Cùng nhau tạo nền tảng đưa du lịch nông thôn trở thành động lực phát triển bền vững
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: TITC)
Hội nghị vinh dự được đón Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong; Phó Tổng Thư ký UN Tourism Zoritsa Urosevic; các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các quốc gia thành viên UN Tourism; Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; cơ quan quản lý du lịch địa phương; các tập đoàn, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Zoritsa Urosevic - Phó Tổng Thư ký UN Tourism cho biết, Hội nghị phản ánh cam kết mạnh mẽ của UN Tourism nhằm ưu tiên phát triển nông thôn như nền tảng của phát triển và sự bền vững toàn cầu. “Chúng tôi tự hào ghi nhận cam kết của Việt Nam trong việc trao quyền cho các cộng đồng nông thôn”, bà Zoritsa Urosevic nhấn mạnh.
Bà Zoritsa Urosevic - Phó Tổng Thư ký UN Tourism phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)
Bà vui mừng cho biết, Việt Nam đã chứng minh cam kết này bằng những kết quả hữu hình. Làng rau Trà Quế được công nhận là một trong Làng du lịch tốt nhất do UN Tourism bình chọn năm nay. Làng hiện đã gia nhập danh sách cùng với Tân Hóa và Thái Hải, những ngôi làng đã được công nhận vào năm 2023. Điều này phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao đời sống của cộng đồng nông thôn, bên cạnh đó vẫn bảo vệ di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên.
“UN Tourism vẫn là đối tác kiên định trong việc hỗ trợ những nỗ lực này và ủng hộ tầm nhìn của Việt Nam về phát triển du lịch bền vững”, bà Zoritsa Urosevic khẳng định.
Việt Nam ưu tiên phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn các giá trị tài nguyên
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao sáng kiến của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) cũng như sự nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Nam và các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phối hợp đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế quan trọng này tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: TITC)
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc UN Tourism đang mở rộng triển khai chương trình du lịch vì sự phát triển nông thôn nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, trao quyền cho cộng đồng và tạo việc làm. Đây là một chương trình rất ý nghĩa, phù hợp với 3 trụ cột phát triển bền vững là kinh tế - xã hội - môi trường. Điều này cũng phù hợp với chiến lược phát triển và những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Việt Nam.
Trong thời gian qua, du lịch Việt Nam được quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong 11 tháng năm 2024, du lịch Việt Nam đã phục vụ hơn 100 triệu lượt khách nội địa, đón gần 16 triệu lượt khách quốc tế, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế trong cả năm 2024.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn. Một trong những định hướng quan trọng là phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, phát triển kinh tế dịch vụ và du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương. Nhiều địa phương của Việt Nam đã khai thác thế mạnh, phát triển điểm đến nông thôn đa dạng với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc sắc, hấp dẫn.
Nhân hội nghị quốc tế quan trọng này, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị hội nghị cần có cách tiếp cận tổng thể nhằm đảm bảo thống nhất trong nhận thức, hành động về phát triển du lịch nông thôn bền vững. Mọi chiến lược phát triển cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương cùng với phát triển kinh tế.
Các đại biểu dự Hội nghị (Ảnh: TITC)
Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các mô hình tốt, cách làm hay về phát triển du lịch nông thôn. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, hợp tác công tư trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó cần thiết lập và mở rộng mạng lưới kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, tổ chức tài chính, nhà đầu tư và cộng đồng người dân.
“Với sự điều phối của UN Tourism và Mạng lưới làng du lịch tốt nhất, tôi mong muốn và tin tưởng rằng các sáng kiến và dự án phát triển du lịch nông thôn sẽ được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, tạo nền tảng vững chắc đưa du lịch nông thôn trở thành động lực phát triển bền vững cho các cộng đồng trên toàn cầu”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long bày tỏ.
Việt Nam tiếp tục cùng UN Tourism nỗ lực cho sự phát triển bền vững của du lịch nông thôn
Trân trọng cảm ơn các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Việt Nam hiện có 70% dân số sinh sống và làm việc tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, đây là vùng đất có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình thúc đẩy phát triển bền vững, du lịch Việt Nam phải dựa trên mối quan hệ giữa cộng đồng làng xã với đất nước, bảo đảm gìn giữ được bản sắc văn hóa bản làng, từ đó, hình thành được các sản phẩm mang tới cho bạn bè quốc tế trải nghiệm, đó là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch ẩm thực… của những người nông dân một nắng hai sương lam lũ làm ra, nhưng đã lay động trái tim du khách muốn được khám phá vẻ đẹp chân chất, chất phác của con người VN thân thiện, hiền hòa và mến khách.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)
Chia sẻ về những khó khăn, Bộ trưởng cho biết hầu hết các bản làng Việt Nam sinh sống ở những vùng xa xôi, làm gì để hạ tầng du lịch được phát triển một cách đồng bộ, bài toán này không đơn giản và phải nghĩ ra giải pháp trong tương lai gần; sản phẩm du lịch đã có nhưng để thực sự đặc sắc tiêu biểu, riêng biệt của từng làng cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm, bởi nhu cầu và thị hiếu của du khách ngày càng cao, chất lượng sản phẩm ngày càng phải cao hơn. Cùng với đó là phải gìn giữ được giá trị truyền thống cốt lõi trong bố cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng trong sự đan xen giữa các nền văn hóa.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu với Chính phủ Việt Nam để hoàn thiện các thể chế chính sách để thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cho du lịch nói chung trong đó có du lịch nông nghiệp nông thôn và các làng… Tập trung đổi mới sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng đặc sắc hơn, tiêu biểu hơn và riêng có của mỗi làng không trùng lặp. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số một cách mạnh mẽ để kết nối các làng và quảng bá về hình ảnh đất nước, điểm đến du lịch tại các làng. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, phục vụ tốt cho nhu cầu du lịch ngày càng cao của du khách.
“Kết quả của Hội nghị ngày hôm nay sẽ giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề nông thôn, nông nghiệp, sự chuyển động trong quá trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Chúng ta cũng nhận thức rõ rằng nông nghiệp nông thôn đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của thế giới, mang lại giá trị cốt lõi cho cộng đồng người dân mà mỗi quốc gia đều cần phải kiến tạo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hội nghị cũng đã diễn ra Phiên thảo luận cách tiếp cận sáng tạo để tìm kiếm cơ hội tài trợ, khám phá các cơ hội tài trợ tiềm năng cho khu vực nông thôn; Phiên thảo luận Làng Du lịch Tốt nhất: Đổi mới có mục đích - Tạo ra sản phẩm thay đổi cuộc sống của thanh niên, đề xuất các sáng kiến cộng đồng thành công nhằm thu hút sự tham gia của thanh niên vào hoạt động kinh doanh du lịch nông thôn; Phiên chia sẻ cảm hứng - Biến trải nghiệm du lịch thành hành động thực tế; Phiên thảo luận tiếp cận thị trường với các trải nghiệm du lịch đích thực, trao đổi cách thúc đẩy tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, giới thiệu công cụ tự đánh giá STAR của UN Tourism để hỗ trợ các điểm đến nông thôn.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)
Phát biểu tổng kết hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh khẳng định Hội nghị đã kết thúc tốt đẹp với việc nhấn mạnh vai trò của du lịch trong việc định hình sự phát triển toàn diện tại khu vực nông thôn, tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách phù hợp, tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương, chia sẻ lợi ích hài hòa và đặc biệt là thúc đẩy tính sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch. Đồng thời, đặt ra những vấn đề lớn mang tính chiến lược, từ việc tìm kiếm các giải pháp tài chính và đầu tư bền vững, tích hợp nông nghiệp vào chuỗi giá trị du lịch, cho đến việc xây dựng năng lực và trao quyền cho các nhóm yếu thế cùng tham gia phát triển du lịch.
Cục trưởng cho rằng, Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất của UN Tourism đã khép lại, tuy nhiên hành trình phát triển du lịch nông thôn của chúng ta chỉ vừa mới bắt đầu. Cục trưởng đề nghị cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách, đảm bảo du lịch nông thôn không chỉ phát triển mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng địa phương. Những mô hình tốt của Làng Du lịch Tốt nhất cần được nhân rộng, với sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan quản lý nhà nước và cả khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, cần chú trọng tới đào tạo và nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch nhằm hỗ trợ quảng bá và tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường cho điểm đến du lịch nông thôn; tăng cường kết nối, hợp tác quốc tế, tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế kết nối các cộng đồng du lịch nông thôn…
Trao giải Làng Du lịch Tốt nhất năm 2024 cho làng Trà Quế, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: TITC)
Phiên trao đổi, thảo luận tại Hội nghị (Ảnh: TITC)
Trung tâm Thông tin du lịch