Tin tức - Sự kiện

Lên miền đất Tây Nguyên huyền ảo để khám phá hương vị của núi rừng

Cập nhật: 19/10/2023 08:52:53
Số lần đọc: 681
(TITC) - Ai đã từng đến Tây Nguyên một lần hẳn ấn tượng với không khí trong trẻo hoang sơ của núi rừng đại ngàn, những thác nước lung linh đầy kiêu hãnh, một Tà Đùng yên bình thơ mộng hay những cánh rừng già có tuổi đời hàng trăm năm. Không chỉ có thế, ẩm thực Tây Nguyên với tinh hoa của núi rừng là dấu ấn khó quên cho những ai từng một lần ghé thăm và thưởng thức.

Tây Nguyên huyền ảo với những cánh rừng thông ẩn hiện trong sương

Tây Nguyên - viên ngọc giữa đại ngàn

Đến Tây Nguyên là bước vào xứ sở của những cánh rừng già. Nhà văn Trung Trung Đỉnh, người có nhiều năm gắn liền với Tây Nguyên từng viết: “Đối với bà con các dân tộc Tây Nguyên, rừng là tất cả. Cuộc sống của con người ở nơi đây nương tựa vào rừng. Không ai yêu rừng, tôn trọng rừng và giữ rừng hơn họ, bởi chính họ là những đứa con thiêng của rừng.” Văn hoá núi rừng cũng để lại một dấu ấn sâu đậm trong văn hoá ẩm thực Tây Nguyên.

Tây Nguyên có độ cao khoảng 600m so với mực nước biển, hai mùa mưa - khô rõ rệt và địa hình đất đỏ bazan màu mỡ được tạo thành từ quá trình hoạt động địa chất của lớp vỏ Trái Đất. Nơi đây được biết đến là một trong những “thủ phủ” của các loài cây như cà phê, chè, cao su, hồ tiêu… lớn nhất cả nước. Với những du khách yêu thích thiên nhiên, vùng cao nguyên rộng lớn và xinh đẹp này là điểm đến lý tưởng khi sở hữu những rừng cà phê uốn lượn, những vườn hồ tiêu bát ngát hay những vạt đồi thông hùng vĩ.

Đặt chân tới Tây Nguyên, ngoài cảnh sắc núi rừng bao la, du khách cũng được hòa mình vào đời sống văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc người Gia Rai, Ê đê, Xơ Đăng, Ba Na, M’Nong, Cơ Ho, Mạ... Mỗi dân tộc lại lưu giữ biết bao những truyền thống tốt đẹp, các nghề thủ công cổ xưa và cả những câu chuyện văn hóa ẩm thực gắn liền với thiên nhiên. 

Vẻ đẹp đa dân tộc trong ẩm thực Tây Nguyên

Núi rừng là âm hưởng cốt lõi trong các giá trị văn hóa của Tây Nguyên, hiện hữu trong các công trình kiến trúc từ nhà rông tới nhà dài, từ tượng gỗ tới rượu cần, đi sâu vào văn hóa, nếp sống và cả cách ăn uống, chế biến của con người nơi đây. 

Thưởng thức một bữa cơm của đồng bào các dân tộc, du khách hẳn sẽ được nếm thử rất nhiều loại gia vị đặc biệt và chủ yếu đều đến từ rừng. Đó là lá Hdang re có vị ngọt, lá Dvam bal có vị chát, lá pung yao có vị chua để từ đó, người dân sáng tạo ra bao món ăn hấp dẫn như canh cà đắng, cá lóc nấu kiến vàng, gà nướng ống tre, lá mì xào, canh thập cẩm, muối kiến vàng… 

Bạn nhất định sẽ choáng ngợp trước đĩa gỏi lá ở Kon Tum dùng từ 30 - 70 loại lá để gói, trong đó ngoài những loại lá dễ tìm như chùm ruột, ngũ gia bì, lá sung, lá ổi, lá xoài, đinh lăng, càng cua, tía tô, lá mơ, lá cải, còn nhiều loại lá chỉ có ở Tây Nguyên như lá trâm, ngành ngạnh đỏ, mật gấu, lá bứa, từ đại bi… Một miếng gỏi lá đúng điệu hội tụ đủ hương vị thanh mát, ngạt ngào mùi cây lá, ngọt béo của tôm, thịt tươi, và đủ cả vị chua, thơm, nồng, chát của gia vị hòa lẫn để tạo nên dư vị khó quên về một món ăn đậm chất núi rừng Tây Nguyên.

Ăn gỏi lá là một trải nghiệm vô cùng đặc sắc: thực khách phải xếp lá lớn ở dưới, lá nhỏ ở trên, rồi khéo léo cuốn với tôm, thịt và chấm vào chén nước chấm làm từ gạo nếp lên men. Sự độc đáo của gỏi lá đã khiến món ăn đậm chất núi rừng này được xếp vào một trong 10 món ăn Việt Nam đạt giá trị tinh hoa ẩm thực của châu Á.

Cách chế biến của đồng bào dân tộc Tây Nguyên cũng mang âm hưởng của núi rừng. Họ thường sử dụng những công cụ dân dã như ống tre, nứa, bương, vầu, lá chuối, bếp than củi… khiến cho món ăn lúc nào cũng phảng phất hương vị nguyên sơ. Có thể kể đến món cơm lam - món ăn truyền thống đậm chất dân dã của dân tộc Gia Rai, Ba Na. Gạo sau khi vo sạch, ngâm cho nở và cho vào ống tre, một đầu ống được bịt kín bằng lá chuối và nướng trên bếp lửa. Khi thấy cháy đều hết lớp vỏ màu xanh bên ngoài cũng là lúc cơm trong ống đã chín, tỏa ra mùi thơm ngọt của gạo kết hợp với hương khói bếp nồng nàn. Cơm lam được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ăn kèm với thịt nướng, thịt kho hay đơn giản là chấm chút muối vừng đậm đà. Không chỉ là món ăn dân dã đặc trưng mà cơm lam còn gói ghém cả hương vị núi rừng và tấm lòng của người dân miền sơn cước đối với du khách khi đến quê hương mình.

Một món ăn dân dã được yêu thích ở Tây Nguyên là đặc sản cá tầm nấu măng của tỉnh Kon Tum. Món ăn này ngon nhất khi dùng cá tầm ở Măng Đen, đem nấu với với măng củ, cà chua, dứa xanh cùng các gia vị ớt tươi, tỏi, hành khô, mùi tàu, hành hoa. Các loại gia vị này cân bằng với vị cá tầm béo ngậy, tạo nên một món ăn không những ngon miệng mà còn bổ dưỡng, là món ăn phổ biến trong các bữa cơm hàng ngày của đồng bào dân tộc.

Một nét độc đáo làm nên sức hấp dẫn của ẩm thực Tây Nguyên là các món ăn được làm từ nguyên liệu khá đặc biệt - côn trùng. Với người dân Tây Nguyên, những loại côn trùng như kiến vàng, sâu muồng, ve sầu… đã trở thành món ăn quen thuộc, cùng cách chế biến độc đáo và bàn tay khéo léo, ẩm thực Tây Nguyên từng bước ghi dấu ấn trong lòng du khách.

Dù ban đầu có thể hơi kỳ lạ, nhưng chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng mê mẩn những món ăn này, như canh chua kiến vàng của người dân Ê Đê. Người dân Ê Đê coi những ổ kiến vàng có trứng là “lộc rừng”, và hàng năm cứ vào mùa mưa từ tháng 5 trở đi, họ lại cùng nhau đi săn kiến vàng. Vị chua của món canh không đến từ lá giang hay lá me, mà đến từ chính loài kiến vàng bản địa nhỏ bé nhưng giàu dinh dưỡng, ăn một lần sẽ để lại ấn tượng khó phai.

Một món ăn khác cũng lạ miệng không kém là đọt mây xào lá bép của đồng bào M’Nong. Đọt mây (hay măng mây) khi mới ăn thì có vị đắng, nhưng khi nhai kỹ thì vị đắng sẽ dần tan đi, để lại một hậu vị ngọt bùi, quyện với mùi thơm của lá bép và vị cay của ớt, khiến du khách say lòng từ lúc nào chẳng biết.

Du khách lên Đà Lạt, Lâm Đồng cũng đừng quên ghé vào một quán bánh ướt lòng gà giữa những con phố mờ ảo trong sương. Bánh ướt mềm ăn cùng thịt gà xé phay, lòng gà quyện trong vị nước chấm chua ngọt, nhâm nhi trong cái se lạnh của Đà Lạt thì thực ấm lòng. Hoặc nếu có dịp tới Gia Lai, bạn nhất định phải ghé một quán phở khô, thương hiệu của vùng đất này. Sợi phở khô tròn mảnh chứ không dẹt. Một phần ăn gồm một tô phở khô, nước dùng, rau giá ăn kèm cùng một chén tương đen. Những món ăn này càng đậm đà hơn khi sử dụng thêm các loại nước tương - hạt nêm - dầu hào từ MAGGI.

Rừng núi đại ngàn cũng mang đến cho Tây Nguyên một thức uống đặc trưng, được mệnh danh là “bí mật của rừng”: rượu cần. Không cao sang, cầu kỳ, chất liệu làm nên rượu cần Tây Nguyên là sản vật của đất và nước, núi và rừng Tây Nguyên như gạo nếp, bắp, mì, khoai… hòa quyện với chất men được cất lên từ tinh túy của một số lá cây, rễ cây rừng quý. Rượu cần được tinh chế từ các loại lá, rễ, vỏ cây trong rừng, vị rượu thật êm, khiến người đồng bào truyền tai nhau rằng, rượu cần “uống vào chỉ vui, không giận”. Một buổi tối lạnh giá, cùng bạn bè quây quần thưởng thức rượu cần thì còn gì vui hơn.

Với bao vẻ đẹp kỳ lạ khiến ta mê say và ngỡ ngàng, Tây Nguyên thấp thoáng hiện ra như một miền đất huyền ảo, nơi du khách được chìm đắm trong sự hùng vĩ của đại ngàn, sự giàu có của văn hoá, sự phong phú của ẩm thực. Vùng cao nguyên ấy níu chân ta chẳng bằng những cầu kỳ, xa hoa, mà bằng những gì mộc mạc nhất, nguyên sơ nhất. 

88 năm qua MAGGI đã trở thành bạn đồng hành của biết bao thế hệ người tiêu dùng Việt thông qua việc gắn kết gia đình và cộng đồng với những món ăn ngon. Nhận thấy rằng ẩm thực Việt Nam không chỉ đa dạng, phong phú với những công thức chế biến mà còn là một nét văn hóa tự nhiên được hình thành trong cuộc sống, MAGGI và Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chung tay hợp tác trong đề án "Biến tấu - Vạn nguyên liệu, Nấu triệu món Việt" giúp bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hoá - ẩm thực của 63 tỉnh thành. Bất kỳ ai cũng có thể biến tấu món ngon từ nguyên liệu địa phương để cùng góp phần gìn giữ và nâng tầm nét đẹp Việt. Cùng nhau, chúng ta hãy tạo nên bản đồ ẩm thực lớn nhất Việt Nam.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 18/10/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT