Tin tức - Sự kiện

Thưởng thức sự đa dạng và đậm đà hương vị ẩm thực miền Trung

Cập nhật: 08/09/2023 11:10:26
Số lần đọc: 768
(TITC) - Trải dài theo đường bờ biển duyên hải miền Trung, ẩm thực miền Trung ghi dấu ấn trong lòng du khách bởi vị đậm đà, tinh tế như nghĩa tình sâu nặng của người dân nơi đây. Từ món ăn vặt hàng ngày đến món ăn truyền thống hay thức quà tráng miệng đều mang nét độc đáo và một chiều sâu riêng biệt, làm nên thương hiệu ẩm thực miền Trung. 

Mảnh đất miền Trung có địa hình nhỏ hẹp, chạy dài từ Bắc vào Nam được bao bọc bởi một bên là dãy Trường Sơn hùng vĩ, một bên là biển cả bao la. Sự đa dạng về địa lý, khí hậu ban tặng cho nơi đây nguồn nguyên liệu ẩm thực phong phú, cùng với truyền thống ra khơi đánh bắt hải sản từ bao đời nay đã tạo nên một hương vị rất đặc trưng về ẩm thực miền Trung: cay nồng và mặn mà.

Ấn tượng vị cay nồng hấp dẫn

Ớt được coi là linh hồn của ẩm thực miền Trung. Trong chế biến món ăn, từ các món điểm tâm sáng hay các loại nước chấm, từ cao lương mỹ vị đến món ăn dân dã hàng ngày đều mang vị chua, cay, mặn mòi đủ để khiến bất kỳ du khách nào lưu luyến khi thưởng thức.

Nằm ở phía Bắc đèo Hải Vân, ẩm thực vùng Bắc Trung Bộ mang xu hướng ăn cay và đậm vị hơn miền Bắc, màu sắc món ăn rất phong phú, rực rỡ, thiên về sắc đỏ và đỏ sẫm. Nổi bật nhất trong vùng duyên hải Bắc Trung Bộ là ẩm thực xứ Thanh, xứ Nghệ và xứ Huế.

Là vùng địa đầu của miền Trung, ẩm thực xứ Thanh là sự giao thoa giữa nét tinh tế của ẩm thực miền Bắc và hương vị đậm đà của miền Trung. Ẩm thực Thanh Hóa đa dạng về các món ăn, phong phú trong cách chế biến, thơm ngon về chất lượng, đẹp đẽ về hình thức trình bày và chứa đựng tính dân gian đặc sắc của địa phương.

Có thể kể đến những món đặc sản ấn tượng như nem chua, bánh gai, chè lam, cháo canh, bánh đúc sốt, bánh cuốn, chả tôm và các món ăn đậm chất vùng biển như: cá rô Đầm Sét, mắm cáy, mắm tép, nước chấm chẻo chệch… Nem chua ở đây được làm từ thịt nạc, bì thái chỉ cùng tiêu, ớt, tỏi và lá đinh lăng. Khi ăn, du khách có thể cảm nhận vị ngọt bùi của thịt lên men, vị cay nồng của tiêu, tỏi, ớt và chút hăng nhẹ của lá đinh lăng, tất cả tạo nên hương vị khó quên và trở thành thức quà nổi tiếng của xứ Thanh.

Đi sâu vào trong miền xứ Nghệ, ẩm thực Nghệ An giản dị, đậm đà và mộc mạc như người dân nơi đây. Điểm đặc biệt của ẩm thực Nghệ An là cách sử dụng gia vị khác lạ, cùng bàn tay khéo léo và tận dụng những nguyên liệu có sẵn như hành tăm, đậu nành, mít non đã tạo ra nhiều món ăn đặc sản như nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, bánh mướt, bánh ngào và nổi tiếng nhất là các món về lươn làm nên thương hiệu Nghệ An như súp lươn, cháo lươn, gỏi lươn, lươn om chuối đậu, lươn xào sả ớt, lươn xúc bánh đa…

Lươn được sử dụng trong chế biến là lươn đồng, được biết đến với vị tươi, ngon và chắc thịt. Lươn sau khi làm sạch cẩn thận, tỉ mỉ sẽ được khử mùi tanh bằng giấm, ớt và tẩm ướp với các loại gia vị, đặc biệt là hành tăm - gia vị đặc trưng của miền đất nắng gió. Khi nấu chín, thịt lươn trở nên bùi, chắc, hòa cùng vị nước dùng béo ngọt và mùi thơm của nghệ, tiêu, ớt, hành tăm khiến thực khách thử qua đều tấm tắc khen ngon.

Nếu bạn là “tín đồ” các món xào, trộn, miến xào lươn sẽ là lựa chọn phù hợp. Để món ăn thêm đậm đà, chuẩn vị miền Trung, bạn có thể tham khảo cách dùng nước tương, dầu hào, hạt nêm MAGGI hòa thành hỗn hợp nước sốt đặc biệt, giúp tăng hương vị món ăn mà vẫn giữ trọn hương vị Việt. 

Điểm nhấn đặc sắc nhất trong hành trình khám phá ẩm thực miền Trung phải kể đến ẩm thực Huế, nơi được coi là đỉnh cao của tinh hoa ẩm thực Việt bởi sự tinh túy, trang nhã và đầy sức cuốn hút. Ở Huế, ẩm thực là một nét văn hóa, mang phong cách thanh lịch, nhẹ nhàng - những nét đặc trưng của vùng đất cố đô nơi vua chúa từng ngự trị. 

Ẩm thực Huế chia thành hai loại hình: ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian. Dù là loại hình nào ẩm thực Huế cũng đều được chế biến công phu, đáp ứng các yếu tố trình bày đẹp mắt, bổ dưỡng thơm ngon và hương vị hài hòa, từ các món cao lương mỹ vị như nem công, chả phượng, gân nai, yến sào… đến cơm hến, bún bò, chè Huế, bánh chưng, mè xửng và các loại bánh ngọt trứ danh.

Đậm đà hương vị từ biển cả

Đi dọc xuống phía Nam, qua mỗi địa phương văn hóa ẩm thực lại có sự phân hóa rõ rệt, tạo nên sự đa dạng cho ẩm thực Nam Trung Bộ.

Bên cạnh đường bờ biển dài với những bãi tắm, vịnh biển đẹp nên thơ, thiên nhiên còn ưu ái cho vùng đất Nam Trung Bộ những sản vật tươi ngon từ biển cả, để từ đó người dân địa phương sáng tạo ra nhiều món đặc sản nức tiếng như mắt cá ngừ đại dương chưng hạt sen, gỏi cá ngừ, gỏi cá Nam Ô Đà Nẵng, yến chưng hạt sen, da cá mập, cùi vi cá mập, cháo hàu, cháo nhum, gỏi sứa Quy Nhơn, chả cá Quy Nhơn, cá chình mun Châu Trúc om chuối đậu, bò cuộn nướng mía Tây Sơn cho đến những món ăn vặt vỉa hè như bún cá dầm, bánh canh chả cá, nem nướng…

Ghé thăm dải đất Nam Trung Bộ, du khách không nên bỏ lỡ món bánh ít lá gai - một món bánh truyền thống của người dân Bình Định. Bánh có hương vị rất riêng, được kết hợp hài hòa giữa vị ngọt của đường, vị bùi của đậu xanh, vị béo của dừa, cay nhẹ của gừng hòa cùng vị thơm của nếp dẻo và lá gai. Bánh ít lá gai trở thành đặc sản của Bình Định với dư vị khó quên, để dù đi đâu xa những người con vùng đất võ vẫn nhung nhớ chiếc bánh có dáng hình tựa như ngọn tháp Chàm cổ kính.

Nằm cuối dải đất Nam Trung Bộ, đồng bào Chăm chủ yếu sinh sống tại Ninh Thuận và Bình Thuận lại có những cách chế biến riêng tạo nên sự khác biệt và hương vị đặc trưng. Với người Chăm, ẩm thực mang nét thuần túy, bình dị phản ánh đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây như món cháo trắng - món ăn truyền thống thường được sử dụng trong bữa sáng thể hiện ước mong về cuộc sống bình yên và an lành.

Cùng với cháo trắng, cà dìa chiên là một trong những món ăn truyền thống được người Chăm ưa chuộng. Cà dìa là một loại cà to, có vị thơm dịu nhẹ và phần ruột rất xốp dẻo, thường được chế biến thành món chiên hoặc xào. Vào những ngày mưa hay se lạnh, còn gì tuyệt vời hơn khi được quây quần bên gia đình và thưởng thức một bát cơm nóng hổi cùng vị mằn mặn, thơm béo,  chút cay dịu dàng của ớt và cà chiên!

Tùy thuộc vào thời tiết, khí hậu, mùa mưa hay khô mà món ăn người Chăm có tính mát, chua hay cay khác nhau. Các món đặc trưng của người Chăm như canh chua cá, canh bồi (canh thập cẩm được nấu từ nhiều loại rau rừng), các loại mắm cá, thịt dê, canh rau môn, gỏi cuốn tôm... Ngoài ra, người Chăm cũng có nhiều loại bánh, chủ yếu phục vụ trong lễ nghi tôn giáo, cưới hỏi và đã trở thành đặc sản hấp dẫn du khách như bánh tét, bánh ít, bánh củ gừng, bánh đúc…

Với người dân miền Trung, tính cách kiên cường, chịu thương chịu khó và bàn tay khéo léo, chăm chỉ đã biến những sản vật tuyệt vời của quê hương thành  món ngon nức tiếng gần xa và hấp dẫn bao du khách khi ghé thăm, trải nghiệm.
 

88 năm qua MAGGI đã trở thành bạn đồng hành của biết bao thế hệ người tiêu dùng Việt thông qua việc gắn kết gia đình và cộng đồng với những món ăn ngon. Nhận thấy rằng ẩm thực Việt Nam không chỉ đa dạng, phong phú với những công thức chế biến mà còn là một nét văn hóa tự nhiên được hình thành trong cuộc sống, MAGGI và Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chung tay hợp tác trong đề án "Biến tấu - Vạn nguyên liệu, Nấu triệu món Việt" giúp bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hoá - ẩm thực của 63 tỉnh thành. Bất kỳ ai cũng có thể biến tấu món ngon từ nguyên liệu địa phương để cùng góp phần gìn giữ và nâng tầm nét đẹp Việt. Cùng nhau, chúng ta hãy tạo nên bản đồ ẩm thực lớn nhất Việt Nam - THAM GIA NGAY!

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 08/9/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT