Tin tức - Sự kiện

Hà Nội 36 phố phường và nền ẩm thực “xa là nhớ”

Cập nhật: 04/10/2023 09:26:50
Số lần đọc: 662
(TITC) - Nhà văn Vũ Bằng từng viết trong tập tản văn kinh điển “Miếng ngon Hà Nội” rằng: “Ôi là miếng ngon Hà Nội! Cái ngon thiên hình vạn trạng làm cho người ta cảm thấy say sưa cuộc sống còn”. Cùng với biết bao câu chuyện về những anh hùng dựng nước, những danh lam thắng cảnh, những công trình vẫn còn lại sau bao cuộc biến thiên lịch sử, nền ẩm thực là một trong những niềm tự hào của người dân đất kinh kỳ, là nơi thể hiện tính cách tao nhã, cốt cách phong lưu của người Tràng An.
Hồ Hoàn Kiếm (còn gọi là Hồ Gươm) thu hút du khách với vẻ đẹp cổ kính, nên thơ
 
Bốn mùa ẩm thực của núi sông Hà Nội
 
Nằm ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hà Nội vốn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, được thiên nhiên ưu ái với “địa hình rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng”, “đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi” như lời của Vua Lý Thái Tổ khi dời đô về Thăng Long. Vừa có núi non, lại vừa có con sông Hồng bao quanh nuôi dưỡng đất đai màu mỡ, Hà Nội có sẵn một nguồn nguyên liệu ẩm thực vô cùng phong phú, từ ẩm thực vùng núi đến ẩm thực đồng bằng cùng các loại thuỷ hải sản nước ngọt. 
 
Sự đa dạng ẩm thực Hà Nội còn đến từ khí hậu nhiệt đới gió mùa với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Vào mùa hè thì ánh nắng ngập tràn, vào mùa rét thì lạnh cắt da, nhờ vậy mà người Hà Nội luôn chú trọng mùa nào thức nấy, có những đặc sản chỉ có thể được thưởng thức vào một thời điểm nhất định trong năm, chẳng hạn như món rươi mỗi năm chỉ “tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng 5” mới có.
 
 
Bên cạnh đó, Hà Nội từng có tên gọi dân gian là Kẻ Chợ, nghĩa là vùng đất nơi quanh năm buôn bán đều tấp nập. Bởi vậy mà nơi đây luôn nhộn nhịp người từ muôn phương đến làm ăn, sinh sống. Ngoài dân tộc Kinh, Hà Nội còn có đồng bào người Mường, người Tày, người Thái, người Nùng, với rất nhiều những làng văn hoá rải rác ở thủ đô, cùng nhau tạo nên một nền ẩm thực vô cùng giàu có, khác biệt. 
 
Với lịch sử kéo dài cả thiên niên kỷ, thành phố lưu giữ những phong tục văn hoá, nét đẹp tâm linh cùng vô vàn các lễ hội dân gian hàng năm đều thu hút rất nhiều du khách cả trong nước và quốc tế, như lễ hội chùa Hương, lễ hội Cổ Loa, lễ hội Gióng, lễ hội gò Đống Đa… Mỗi dịp lễ hội cũng là nơi ta được thưởng thức các món ăn cầu kỳ, tinh tế mang phong vị riêng của người Tràng An.
 
 
Ẩm thực Hà Thành - linh hồn ẩm thực Việt
 
Khi nói về ẩm thực Hà Nội, thực khách thường dùng từ “tinh tế”. Tinh tế trong cách chọn nguyên liệu, tinh tế trong việc kết hợp các loại gia vị thuộc tính nóng - lạnh khác nhau, tinh tế trong từng khâu chế biến, tinh tế trong cả cách bày biện, cách ăn uống. Là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, Hà Nội là đại diện của truyền thống ẩm thực luôn hướng về gia đình, về cộng đồng của người dân Việt Nam. Một bữa ăn với người Hà Nội không chỉ là thời điểm để ăn, mà còn là dịp để mọi người cùng ấm cúng quây quần.
 
Cái ngon Hà Nội là cái ngon thiên hình vạn trạng. Không thể kể xiết những món ăn nhất định phải thử khi ở Hà Nội, nhưng nếu chỉ có thể chọn ra một vài món thì đầu tiên, không thể không nhắc tới bún thang Hà Nội. Có nhiều cách giải thích về ý nghĩa cái tên “bún thang”, có người thì cho rằng bởi món ăn này được tạo nên từ rất nhiều nguyên liệu, nào là thịt gà, giò, tôm, củ cải khô, trứng tráng, nấm, hành, rau răm, để nấu được đòi hỏi sự tỉ mỉ khi cân đo từng thang thuốc. Lại có người cho rằng bún thang là một phiên bản của món “Đán hoa thang” trong cung đình. 
 
