASEAN homestay.
Bên cạnh đó, tuyến du lịch xuôi dòng Long Hồ đang được khảo sát để khai thác trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của Long Hồ. Ông Phạm Công Toàn- Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Long Hồ, cho biết, dòng sông Long Hồ dài khoảng 7km, bắt đầu từ sông Cổ Chiên đến xã Bình Phước, xã Hòa Tịnh của huyện Mang Thít.
Dọc theo tuyến sông này có làng nghề truyền thống rất lâu đời và những di tích lịch sử như Minh Hương Hội quán, Văn Thánh miếu, đền thờ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, những ngôi nhà xưa còn nguyên bản thiết kế của người Pháp... Gần khu vực TT Long Hồ có làng nghề chằm nón, làng nghề sản xuất hủ tiếu, bún. Giáp Long Hồ là xã Hòa Tịnh (Mang Thít) có làng nghề đan đát rổ tre…
Trong đề án trình UBND tỉnh cơ cấu lại ngành du lịch, trong đó có xây dựng các tour tuyến mới thì tuyến du lịch trên dòng Long Hồ là một trong những tuyến mới, gắn kết với tuyến truyền thống sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch của tỉnh.
Theo bà Phan Thị Mỹ Hạnh-Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, du lịch huyện Long Hồ hiện nay phổ biến ở 2 loại hình lưu trú tại nhà dân (homestay) và tham quan vườn cây ăn trái. Loại hình lưu trú tại nhà dân phục vụ chủ yếu đối với khách quốc tế; tham quan vườn cây ăn trái phục vụ cho du khách trong nước.
Hướng tới, huyện tập trung hoàn thiện quy hoạch vùng huyện, xã. Trên cơ sở quy hoạch và định hướng phát triển du lịch của tỉnh, huyện triển khai xây dựng đề án quy hoạch phát triển tổng thể du lịch huyện Long Hồ gắn kết với vùng lân cận, loại hình du lịch theo hướng phát triển, linh hoạt.
Nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển
Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, Huyện ủy và UBND huyện Long Hồ đã xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025, Long Hồ tập trung nâng cao khả năng thu hút khách du lịch bằng các sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương; tạo động lực khuyến khích khách du lịch tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Đồng thời phát triển du lịch cộng đồng gắn chặt với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ưu tiên phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất cù lao để tạo sự khác biệt, hấp dẫn du khách.
Cùng với đó, sử dụng hiệu quả tài nguyên du lịch, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng và lợi ích của người dân địa phương.
Huyện Long Hồ quyết tâm phấn đấu nỗ lực xây dựng 3 xã còn lại đạt tiêu chuẩn xã NTM, trong đó có 2 xã phục vụ trọng tâm cho du lịch là xã An Bình và xã Đồng Phú. Huy động mọi nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch như nâng cấp, mở rộng các tuyến đường liên xã; nạo vét các sông, rạch và nghiên cứu thực hiện theo mô hình đảm bảo trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa xâm nhập mặn. Đồng thời đảm bảo lưu thông các loại phương tiện và phục vụ dịch vụ du lịch.
Dịch vụ tát mương bắt cá ở cù lao là một điểm rất hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh nhấn mạnh, cần chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương và các hộ dân trong việc đảm bảo tạo dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Vận động mọi nguồn lực và Nhân dân tham gia xây dựng đèn đường chiếu sáng và trồng các tuyến đường cây xanh, hoa.
Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, minh bạch thông tin sản phẩm tạo điều kiện để du khách trong và ngoài nước tiếp cận với các loại hình du lịch trên địa bàn.
Giám đốc Sở VHTTDL Phan Văn Giàu cũng cho biết, Giải thưởng ASEAN homestay là động lực để các cơ sở homestay nâng cao chất lượng để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn. Thời gian tới, cố gắng có càng nhiều điểm du lịch đạt chuẩn du lịch ASEAN thì sẽ tạo được thương hiệu, khẳng định vị thế của mình là “Đệ nhất du lịch homestay”.
Để nâng cao chất lượng loại hình này đòi hỏi ở hạ tầng giao thông, đặc biệt tuyến đường liên ấp trên địa bàn cù lao. Đồng thời, tuyến đường thủy phải đảm bảo an toàn cho du khách tại các bến bãi. Ngoài ra cần tạo những sản phẩm mới để các điểm du lịch thu hút du khách.
Về sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, trong thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển 2 loại hình homestay nghỉ dưỡng và tham quan vườn cây ăn trái. Huyện Long Hồ cũng tăng cường phối hợp kiểm tra quản lý giá cả dịch vụ du lịch, có chế tài xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm qua phản ánh của du khách.
Có chính sách ưu đãi thuế và giá thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình lần đầu tiên tham gia đầu tư vào các dự án du lịch.
Tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, du lịch Long Hồ đã đón trên 343.920 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan; ước doanh thu đạt hơn 90,5 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Yến - Thủy