Non nước Việt Nam

Đà Nẵng: Di tích căn cứ cách mạng K20 và những căn hầm độc đáo

Cập nhật: 19/09/2022 08:27:59
Số lần đọc: 616
Ngày trước, xóm Đồng của khối Đa Mặn, phường Bắc Mỹ An, quận Ba (nay thuộc quận Sơn Trà và một phần quận Ngũ Hành Sơn), TP. Đà Nẵng tuy gọi phố nhưng là nơi heo hút, cách biệt hoàn toàn với các khu dân cư khác trên địa bàn nên còn có tên gọi xóm Mồ Côi.  


Một cái xóm nhỏ nổi lên giữa cánh đồng thấp trũng, xung quanh có những đám ruộng ven sông Cổ Cò rậm rạp lau lách và những bãi bồi, cát trắng ở phía đông.

Tuy cái tên chỉ giới hạn “xóm Đồng” song diện tích có tầm vóc cỡ làng mới xứng. Trên địa bàn của phường Bắc Mỹ An có con đường độc đạo từ Đà Nẵng vào Hội An và đây cũng là cửa ngõ ở phía đông nam từ bên ngoài vào trung tâm TP. Đà Nẵng.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, địch củng cố lực lượng, xây dựng các đồn bốt dày đặc ở phía cửa ô này nhằm ngăn chặn sự tấn công của quân giải phóng vào cơ quan đầu não của chúng trong thị thành.

Xóm Đồng cũng như các xóm khác: Đa Phước, Nước Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa là vùng ven đô, rộng hơn 3 km2 trở thành địa bàn chiến lược để xây dựng lực lượng đánh địch lâu dài, trong đó xóm Đồng được Thành ủy Đà Nẵng, Quận ủy quận Ba chọn làm vị trí đặc biệt quan trọng, bởi địa hình thuận lợi, người lạ từ ngoài vào xóm dễ phát hiện, gần các bờ sông Cổ Cò, Trung Lương, Cẩm Lệ nên lực lượng cách mạng bí mật ra, vào xóm Đồng khó bị lộ. Xóm Đồng cũng như hầu hết các xóm trên địa bàn Bắc Mỹ An trở thành vùng giao tranh, giằng co giữa ta và địch.

Cổng vào khu căn cứ cách mạng K20.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xóm Đồng có 21 mái nhà của bà con nông dân chân lấm tay bùn trụ bám quanh lũy tre làng, kiên quyết không cho địch lùa xúc vào các khu định cư. Họ là những con người yêu nước, theo Đảng, giúp đỡ cách mạng để đấu tranh giải phóng quê hương. Cái tên K20 là mật danh của Quận ủy quận Ba, Đà Nẵng dùng trong các văn bản, điện đài, thông tin liên lạc để chỉ chung cho cả vùng căn cứ hoạt động bí mật bao gồm nhiều địa danh trên phường Bắc Mỹ An, trong đó có xóm Đồng. Bà con nông dân đã tích cực tham gia, hoạt động cách mạng, nuôi giấu, che chở cho cán bộ Thành ủy, Quận ủy, bộ đội, du kích, an ninh mỗi khi về nằm vùng.

Để nuôi dưỡng cán bộ, mùa đông năm 1964, chiếc hầm bí mật đầu tiên được đào tại xóm Đồng, sau đó hàng chục chiếc hầm khác ra đời và cho tới tháng 3/1975, bà con nơi đây và các lực lượng cách mạng đã đào được 151 hầm bí mật với các hình dạng khác nhau. Ngoài ra còn có hai địa đạo chạy xuyên qua hàng chục nền nhà, bờ tre, vườn tược dài hơn 80 m, trong đó địa đạo từ nhà ông Nguyễn Biên tới nhà bà Hồ Thị Hó có sức chứa hàng trăm người và làm kho chứa lương thực, vũ khí, thuốc men. Cũng từ trong các căn hầm bí mật ở vùng căn cứ K20 này, các lực lượng vũ trang của Thành ủy, Quận ủy đã triển khai 34 trận đánh vào các đồn bốt, chi khu cảnh sát, trụ sở hội đồng… của địch, trong đó có trận đánh bất ngờ vào sân bay Nước Mặn đêm 28/10/1965, tấn công câu lạc bộ sĩ quan Mỹ năm 1969, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch.

Hầm bí mật trong nhà ông Huỳnh Trưng.

Biết được địa bàn K20 là mối đe dọa trực tiếp tới các trụ sở sào huyệt trong nội thành nên địch mở nhiều đợt càn quét, bắn phá, sử dụng xe cày ủi, không ít hầm bí mật bật nắp, cán bộ, du kích, bộ đội hy sinh, cơ sở nuôi giấu bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn dã man, song trước sau vẫn trung thành với lý tưởng cách mạng. Hầm này bị địch khui phá thì người dân, du kích lại đào hầm khác. Cứ thế, các hầm bí mật được sinh sôi nhanh chóng trong lòng đất, bên dưới chuồng heo, chuồng gà, chuồng trâu, bò đều có hầm bí mật nên kẻ thù không thể nào phát hiện hết được. Ông Huỳnh Trưng ở xóm Đồng đã đào căn hầm bí mật khá độc đáo ngay dưới bàn thờ tổ tiên của gia đình mình. Miệng xuống hầm từ trong ô thờ cúng. Hầm chạy sâu ngoằn ngoèo dưới nền nhà tới sân rồi vòng qua hướng đông nam để khoét miệng ra phía bờ ao. Đây là căn hầm bí mật, địch rất khó phát hiện và có lối thoát khá an toàn. Có lần địch vào nhà lục soát, xét hỏi ông Trưng thì ngay lúc đó dưới nền nhà, Quận ủy quận Ba đang họp triển khai nghị quyết và bàn các phương án đánh địch. Những người làm cơ sở cách mạng ở đây hầu hết là những người dân thường nhưng hoạt động trong một chi bộ mật có bí danh B3, do đó sức chiến đấu của lực lượng tại chỗ từng bước được củng cố.

Xóm Đồng, vùng đất của căn cứ K20 ngày nay thuộc khu dân cư Đa Mặn 5, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Căn cứ cách mạng K20 đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 2010. Di tích cách trung tâm TP. Đà Nẵng chừng 5 km, cùng một tuyến đường tới danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn và di sản văn hóa thế giới Hội An. Du khách tham quan di tích mật danh K20 không chỉ để hiểu hơn lòng quả cảm của quân dân K20 mà còn tìm hiểu được những cách đánh sáng tạo trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Thái Mỹ

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Đăng ngày 18/9/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT