Tin tức - Sự kiện

Hấp dẫn ẩm thực độc đáo nơi miền núi phía Bắc

Cập nhật: 05/10/2023 15:56:39
Số lần đọc: 640
(TITC) - Miền núi phía Bắc là một trong những điểm đến thú vị, hấp dẫn các tín đồ yêu thích khám phá. Dừng chân tại đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan núi rừng hùng vĩ, hòa mình vào đời sống của các đồng bào dân tộc mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sắc độc đáo mang đậm hương vị núi rừng.

Vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng của núi rừng Tây Bắc thu hút đông đảo du khách

Thiên đường ẩm thực giữa sông núi

Những cung đường Tây Bắc hiểm trở, uốn lượn đẹp như tranh từ lâu đã trở thành mục tiêu chinh phục của mọi tín đồ du lịch yêu thích phiêu lưu khám phá. Là vùng đất có địa hình cao nhất cả nước, đặc biệt có đỉnh Fansipan - được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” với độ cao hơn 3.000m được hình thành từ hàng trăm triệu năm trước với hệ sinh thái đa dạng, vùng Tây Bắc nổi tiếng với nhiều loài thực vật, gia vị có một không hai, từ đó tạo nên một nền ẩm thực đặc sắc, phong phú về nguyên liệu và cách chế biến.

Trong khi đó, ở phía Đông Bắc, bên cạnh núi non trùng điệp còn có những con sông tươi mát, yên bình, phảng phất nét lãng mạn của đất trời miền Bắc như sông Hồng, sông Chảy, sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Kỳ Cùng đưa đến sự trù phú, đủ đầy với cả rau xanh, lúa gạo, thịt chăn nuôi đến các loài thuỷ hải sản. 

Khí hậu miền núi phía Bắc cũng chịu ảnh hưởng rõ nét của vùng nhiệt đới gió mùa và có mùa đông rất lạnh, ở những đỉnh núi cao như Fansipan (Lào Cai), Hà Giang, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) còn trở thành điểm săn tuyết lý tưởng cho du khách mỗi khi nhiệt độ giảm sâu. Rất nhiều món ăn ẩm thực địa phương ngon nhất là khi thưởng thức trong thời tiết giá buốt như vậy, bên bếp lửa ấm cúng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, H’Mông, Hoa… Cùng với nhau, đồng bào các dân tộc đã tạo nên một bức tranh ẩm thực nhiều màu sắc như thêu hoa dệt gấm. 

Thác Bản Giốc dưới ánh nắng dịu dàng đẹp như chốn bồng lai

Vẻ đẹp tự nhiên tráng lệ và đời sống văn hoá rực rỡ đã thu hút, hấp dẫn đông đảo du khách, đặc biệt là du khách yêu thích khám phá, muốn được hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu đời sống văn hóa địa phương và thưởng thức những món ẩm thực đặc sắc. 

Có thể nói, linh hồn của ẩm thực Tây Bắc nằm trong những loại gia vị đặc trưng của núi rừng, như mắc khén hay hạt dổi, với hương vị thơm nức đậm chất đại ngàn.

Mắc khén là loại gia vị nổi bật nhất trong ẩm thực Tây Bắc với vị cay nồng và hương thơm đặc trưng. Đồng bào Tây Bắc dùng mắc khén chấm xôi nếp nương từ cánh đồng Tú Lệ, tạo nên huyền thoại “Nếp Tú Lệ / Tẻ Mường Lò / Xòe Kinh Bạc”, hoặc để ướp cùng các món nướng như pa pỉnh tộp (cá nướng), thịt lợn và thịt trâu gác bếp. Một đĩa gia vị chẩm chéo - đặc sản Tây Bắc cũng không thể chuẩn vị nếu thiếu đi mắc khén.

Cùng với mắc khén, hạt dổi là một loại gia vị đến từ rừng núi, còn được gọi là “vàng đen Tây Bắc”. Hạt dổi rừng tươi phơi khô có mùi hương quyến rũ, khi đem nướng trên than củi càng dậy mùi, thường được dùng để ướp cùng thịt lợn nướng, thịt trâu sấy hay để ngâm các loại măng, củ muối. 

Ngoài ra, ẩm thực Tây Bắc còn có các loại măng được ví là “lộc rừng”, như măng nứa, măng vầu, măng trúc, măng tre… Măng rừng đã đi sâu vào đời sống văn hóa ẩm thực của đồng bào vùng Tây Bắc, sử dụng phổ biến trong các bữa ăn, dịp lễ tết và được chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Đơn giản nhất là măng rừng tươi sau khi hái về, bóc hết phần áo ngoài rồi đem luộc hoặc vùi tro bếp, măng chín lấy ra chấm với chẩm chéo và thưởng thức trọn vẹn vị ngọt của măng xen lẫn vị cay dịu dàng của chẩm chéo.

Với bàn tay khéo léo, đồng bào nơi đây còn chế biến măng chua và măng khô để đưa vào nhiều món hấp dẫn như kho cá, xào thịt, gỏi cá nấu canh móng giò, canh xương... rất đậm vị và giòn ngọt.      

Vùng núi phía Bắc và ẩm thực mang hương vị núi rừng

Du khách tới miền Tây Bắc không nên bỏ lỡ các món ăn độc đáo, một trong số đó là gà nướng mắc khén của đồng bào người Thái ở Sơn La, với hương vị cay - chua - đắng - nồng mãnh liệt. Khác với ẩm thực đồng bằng hướng đến hương vị tròn trịa, thanh tao, đời sống nơi miền cao đã tạo nên những tâm hồn Tây Bắc phóng khoáng, bay bổng, và điều đó cũng được phản ánh trong hương vị ẩm thực nồng nàn của họ.

Gà nướng chấm với chẩm chéo, một loại nước chấm dùng sả, lá chanh, lá tỏi, hành lá, mắc khén, tỏi, ớt và các loại rau mùi giã nhuyễn tạo nên một món ăn thử một lần là nhớ mãi. Giờ đây, các “đầu bếp tại gia” còn có thể thêm dầu hào MAGGI khi tẩm ướp gà để làm hương vị càng thêm đậm đà hơn.

Nếu tới Sa Pa, Lào Cai, du khách không nên bỏ qua món cá hồi ngâm tương, bởi thời tiết lạnh đã cho phép Sa Pa nuôi được những đàn cá hồi mềm mọng. Một lần nữa, kết hợp với nước tương MAGGI sẽ càng khiến cho món ăn thêm béo ngậy đậm đà. Một món ăn làm từ cá nức tiếng khác ở miền Tây Bắc là cá bống vùi tro ở Lai Châu, món ăn đã đi vào bài hát của người dân tộc Thái: “Ước được ăn cá bống vùi gio/ Ước được về Mường So thăm nàng”. Cá bống sống trong những dòng suối thanh mát, tươi sạch nơi miền cao được đem ướp với sả, ớt, gừng, hạt tiêu, lá húng, mắc khén, rồi bọc trong lá dong và đem vùi vào tro bếp lửa, tạo nên món ăn thơm ngon vô cùng.

Những ai lên Cao Bằng không nên bỏ lỡ món bánh cuốn ăn với nước canh thay vì nước chấm như vùng đồng bằng. Đĩa bánh cuốn canh gói gọn hết cả cái dẻo bùi của non nước Cao Bằng, với loại gạo tẻ làm nên tấm bánh mịn màng, trắng trẻo cùng nước canh xương thơm mùi mác mật, măng ớt, nấm hương, mộc nhĩ, thịt băm. Đặc biệt, hương vị đặc trưng “miền sơn cước” càng được lột tả rõ nét hơn khi thực khách thưởng thức món ăn lúc còn nóng.

Trên đường tới Cao Bằng, ghé qua Bắc Kạn và thưởng ngoạn một buổi đi thuyền thong dong trên hồ Ba Bể, bạn cũng có thể tìm kiếm địa chỉ nếm thử các món tôm chua, cá chua của người Tày sống ở đây. Giữa khung cảnh non xanh nước biếc, tận hưởng hương vị chua ngọt dịu, cay cay của tôm, cá muối, thật hấp dẫn còn gì bằng!

Còn nếu ghé qua vùng biên cương xứ Lạng, bên cạnh chiêm ngưỡng mùa vàng nơi thung lũng Bắc Sơn hay chinh phục đỉnh Mẫu Sơn quanh năm được mây bao phủ, du khách cũng nên thưởng thức món khâu nhục của đồng bào Nùng, Tày. Để làm khâu nhục, người đầu bếp sẽ phải chọn loại thịt ba chỉ ngon, rồi chiên sao cho phần bì thật giòn, đem tẩm ướp với mắc mật, húng lìu, hạt tiêu, nếu có thêm một chút nước tương MAGGI cũng sẽ càng đậm vị và dậy mùi hơn. Thịt được hầm phải 3 - 5 tiếng dưới ngọn lửa liu riu thì mới đạt đến độ mềm như tan trong miệng. Qua bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc Nùng, Tày, món khâu nhục không chỉ níu chân thực khách bởi hương vị thơm ngon mà còn ở cả cách trình bày độc đáo tựa như những ngọn đồi, thể hiện ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt của con người nơi đây.

Bản đồ ẩm thực của miền núi phía Bắc vô cùng đa dạng, như một bức tranh đa sắc khảm những viên ngọc quý của núi rừng, của thác ghềnh. Vì vậy, lưu giữ và bảo tồn nét văn hoá ẩm thực nơi đây cũng là lưu giữ và bảo tồn truyền thống và bản sắc văn hóa độc đáo của quê hương, góp phần tạo nên đời sống tâm hồn phong phú, đầy sắc màu của người Việt.

88 năm qua MAGGI đã trở thành bạn đồng hành của biết bao thế hệ người tiêu dùng Việt thông qua việc gắn kết gia đình và cộng đồng với những món ăn ngon. Nhận thấy rằng ẩm thực Việt Nam không chỉ đa dạng, phong phú với những công thức chế biến mà còn là một nét văn hóa tự nhiên được hình thành trong cuộc sống, MAGGI và Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chung tay hợp tác trong đề án "Biến tấu - Vạn nguyên liệu, Nấu triệu món Việt" giúp bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hoá - ẩm thực của 63 tỉnh thành. Bất kỳ ai cũng có thể biến tấu món ngon từ nguyên liệu địa phương để cùng góp phần gìn giữ và nâng tầm nét đẹp Việt. Cùng nhau, chúng ta hãy tạo nên bản đồ ẩm thực lớn nhất Việt Nam - THAM GIA NGAY!

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 05/10/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT