Non nước Việt Nam

Hoạ sỹ trẻ ấp ủ đưa tranh lụa về thời kỳ hưng thịnh

Cập nhật: 16/09/2022 09:01:40
Số lần đọc: 869
Với sự hỗ trợ của thế hệ hoạ sỹ đi trước, nhóm các hoạ sỹ trẻ tốt nghiệp khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đang từng bước đưa dòng tranh lụa gần hơn với công chúng bằng nhiều hình thức khác nhau.


Tranh lụa là một thể loại, chất liệu quan trọng cùng với sơn mài, sơn dầu; tạo nên một nền tảng mỹ thuật xuyên suốt song hành với lịch sử chính trị, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên từng có một giai đoạn khá dài, tranh lụa gần như không được quan tâm, thậm chí ít người theo học trong môi trường đào tạo mỹ thuật. Ngày nay, với sự hỗ trợ của thế hệ hoạ sỹ đi trước, nhóm các hoạ sỹ trẻ tốt nghiệp khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đang từng bước đưa dòng tranh lụa gần hơn với công chúng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Các tác phẩm của nhóm hoạ sỹ trẻ tại triển lãm "Sợi kết nối".

Theo chia sẻ của họa sỹ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, với đặc tính khó nắm bắt, có những giai đoạn, chất liệu lụa thậm chí trở thành sự lựa chọn cuối cùng của những người học trong môi trường đào tạo mỹ thuật, các làng nghề dệt lụa phục vụ nhu cầu người vẽ cũng dần thu hẹp… Thế nhưng thế hệ trẻ, những người đã bén duyên và yêu thích sự mỏng manh, khó nắm bắt của lụa đã tiếp tục hành trình nghệ thuật chuyên nghiệp cùng dòng tranh này.

Hoạ sỹ Nguyễn Cẩm Nhung chia sẻ: “Tôi rất thích sự trong trẻo và có thể nhìn xuyên thấu của lụa, và những thớ lụa sẽ làm nên những nét đẹp đặc biệt của bức tranh. Khi mình xem những bức tranh sơn dầu, sơn mài thì không thể có những ganh lụa, thớ lụa được. Vì đam mê sự hiển thị chất liệu lụa nên tôi quyết định chọn con đường sáng tác chuyên nghiệp trên chất liệu lụa”.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn nói về tác phẩm tranh lụa của các hoạ sỹ trẻ tại triển lãm "Sợi kết nối".

Dưới sự dẫn dắt của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, cũng đồng thời là giảng viên hướng dẫn, ngay từ khi học tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhóm hoạ sỹ gồm 24 bạn trẻ đã miệt mài, nghiên cứu, thể nghiệm tranh lụa theo nhiều chủ đề khác nhau. Hơn 3 năm với 8 triển lãm về tranh lụa cùng nhiều hội thảo, giao lưu giữa hoạ sỹ và công chúng, mỗi hoạ sỹ trẻ đã định hình phong cách sáng tác và con đường phát triển trong tương lai.

Theo đánh giá của nhóm họa sỹ này, lụa có khả năng ứng tác trong không gian rất cao, nên nếu đưa lụa trở thành sản phẩm gần gũi với cuộc sống như đèn, bình phong thì sẽ là hướng đi để phát triển hơn. Thay vì chỉ dùng tranh lụa và đóng khung như từ trước đến nay, rất cần tìm ra những ứng dụng khác để lụa gần gũi hơn với công chúng. Thông qua việc tìm hiểu về nguồn gốc và trao đổi trực tiếp với nghệ nhân về quy trình sản xuất lụa, các nghệ sỹ đã khám phá được thêm những khả năng mà lụa có thể biểu đạt được, từ đó ứng dụng lụa vào các tác phẩm tiếp theo.

Trải qua các dự án thực hành trong nhiều năm như “Những mảnh lụa bay”, “Từ truyền thống đến truyền thống”, “Sợi kết nối”… mỗi hoạ sỹ trẻ không còn bị giới hạn trong khuôn khổ giá vẽ, xưởng vẽ; trái lại họ có thể vận dụng mọi phương tiện trong quá trình sáng tạo, ra mắt các tác phẩm độc đáo khẳng định dấu ấn cá nhân.

Ấn tượng với các tác phẩm tranh lụa tại triển lãm “Sợi kết nối” tổ chức mới đây tại Hà Nội, khán giả Nguyễn Hoàng Dung (hoạ sỹ tự do) cho biết: “Ở đây rất nhiều tác phẩm đẹp, tôi phải công nhận triển lãm này xứng đáng đi nhiều lần. Tôi thấy lụa vẫn có chỗ đứng mà không loại hình nào sánh bằng, với chất liệu nhẹ nhàng mà tinh tế”.

Đồng hành cùng các bạn trẻ trong nhiều dự án sáng tác nghệ thuật, họa sỹ - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đánh giá cao về phương pháp tư duy và khả năng định hình phong cách cá nhân của các hoạ sỹ trẻ. Đây được kỳ vọng là thế hệ tiếp nối hành trình khôi phục vị thế cho dòng tranh lụa.

“Không đánh giá bởi kỹ thuật quá nhiều, điều tôi đánh giá ở đây là những hướng đi, những con đường sáng liên quan đến phương pháp tư duy.  Bởi vì khi phương pháp làm việc, phương hướng về tư duy phải đúng thì mới đi được xa. Tôi cũng cố gắng khuyến khích các bạn áp dụng phương pháp nghiên cứu khoa học. Khi có nghiên cứu từ chính những mối quan tâm và các vấn đề nhỏ sẽ giúp các các bạn trở nên sâu sắc hơn, từ đó tự tìm được cách thức biểu đạt cho phù hợp nhất" - họa sỹ Nguyễn Thế Sơn cho biết.

Kết nối với các nghệ nhân làm lụa truyền thống để nâng cao chất lượng tác phẩm, hợp tác với các hoạ sỹ khác để tăng tính ứng dụng của tranh lụa trong cuộc sống là giải pháp mà các bạn trẻ đang thực hiện nhằm giúp công chúng yêu nghệ thuật hiểu hơn về tranh lụa, từng bước nâng cao vị thế của dòng tranh này trong nền mỹ thuật đương đại./.                 

Thủy Tiên

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 16/9/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT