Tin tức - Sự kiện

Chuyên nghiệp hóa ngành du lịch cưới

Cập nhật: 17/10/2024 09:51:48
Số lần đọc: 191
Sở hữu ưu thế về tài nguyên tự nhiên và nhân văn đặc sắc cùng chi phí tổ chức sự kiện hấp dẫn, Việt Nam đang dần ghi tên mình trong danh sách những điểm đến du lịch cưới của thế giới, nhất là sau khi nhiều cặp đôi siêu giàu Ấn Ðộ chọn Việt Nam để tổ chức những đám cưới xa hoa. Tuy nhiên, để đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực đã đi trước Việt Nam nhiều năm trong khai thác du lịch cưới như Thái Lan, Indonesia, Singapore…, ngành du lịch nước ta còn nhiều việc cần làm.


Đám cưới của một cặp vợ chồng người nước ngoài tổ chức tại JW Mariott Phu Quoc Emerald Bay Resort&Spa. (Ảnh MPQ)

Báo cáo của Destination Wedding Global Market Report 2023 cho biết, thị trường cưới toàn cầu đang có mức tăng trưởng khá ấn tượng với khoảng 32,8% mỗi năm. Dù là thị trường ngách còn khá mới mẻ, nhưng dễ nhận thấy, du lịch cưới có khả năng mang đến nguồn lợi không nhỏ cho nền kinh tế xanh Việt Nam; bởi đối tượng lựa chọn hình thức này thường là những người giàu, có điều kiện kinh tế. Họ mang theo lượng lớn khách mời cùng sử dụng các dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm tại điểm du lịch được chọn tổ chức cưới trong nhiều ngày. Và không ít người trong số đó sẵn sàng kéo dài lịch trình để có trải nghiệm du lịch trọn vẹn hơn.

Không chỉ bước đầu thu hút những cặp đôi thuộc giới thượng lưu trên thế giới tới tổ chức hôn lễ, nhiều địa điểm có ưu thế về cảnh quan, khí hậu, cơ sở hạ tầng, dịch vụ của nước ta như: Phú Quốc, Quảng Ninh, Ðà Nẵng, Phan Thiết, Nha Trang… cũng đã trở thành nơi để những người giàu và nổi tiếng trong nước “chọn mặt gửi vàng” với quy mô hàng trăm khách mời. Ðiều này cho thấy, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để thực hiện những đám cưới trong mơ cho các cặp cô dâu, chú rể, ở bờ biển, trên đỉnh núi, giữa rừng thông, bên những thửa ruộng bậc thang, trên du thuyền, hay trong hang động…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để du lịch cưới thật sự trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, Việt Nam cần có nhiều hơn sự chuẩn bị cũng như cách làm sáng tạo. Trao đổi tại Hội thảo “Xu hướng phát triển của loại hình du lịch gắn với lễ cưới ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (ITDR) vừa tổ chức, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu của ITDR nhận định: Du lịch đám cưới có thể là nhân tố quyết định giúp Việt Nam nổi lên thành điểm đến quốc tế, nhưng nhiều năm qua, loại hình này chưa được chú trọng phát triển.

Ðể có thể cạnh tranh với Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia) hay những điểm đến du lịch cưới nổi danh khác trên thế giới, du lịch Việt Nam cần có sự nghiên cứu đầy đủ, đánh giá thực trạng, xu hướng phát triển của du lịch cưới để có giải pháp thúc đẩy phù hợp. Theo ông Vinh, khách hàng của du lịch cưới là những người sẵn sàng chi mạnh cho sự kiện quan trọng của đời mình, nhưng họ cũng rất khó tính, yêu cầu cao về chất lượng và tính sáng tạo của sản phẩm cung ứng.

Dịch vụ phải hoàn hảo, không gian phải ấn tượng, ý tưởng độc đáo, thiết kế lạ mắt nhưng vẫn phải theo gu thẩm mỹ của chủ nhân lễ cưới, cho nên để đáp ứng, đòi hỏi phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng và chuyên nghiệp về nhu cầu, đặc điểm, sở thích của du khách.

Ðáng nói, tại nước ta vẫn thiếu những nhà tổ chức tiệc cưới chuyên nghiệp là đơn vị đủ khả năng tư vấn, lập kế hoạch thực hiện, cũng như thiếu hệ sinh thái đồng bộ về du lịch cưới. Trên thực tế, thời gian qua, một số cặp cô dâu, chú rể quốc tế chỉ lựa chọn Việt Nam là địa điểm cưới, còn khâu tổ chức, cung cấp dịch vụ, thực phẩm, trang phục, nhân lực phục vụ liên quan vẫn từ nhà cung ứng nước ngoài.

Theo Tiến sĩ Ðinh Ðức Quang, Công ty APEC Mandala Wyndham Mũi Né (Bình Thuận): Thị trường du lịch cưới nước ta vẫn đang bị lệ thuộc vào một số thị trường nguồn như Ấn Ðộ, Trung Ðông; phân khúc thị trường khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày còn chiếm tỷ trọng thấp; thị trường du lịch cưới nội địa cũng chưa được kích hoạt sôi động.

Chưa kể, sản phẩm du lịch cưới còn khá đơn điệu, chủ yếu mới chỉ làm theo ý tưởng, đơn đặt hàng từ du khách; các địa phương có sản phẩm thì trùng lắp và giá trị gia tăng thấp, chất lượng dịch vụ chưa đồng đều. Nguồn nhân lực phục vụ còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, đặc biệt, cơ sở vật chất kỹ thuật đang là cản trở lớn, chưa hình thành được hệ thống các khu du lịch cưới mang tầm cỡ và thương hiệu nổi bật…

Ðể khắc phục những “điểm nghẽn” này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Trước tiên, cần có những nghiên cứu cụ thể đối với các thị trường du lịch cưới tiềm năng như Ấn Ðộ, Trung Quốc, Hàn Quốc... để xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với tổ chức cưới phù hợp, có tính đến các đặc trưng văn hóa, ẩm thực riêng biệt trong lễ cưới tại mỗi quốc gia.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quảng bá xúc tiến các điểm đến du lịch cưới thông qua nhiều kênh, nhất là truyền thông mạng xã hội thông qua lễ cưới của các cặp đôi quốc tế tổ chức ở Việt Nam; xây dựng giá dịch vụ tổ chức cưới hợp lý, cạnh tranh. Ðặc biệt, cần tăng cường liên kết giữa các điểm đến du lịch gắn với tổ chức lễ cưới trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ tổ chức lễ cưới.

Các điểm đến du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần xây dựng đa dạng các sản phẩm dịch vụ cưới, đẩy mạnh đào tạo, trang bị cho nhân sự các kiến thức chuyên sâu về tổ chức sự kiện cưới như thiết kế, trang trí, chụp ảnh, quay phim, trang phục...

Nhằm chuyên nghiệp hóa, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch cưới tại Việt Nam, việc tổ chức du lịch cưới cần bảo đảm thêm yêu cầu về giám sát sức khỏe y tế của khách mời; có chính sách bảo vệ quyền lợi, dữ liệu cá nhân của du khách, góp phần mang lại sự yên tâm, hài lòng cho các cặp đôi và khách mời lựa chọn du lịch cưới tại Việt Nam.

Vi Anh

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 16/10/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT