Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Bạc Liêu cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch chủ lực, tăng cường xúc tiến quảng bá
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu. Ảnh: TITC
Về phía đoàn công tác tỉnh Bạc Liêu có đồng chí Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Huỳnh Hữu Trí - Bí thư Thành ủy TP. Bạc Liêu; đồng chí Lê Kim Thúy - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu; đồng chí Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh; đồng chí Lý Vỹ Triều Dương - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh; cùng lãnh đạo các phòng chức năng, chuyên môn.
Báo cáo về tình hình phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2022, tỉnh đã đón khoảng hơn 3,8 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 10,5 nghìn lượt, đạt 116% kế hoạch cả năm là 3,3 triệu; tổng thu du lịch đạt khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2023, lượng khách du lịch đạt hơn 3,6 triệu lượt, khách quốc tế khoảng 82,3 nghìn lượt, đạt 87% kế hoạch năm. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đón 6 - 7 triệu lượt khách, tổng thu du lịch khoảng 10 nghìn tỷ đồng; đến năm 2030 đón 8 - 9 triệu lượt khách, tổng thu du lịch khoảng 28 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Bạc Liêu tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch và dịch vụ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao và có giá trị văn hóa sâu sắc, lấy du lịch văn hóa làm nền tảng phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ khác.
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương báo cáo tình hình phát triển du lịch tỉnh. Ảnh: TITC
Tỉnh Bạc Liêu cũng định hướng phát triển sản phẩm du lịch và không gian phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, định hướng về phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh như du lịch văn hóa gắn với khai thác giá trị của bản Dạ cổ hoài lang và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch tham quan Quảng trường Hùng Vương và các công trình văn hóa - nghệ thuật xung quanh, du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa - nghệ thuật độc đáo.
Đồng thời, định hướng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp - nông thôn, du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm du lịch quan trọng của Bạc Liêu gồm: du lịch tham quan điện gió gắn với hệ sinh thái rừng ven biển; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ven biển; du lịch nông nghiệp “miệt đồng quê” gắn với Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp tham quan các vườn chim, vườn cò. Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng phát triển các sản phẩm du lịch khác như du lịch biển đảo, du lịch đô thị để thu hút du khách.
Để du lịch Bạc Liêu phát triển trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, của cả nước nói chung, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trần Thị Lan Phương mong muốn, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong một số nội dung chính bao gồm: (1) Đề xuất bổ sung vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu Du lịch quốc gia đối với Khu Du lịch tổng hợp Nhà Mát. (2) Đề xuất xác định 4 hướng tuyến kết nối du lịch giữa các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể kết nối với Bạc Liêu. (3) Xem xét việc định hướng phát triển đô thị du lịch thành phố Bạc Liêu, tư vấn xây dựng Đề án phát triển thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị du lịch. (4) Chỉ đạo các đơn vị có liên quan hỗ trợ Bạc Liêu trong công tác truyền thông xúc tiến, quảng bá du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; chuyển đổi số trong phát triển du lịch.
Đoàn công tác tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TITC
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã góp ý cho tỉnh về các giải pháp phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, về việc đưa Khu Du lịch Nhà Mát trở thành Khu du lịch quốc gia, tỉnh cần nghiên cứu các điều kiện công nhận theo Điều 13 Nghị định 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch để có kế hoạch; xác định quy mô diện tích phù hợp để phát triển thành Khu du lịch quốc gia; tham khảo kinh nghiệm của một số Khu du lịch quốc gia khác.
Với tỷ lệ khách du lịch lưu trú trên địa bàn tỉnh còn thấp, cần xây dựng các chính sách ngắn hạn và dài hạn dựa trên tiềm năng sẵn có để kêu gọi đầu tư, thu hút du khách. Hàng năm tỉnh nên tổ chức một số chương trình, lễ hội, tuần văn hóa mang đậm dấu ấn văn hóa - du lịch đặc trưng của tỉnh với quy mô quốc gia; trong khuôn khổ sự kiện có các hoạt động bên lề để giữ chân du khách trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ du lịch, kéo dài thời gian lưu trú tại đó. Phối với với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu quảng bá du lịch, tổ chức các đoàn famtrip kết nối du lịch các vùng, các địa phương; xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch một cách linh hoạt, phù hợp.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu cần có những giải pháp, chính sách đẩy mạnh hiệu quả liên kết vùng. Có kế hoạch quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng mạnh mẽ hơn nữa. Về xúc tiến quảng bá du lịch ra nước ngoài, tỉnh cần nghiên cứu thị trường, định hướng thị trường trọng tâm và chủ động tham gia các sự kiện, hoạt động quảng bá du lịch ở nước ngoài.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TITC
Kết luận tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chúc mừng các kết quả mà ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu đã đạt được trong thời gian qua. Sau đại dịch Covid-19, tỉnh đã rất chủ động trong việc triển khai các hoạt động văn hóa - du lịch nhằm thu hút khách du lịch trở lại. Tuy nhiên, tình hình phát triển du lịch của tỉnh chưa thực sự tương xứng với các tiềm năng, lợi thế. Để thu hút các nhà đầu tư lớn, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị tỉnh cần chủ động kết nối, đưa ra các cơ chế, chính sách hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch trong nước và cnước ngoài. Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực, cần tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn, mời các chuyên gia có chuyên môn đào tạo nguồn nhân lực; thu hút nguồn nhân lực có chất lượng.
Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu cần xác định sản phẩm du lịch chủ lực, đặc thù dựa trên các tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, tâm linh… Trên cơ sở đó tìm ra thế mạnh nổi trội, sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương, tạo nên dấu ấn khác biệt với các địa phương khác.
Đối với công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá, Cục trưởng nhấn mạnh tỉnh cần xây dựng các ấn phẩm, vật phẩm đặc trưng, xây dựng các video clip quảng bá du lịch với nhiều ngôn ngữ phù hợp với các thị trường mục tiêu. Đặc biệt, tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội để quảng bá du lịch một cách hữu hiệu, nhanh chóng. Ngoài ra, chủ động tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa - du lịch có quy mô quốc gia để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tăng cường kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng tour, tuyến du lịch dài ngày.
Về đề xuất đưa Khu Du lịch tổng hợp Nhà Mát thành Khu Du lịch quốc gia, Cục trưởng đề nghị, tỉnh cần tập trung xây dựng lộ trình chặt chẽ với nội dung, kế hoạch, tiến độ triển khai cụ thể; xác định ranh giới của khu du lịch này, từ đó làm cơ sở quy hoạch xây dựng chính xác. Cục trưởng giao Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phối hượp với Sở VHTTDL tỉnh trao đổi cụ thể về quy hoạch tỉnh, quy hoạch phân khu, nghiên cứu đánh giá các sản phẩm du lịch. Phòng Quản lý xúc tiến du lịch và Phòng Quản lý lưu trú du lịch sẽ là đầu mối hỗ trợ, tư vấn về các tiêu chí, điều kiện công nhận Khu Du lịch quốc gia, đặc biệt là nội dung về cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng. Phòng Quản lý xúc tiến du lịch cũng sẽ là đầu mối hỗ trợ tỉnh trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Về phát triển các tuyến du lịch, Cục trưởng giao Phòng Quản lý lữ hành phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh tham mưu, tổ chức các đoàn famtrip; hỗ trợ mời các doanh nghiệp tham gia hội nghị, hội thảo xúc tiến phát triển du lịch.
Cục trưởng khẳng định Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu thực hiện các mục tiêu, đáp ứng những kỳ vọng đặt ra, đưa du lịch tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng, trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn trong vùng và trên cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy trân trọng cảm ơn các ý kiến của Cục trưởng và các đơn vị thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Ảnh: TITC
Trân trọng ghi nhận và tiếp thu những ý kiến của Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh và lãnh đạo các đơn vị về kết quả, thành tựu, cũng như khó khăn, hạn chế, các giải pháp khắc phục, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ giao Sở VHTTDL tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trên cơ sở những ý kiến của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Đồng thời Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liệu mong rằng, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ, định hướng cho tỉnh trong các hoạt động chuyên môn, cũng như các nội dung liên quan trong công tác quản lý chuyên ngành của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Lãnh đạo, đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TITC
Trung tâm Thông tin du lịch