 
Một món ăn nữa đã trở thành biểu tượng của Hà Nội là chả cá Lã Vọng. Đây là một trong số những món ăn truyền thống hiếm hoi mà người ta còn biết được tận cội rễ. Chuyện kể rằng vào một ngày năm 1871, vợ của một người thợ sơn tên là Đoàn Xuân Phúc sống tại số nhà 14 Hàng Sơn (nay là phố Chả Cá) đã mua được con cá lăng lớn. Bà nướng chả đãi khách, không ngờ món ăn lại được ưa thích vô cùng. Để có được món chả cá chuẩn vị Hà Nội, phải đảm bảo thịt cá được lọc kỹ xương, cá được tẩm ướt kỹ rồi rán lại trong chảo mỡ đến khi vàng thơm, ngấm gia vị, ăn cùng rau thì là và hành hoa, kết hợp cùng bún và mắm tôm để tạo nên hương vị hài hoà, ngon khó quên.
 
Món ăn tiếp theo đặc trưng cho ẩm thực Hà Nội là ngan nướng riềng mẻ/ sả. Riềng và mẻ là hai gia vị miền Bắc, nếu như riềng cay nồng, tính nóng thì mẻ thanh chua, tính mát, kết hợp với nhau hết sức cân bằng. Việc làm món ăn này giờ đây dễ dàng hơn khi các đầu bếp có thể thêm dầu hào - hạt nêm MAGGI cùng nước tương MAGGI đậm đặc để món ăn đạt được sắc thái hương vị đúng như các quán ăn lâu năm.
 
 
Cuối cùng, với người Hà Nội xa xứ, có lẽ chẳng có món ăn nào lại gây thương nhớ như phở bò Hà Nội, món ăn được ví như một “bản giao hưởng hương vị”. Một buổi sáng dậy sớm, xuống phố, được thưởng thức một bát phở bò nóng, thơm phức với những miếng thịt bò tươi mềm, sợi phở trắng ngần và những bó hành hoa xanh ngắt, thực không còn gì “Hà Nội” bằng. Không chỉ là một món ăn, phở được coi như biểu tượng về nét ăn uống thanh lịch và lòng hiếu khách của người Việt.
 
Nét thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội
 
Nói về ẩm thực Hà Nội không chỉ là nói về những món ăn. “Hà Nội ngon không mãi chỉ ngon về những miếng ngon đặc biệt, nhưng ngon từ cách ăn uống ngon đi, ngon từ cách rao hàng quà ngon xuống, ngon từ cách trình bày ngon tới, ngon từ cách thái miếng thịt, chia miếng bánh ngon lui”, vẫn là nhà văn Vũ Bằng viết về sự sành sỏi, thanh lịch của người Hà Nội.
 
Người Hà Nội cẩn thận từ việc nêm nếm gia vị sao cho hài hoà, nhất là không bao giờ được thiếu dù chỉ một loại rau thơm hay một ly chè tráng miệng sau khi ăn xong.
 
Với những ai đã từng được nếm những món ăn Hà Nội và thưởng thức cung cách ăn của con người nơi đây, ký ức ấy sẽ lưu giữ đến mãi mãi, như một bài thơ tao nhã, cổ kính mà cũng rất thời đại.
 

88 năm qua MAGGI đã trở thành bạn đồng hành của biết bao thế hệ người tiêu dùng Việt thông qua việc gắn kết gia đình và cộng đồng với những món ăn ngon. Nhận thấy rằng ẩm thực Việt Nam không chỉ đa dạng, phong phú với những công thức chế biến mà còn là một nét văn hóa tự nhiên được hình thành trong cuộc sống, MAGGI và Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chung tay hợp tác trong đề án "Biến tấu - Vạn nguyên liệu, Nấu triệu món Việt" giúp bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hoá - ẩm thực của 63 tỉnh thành. Bất kỳ ai cũng có thể biến tấu món ngon từ nguyên liệu địa phương để cùng góp phần gìn giữ và nâng tầm nét đẹp Việt. Cùng nhau, chúng ta hãy tạo nên bản đồ ẩm thực lớn nhất Việt Nam - THAM GIA NGAY!
 
 
Trung tâm Thông tin du lịch

 

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 03/10/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT