Ngoại giao văn hoá là sức mạnh mềm thúc đẩy ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát triển
Toàn cảnh buổi gặp mặt (Ảnh: TITC)
Cùng dự về phía Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có Thứ trưởng Hồ An Phong; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ. Về phía Bộ Ngoại giao có Thứ trưởng Phạm Thanh Bình, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, trưởng đoàn đại biểu cùng Đại sứ, Tổng lãnh sự các nước khu vực châu Á, Trung Đông, châu Âu và châu Úc.
Nhiều “điểm sáng” trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch
Chia sẻ về những thành tựu ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngày 18/12 vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cả nước đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ 2025, trong đó ngành đã nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong lĩnh vực phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao những “điểm sáng” ngành đã đạt được trong lĩnh vực hợp tác văn hóa và rõ nhất là thay đổi cơ bản tư duy từ “giao lưu gặp gỡ” chuyển thành “hợp tác tích cực”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: TITC)
“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng tôi thấy rằng, nếu chỉ giao lưu gặp gỡ thì không đúng với quan điểm đường lối đối ngoại, phải hợp tác mới cùng phát triển, nâng cao thế mạnh như vậy vị thế của Việt Nam mới được khẳng định. Vì thế, thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký kết 02 thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ, 09 thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; các đơn vị thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký kết 19 văn bản hợp tác quốc tế với các đối tác. Trong đó nêu rõ nội dung hợp tác, đối tượng hợp tác và sản phẩm hợp tác và bám vào lộ trình này để tổ chức” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Cùng với những kế hoạch đã được triển khai trong những năm trước đây, kết quả cho thấy chất lượng đã đi vào chiều sâu, thực chất nhờ cách chuyển tư duy. Có được thành công trên không thể thiếu sự phối hợp giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài thông qua Đại sứ quán. Sự phối hợp chặt chẽ còn được thể hiện qua những chuyến công tác, chương trình làm việc… mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, thông qua tham mưu và nhận được sự đồng thuận từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các lãnh đạo chủ chốt, các đoàn thăm cấp cao, đoàn thăm chính thức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước có các hoạt động văn hóa. Các hoạt động văn hóa đã đạt được hiệu quả kép làm phong phú nội dung chuyến đi và kế thừa truyền thống ông cha từng làm là “văn hóa đi trước”, qua đó để bạn bè quốc tế hiểu thêm, biết thêm về nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm bản sắc dân tộc.
Lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL dự buổi gặp mặt (Ảnh: TITC)
Ngoài ra, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã duy trì thường niên các hoạt động Tuần văn hóa, Ngày văn hóa Việt Nam tại những địa bàn trọng điểm, trọng tâm.
“Một trong những điểm sáng trong năm qua là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã lần đầu tiên tổ chức chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh tại kinh đô Hollywood, Mỹ. Phía Mỹ và các nhà làm phim tinh hoa của thế giới đã đánh giá rất cao sự kiện này, qua đó tiến hành ký kết với nhiều địa phương. Theo số liệu chúng tôi nắm được có ít nhất 5 đoàn làm phim quốc tế sẽ đến Việt Nam”, Bộ trưởng vui mừng cho biết.
Sau Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần đầu tiên được Thủ tướng chủ trì, lĩnh vực du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn đã có sự phát triển một cách tích cực. Từ đó mang lại ý thức tự hào cho người dân. Dẫn ví dụ về buổi hòa nhạc của nhóm nhạc Blackpink tại Việt Nam hồi năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong năm 2024, hai chương trình biểu diễn của “Anh trai say hi” cùng “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã phá vỡ con số kỷ lục được tạo ra của ban nhạc Hàn Quốc. Đây là minh chứng cho sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Các Đại sứ, Tổng lãnh sự tại buổi gặp mặt (Ảnh: TITC)
Nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để văn hoá, thể thao và du lịch phát triển cũng đã được thông qua, trong đó có chủ trương xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài theo hướng ưu tiên các quốc gia có đông kiều bào, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Khi hoàn thành các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, sự hiện diện văn hóa Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy, đồng thời trở thành ngôi nhà chung của kiều bào Việt Nam.
Các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận và đánh giá cao sự hiện diện và tham gia của Việt Nam. “Vừa rồi, chúng ta đã tạo tiếng vang lớn khi phối hợp cùng Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc (UN Tourism) lần đầu tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn tại Hội An (Quảng Nam) với hơn 300 đại biểu quốc tế đến từ hơn 50 quốc gia tham dự. Qua sự kiện có thể nói chúng ta đã đi đúng hướng” - Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, hoạt động văn hóa ở nước ngoài ngày càng có chiều sâu. Sự chuyển biến tư duy đã trở thành khẩu hiệu hành động, được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, mang về hiệu quả cao.
Công tác ngoại giao văn hoá luôn là hoạt động được các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài quan tâm, chú trọng
Chúc mừng những thành tựu ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đạt được trong thời gian qua, ông Phạm Thanh Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, trưởng đoàn công tác cho biết, các Đại sứ luôn nhận thức rõ trọng trách của mình, trong đó công tác ngoại giao văn hoá luôn được chú trọng. Thời gian qua công tác ngoại giao văn hóa đã có những bước chuyển biến rõ nét, đặc biệt trong tư duy, phối hợp hoạt động triển khai các sự kiện.
Ông Phạm Thanh Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, trưởng đoàn công tác phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: TITC)
Việc phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ rất quan trọng. Vì vậy trong thời gian tới, hai Bộ sẽ tích cực hợp tác hơn nữa để hoạt động ngoại giao văn hoá sẽ phát triển đi vào chiều sâu hơn nữa.
Các đại sứ đã đóng góp ý kiến, nêu ra những khó khăn, thuận lợi trong công tác phát triển ngoại giao văn hóa tại mỗi quốc gia phụ trách; đồng thời, đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục hỗ trợ về các sản phẩm quảng bá nhằm tạo điều kiện tốt hơn trong công tác ngoại giao văn hóa.
Các Đại sứ, Tổng lãnh sự phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: TITC)
Chia sẻ về lĩnh vực du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, năm 2024, Du lịch Việt Nam đã đón trên 17 triệu lượt khách quốc tế, hoàn thành mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Đây thực sự là con số tăng trưởng khách rất ấn tượng. Năm 2025, ngành Du lịch đặt ra mục tiêu đón từ 20 - 23 triệu lượt khách quốc tế.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch trong năm 2025 là tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia - Huế và Festival Huế. Đồng thời dự kiến, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch tại một số nước châu Âu.
Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: TITC)
Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị các đại sứ nghiên cứu, đóng góp ý kiến để Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mở các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Hiện nay, có một số doanh nghiệp du lịch có thương hiệu của Việt Nam đã mở văn phòng đại diện ở nước ngoài. Việc phối hợp theo cơ chế hợp tác công-tư có thể giúp những địa điểm trên trở thành cánh tài nối dài, trung tâm quảng bá, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa.
Thúc đẩy phối hợp ngoại giao và văn hoá để tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam tươi đẹp đến bạn bè quốc tế
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao sẽ ký kết hợp tác ngay vào đầu năm 2025 để tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao văn hoá. Cũng trong năm sau, Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tập trung vào những hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, sẽ tham gia Triển lãm thế giới EXPO 2025 Osaka, Kansai tại Nhật Bản.
Bộ trưởng tặng quà kỷ niệm các Đại sứ, Tổng lãnh sự (Ảnh: TITC)
Ngành sẽ tập trung lực lượng để tham gia SEA Games 2025 ở Thái Lan. Sự kiện không chỉ quan trọng về chuyên môn, mà còn là dịp để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN, trong đó mỗi vận động viên sẽ là một đại sứ văn hóa.
Bên cạnh đó tổ chức một số Ngày văn hóa, Tuần văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia. Đồng thời Bộ sẽ hoàn thiện các đề án hình thành các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để bảo cáo cấp có thẩm quyền.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ hoàn thành dự án số hóa di sản. Với việc hoàn thành dự án trên, việc chuyển giao các ấn phẩm, sản phẩm quảng bá du lịch sẽ rất thuận tiện. Bộ trưởng đề nghị các Đại sứ kiến nghị với Chính phủ tiếp tục cải tiến chính sách visa, tạo thuận lợi cho khách du lịch đi lại, thiết lập đường bay thẳng góp phần kích cầu du lịch, đồng thời mong muốn các Đại sứ sẽ thực hiện các công việc nhỏ nhất từ tình yêu lớn nhất, để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong đó có việc góp phần lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL và các Đại sứ, Tổng lãnh sự chụp ảnh kỷ niệm tại trụ sở Bộ VHTTDL (Ảnh: TITC)
“Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ luôn đồng hành cùng các đồng chí cho mục tiêu giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, thân thiện, hiền hòa tới bạn bè quốc tế. Từ đó góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Trung tâm Thông tin du lịch