Non nước Việt Nam

Chùa Bát Tháp (Hà Nội)

Cập nhật: 19/09/2022 08:25:57
Số lần đọc: 706
Chùa Bát Tháp (ban đầu là Vạn Bảo tự) nằm trên đất trại Vạn Bảo - một trong “thập tam trại” ở phía nam kinh thành Thăng Long xưa. Sau, trại Vạn Bảo đổi thành làng Vạn Phúc, nay thuộc phường Đội Cấn (quận Ba Đình).  


Tương truyền, chùa được khởi dựng từ thời Lý, trên gò Vạn Bảo. Vào năm Gia Long thứ 2 (1803), dân làng Vạn Phúc đã hợp nhất chùa Vạn Bảo với ngôi chùa trên núi Voi thành chùa Bát Tháp. Sở dĩ có tên gọi này là bởi chùa có hình dáng kiểu ngọn tháp và phần đế hình bát.

Nằm ở nơi cao nhất trên gò Vạn Bảo, chùa Bát Tháp quay về hướng nam. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chùa đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Diện mạo kiến trúc chùa ngày nay mang dấu ấn của lần trùng tu lớn dưới thời Nguyễn, theo kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm các hạng mục tam quan, tam bảo, nhà Mẫu, nhà khách và nhà Tổ.

Chùa Bát Tháp nằm kín đáo phía sau những hàng cây. Ban đầu, phía trước chùa có một hồ bán nguyệt, nay đã bị lấp thành vườn. Tam quan chùa khá đồ sộ, gồm hai tầng tám mái. Tầng dưới cửa chính có một cửa vòm lớn trông thẳng vào tiền đường, tầng trên mở 3 ô cửa nhỏ. Hai bên cửa phụ được thiết kế đối xứng, có vòm cửa nhỏ ở phần dưới, bên trên là cửa sổ tròn mang ý nghĩa “sắc sắc, không không” theo giáo lý đạo Phật.

Từ tam quan, du khách thập phương đi theo trục chính qua một vườn rau, khu tháp mộ nằm chếch bên trái và sân tiền đường, nơi có một hòn giả sơn lớn che chắn cho tòa tam bảo. Tòa tam bảo được xây kiểu chuôi vồ, gồm tiền đường 7 gian, 2 dĩ và hậu cung 3 gian. Tiền đường có quy mô lớn, hàng hiên trước rộng rãi nhờ phần mái chảy dài, được đỡ bằng một dãy cột đá hình hộp, trên có khắc những câu đối và trang trí hình long, ly, quy, phượng. Các bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu “thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ”. Các con rường được chạm nổi hình lá ba chẽ với nét chạm khỏe khoắn. Trên những bức cốn chạm hình rồng cuốn thủy, rồng ổ, hổ phù... bằng kỹ thuật chạm nổi tinh xảo. Hậu cung gồm 3 gian dọc, được thiết kế kiểu “chồng rường, giá chiêng”. Trên các xà thượng và hạ treo y môn, cửa võng, hoành phi được chạm trổ, sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Trong chùa Bát Tháp hiện còn lưu giữ nhiều tượng Phật, Mẫu được làm bằng gỗ và đồng, có niên đại cuối thời Lê, Nguyễn cùng nhiều cổ vật bằng đồng có giá trị như đôi hạc, bát hương và quả chuông Bát Tháp tự chung đúc năm Gia Long thứ 2 (1803).

Năm 1989, chùa Bát Tháp được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Quỳnh Ngọc

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 18/9/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT