Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Hà Nội tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 82 của Chính phủ để đẩy nhanh phục hồi du lịch
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TITC
Dự tọa đàm có lãnh đạo Sở Du lịch thành phố Hà Nội; đại diện các sở, ngành, một số quận huyện, thị xã trên địa bàn thành phố; Hiệp hội du lịch Hà Nội; Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội; đại diện các hãng hàng không, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú...
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu khai mạc. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, với chính sách mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi, phát triển du lịch thông qua việc ban hành các chương trình, các kế hoạch hành động kích cầu, thu hút khách du lịch, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng. Thời gian qua, ngành du lịch Thủ đô luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam về các chính sách thị thực, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
Tọa đàm ngày hôm nay tập trung vào các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ. Các nội dung trọng tâm được trao đổi tại tọa đàm bao gồm: thông tin về chính sách thị thực mới, kế hoạch phát triển của du lịch Thủ đô; trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp; các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế; định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TITC
Tại buổi hội đàm, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, ngành du lịch đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, những điểm nghẽn để giúp du lịch tăng tốc phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Khi đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự đồng hành, phối hợp của các địa phương, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch đã nỗ lực duy trì các hoạt động du lịch nội địa cho đến khi triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế và đề xuất, tham mưu cho Chính phủ mở cửa trở lại hoàn toàn hoạt động du lịch.
Trên tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho du lịch. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vào tháng 12/2022 và Hội nghị toàn quốc về du lịch vào tháng 3/2023. Kết quả là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Cùng với đó, ngày 04/7/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ.
Cục trưởng đánh giá cao ngành du lịch thành phố Hà Nội thời gian qua đã có những giải pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy khách du lịch đến. Trong 8 tháng đầu năm 2023, du lịch Thủ đô đã đón và phục vụ gần 13 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Đây là những tín hiệu tích cực thể hiện du lịch nội địa đã phục hồi và du lịch quốc tế đang lấy lại đà tăng trưởng.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, các hãng hàng không đóng góp các ý kiến thiết thực về các giải pháp giúp ngành du lịch Thủ đô triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82 của Chính phủ. Đây cũng là cơ sở để Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục tham mưu, đề xuất kịp thời đến Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho du lịch.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TITC
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản, Hà Nội cần tập trung tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc như du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, trong đó chú trọng quảng bá những sản phẩm này đến khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hơn nữa các tọa đàm, hội thảo về du lịch, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đóng góp, trao đổi ý kiến.
Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội Trương Quốc Hùng đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tham gia các hội chợ, roadshow trong nước và quốc tế. Đặc biệt là hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho các địa phương, doanh nghiệp về chuyển đổi số, quản trị nguồn nhân lực du lịch.
Về phía ý kiến các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, hãng hàng không cho rằng, để phát triển du lịch đêm, cần quy hoạch có bài bản các tuyến phố du lịch đêm; kéo dài và công bố chính thức thời gian mở cửa các dịch vụ đêm sẽ hoạt động; khai thác mạnh hơn các sản phẩm du lịch đêm; chú trọng vấn đề vệ sinh công cộng. Ngoài ra, nhằm thu hút các thị trường khách quốc tế lớn, tiềm năng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông… cần tìm hiểu về đặc điểm của từng thị trường để xây dựng các sản phẩm phù hợp. Thêm vào đó, có kế hoạch xây dựng các khu mua sắm sản phẩm đặc thù, mang dấu ấn của Thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung để tạo ấn tượng cho khách quốc tế. Nghiên cứu mở rộng liên kết tour, tuyến du lịch giữa Hà Nội với các địa phương lân cận, giữa Việt Nam với các nước láng giềng để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời quảng bá, nâng tầm thương hiệu du lịch quốc gia…
Trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định, Sở Du lịch sẽ tiếp thu các ý kiến để triển khai hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 82, đồng thời sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, quyết tâm đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch Thủ đô.
Trung tâm Thông tin du lịch