Chính thức ra mắt bảo tàng nghệ thuật đương đại đầu tiên ở Việt Nam
Ông Dương Quang Ứng (bên phải), Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL tỉnh Vĩnh Phúc tặng hoa chúc mừng họa sĩ Vũ Hồng Nguyên, Giám đốc FCAM.
Đây là bảo tàng nghệ thuật đương đại đầu tiên ở Việt Nam chính thức đi vào hoạt động, mở cửa đón công chúng tham quan tất cả các ngày trong tuần, từ 9 đến 17 giờ.
FCAM hiện có hai khu trưng bày ngoài trời và trong nhà. Khu trưng bày ngoài trời bao gồm 56 tác phẩm điêu khắc, điêu khắc kết hợp nghệ thuật sắp đặt, với đa dạng kích thước, có bức cao đến hơn 20 m, hoặc nặng hơn 27 tấn, và đa dạng chất liệu như: thép không rỉ, sắt hàn, sắt hàn và đá, kim loại tổng hợp, gỗ... được đặt rải rác trong quần thể nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải.
Khu trưng bày trong nhà bao gồm cụm các container trong khuôn viên rừng thông rộng 4ha, giới thiệu 70 sáng tác hội họa, điêu khắc nhỏ và nghệ thuật sắp đặt. Các sáng tác nghệ thuật trưng bày trong container cũng hết sức đa dạng về chất liệu, từ sơn mài, sơn dầu, acrylic, lụa, gỗ, đá, chất liệu tổng hợp.
Điều đặc biệt, FCAM không chỉ có sáng tác của nghệ sĩ trong nước mà còn của nghệ sĩ đến từ hơn 10 quốc gia trong khu vực và trên thế giới: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nepal, Italy, Tây Ban Nha, Singapore...
FCAM là thành quả của dự án Nghệ thuật trong rừng (Art in the Forest), do Tập đoàn Flamingo Holding tài trợ từ nhiều năm qua. Sau một thời gian chuẩn bị, dự án này chính thức khởi động từ năm 2016, với các trại sáng tác điêu khắc, hội họa, nghệ thuật đương đại quốc tế được tổ chức đều đặn hằng năm bên cạnh các chương trình sưu tập nghệ thuật khác.
Tác phẩm điêu khắc - sắp đặt ngoài trời "Sức mạnh vùng đất" của nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại. (Ảnh)
Dự án được thực hiện quy mô, nghiêm túc, gây được uy tín trong giới nghệ thuật và từng hai lần lọt danh sách sự kiện mỹ thuật tiêu biểu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bầu chọn (năm 2017 và 2019).
Phát biểu tại buổi công bố thành lập FCAM, họa sĩ Nguyễn Sơn đến từ TP Hồ Chí Minh, người từng tham gia dự án Nghệ thuật trong rừng, khẳng định sự tin tưởng của ông vào cam kết của nhà đầu tư với giới nghệ sĩ mỹ thuật trong nước từ nhiều năm trước, những giấc mơ lớn, bắt đầu từ dự án Nghệ thuật trong rừng, truyền cảm hứng đến giới nghệ thuật và tất cả những cá nhân liên quan, đã dần trở thành hiện thực, đưa nghệ thuật đương đại không chỉ của Việt Nam đến gần hơn với công chúng địa phương và khắp nơi trong cả nước cũng như du khách quốc tế.
Được biết, hai không gian ngoài trời và trong nhà hiện mới là bước đi đầu tiên của FCAM. Ban điều hành bảo tàng đang tiếp tục có các hoạch định cụ thể hơn cho những bước đi tiếp theo, trong đó, bao gồm việc mở rộng và nâng cấp không gian trưng bày.
“Chúng tôi nhận thức rất rõ sự hạn chế trong việc trưng bày tác phẩm nghệ thuật ở trong container, do chịu nhiều tác động của ánh sáng tự nhiên qua vách kính cũng như giới hạn về không gian, nên chưa thể trưng bày được thêm một số loại hình như sắp đặt, video art. Hạn chế này sẽ sớm được khắc phục trong bước đi tiếp theo của FCAM”, bà Trần Diệp, đại diện Ban điều hành FCAM cho biết.
Trong thực tế, các hình thức nghệ thuật đương đại như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art, nghệ thuật đa phương tiện, body art và kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật trong một tác phẩm đã xuất hiện ở Việt Nam từ hơn 30 năm qua.
Cuối năm 2013, Nghị định của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật chính thức công nhận các hình thức nghệ thuật này ở Việt Nam và xếp chúng vào chung lĩnh vực mỹ thuật.
Cho đến nay, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam - bảo tàng cấp quốc gia về mỹ thuật vẫn chưa thể gây dựng được một bộ sưu tập quy mô về các hình thức nghệ thuật đương đại ở trong nước.