Hoạt động của ngành

Đà Nẵng: Chuyển đổi số để thu hút khách du lịch

Cập nhật: 20/01/2022 04:53:36
Số lần đọc: 677
Để thích ứng với xu thế cũng như thị hiếu của du khách, ngành du lịch đang nỗ lực để thay đổi, bổ sung, làm mới các sản phẩm, tiện ích du lịch, trong đó có hoạt động chuyển đổi số.  


Chuyển đổi số ngày càng được triển khai sâu rộng trong ngành du lịch. TRONG ẢNH: Du khách trải nghiệm ứng dụng VR 360 “Một chạm đến Đà Nẵng” tại Hội nghị ngành du lịch ngày 05/01. Ảnh: Thu Hà

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Du lịch đã chủ động xây dựng dự thảo kế hoạch chuyển đổi số ngành du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung các nội dung xoay quanh 3 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Thời gian qua, sở đã và đang triển khai hệ thống giám sát du lịch thông minh, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của ngành, tham mưu UBND thành phố thí điểm thẻ du lịch thông minh; công bố và ra mắt ứng dụng VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng” - sản phẩm hoàn toàn mới của du lịch Đà Nẵng để hướng tới chuyển đổi số trong hoạt động du lịch...

Mới đây, Sở Du lịch phối hợp Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel ra mắt Sàn thương mại điện tử kết hợp triển lãm ảo du lịch. Đây là một trong những giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, chống thất thu thuế, tăng hiệu quả quản lý Nhà nước và tăng doanh thu cho doanh nghiệp thông qua tiếp cận nhiều du khách. Các đối tượng tham gia sàn thương mại điện tử gồm du khách, đại lý du lịch, cơ quan Nhà nước và nhà cung cấp dịch vụ. Du khách có thể tìm kiếm điểm đến, khách sạn, tour, nhà hàng, đặc sản, lên kế hoạch chuyến đi, thanh toán trực tuyến và tương tác trên mạng xã hội với cơ quan quản lý Nhà nước, đội ngũ hỗ trợ...

Các doanh nghiệp có thể quản lý dịch vụ, đặt dịch vụ (booking), tìm nhà cung cấp, khách hàng thuận lợi hơn và du khách có thể tìm kiếm điểm đến, khách sạn, tour, lên kế hoạch chuyến đi và thanh toán trực tuyến… Trong năm đầu (2022), Sàn thương mại điện tử kết hợp triển lãm ảo du lịch sẽ miễn phí giao dịch, phí quảng cáo, phí tham gia. Từ tháng 01/2022, sàn hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp du lịch làm quen, tiếp cận, đưa sản phẩm lên sàn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, Sàn thương mại điện tử kết hợp triển lãm ảo du lịch được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu và học hỏi các mô hình tiên tiến trên thế giới, ứng dụng công nghệ 4.0 mới, hiện đại nhất. Hệ thống phát triển trên một nền tảng kiến trúc bền vững, phù hợp theo yêu cầu đặc thù riêng của Đà Nẵng, cá nhân hóa cho mọi đối tượng người dùng như: du khách, hướng dẫn viên du lịch, các cộng đồng doanh nghiệp lữ hành dịch vụ, cơ quan quản lý Nhà nước...

“Dịch bệnh đã làm thay đổi các hoạt động đời sống xã hội, hoạt động du lịch cũng bị tác động, do đó, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số là cách phù hợp để giúp ngành du lịch có thể chuyển đổi, thích ứng nhanh với tình hình mới. Đây cũng là sự lựa chọn với việc chủ động linh hoạt, sáng tạo không chỉ giúp tiếp cận nguồn khách hàng, mang lại nguồn thu lớn cho Đà Nẵng mà còn trở thành đòn bẩy cho sự phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố”, ông Nguyễn Ngọc Linh phân tích.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú phải xây dựng các giải pháp linh hoạt, đổi mới sáng tạo để từng bước khôi phục hoạt động du lịch. Có thể triển khai chuyển đổi số trong hoạt động du lịch bằng cách xây dựng mô hình khách sạn, nhà hàng thông minh; xây dựng lộ trình hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khách sạn, dịch vụ, nhà hàng. Các doanh nghiệp cần kết nối với các đối tác để tiếp cận các nền tảng ứng dụng từ các nhà cung cấp chuyên nghiệp và có mức giá ưu đãi hơn; áp dụng các công nghệ trong hoạt động kinh doanh tiếp thị, sử dụng các nền tảng trực tuyến, sự kiện trực tuyến. Cùng với đó, cần sớm số hóa toàn bộ hệ thống quản trị nguồn nhân lực, hệ thống quản lý nhân sự trên nền tảng đám mây; đơn giản hóa các thủ tục nhân sự hành chính với các nền tảng ứng dụng của mobile và webside; giải pháp quản lý công việc và chất lượng dịch vụ thông qua sự phối hợp, tương tác giữa các bộ phận, phòng ban, từ nhân viên đến quản lý cấp cao thông qua các ứng dụng...

Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết thêm, bên cạnh các ứng dụng chuyển đổi số trước đó, việc ra mắt Sàn thương mại điện tử kết hợp triển lãm ảo du lịch là để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận khách hàng và quảng bá sản phẩm du lịch. Tới đây, ngành du lịch sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch thông qua Cổng thông tin du lịch; ứng dụng DanangFantasticity... Sở đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch, cán bộ, người lao động của sở và sẽ tiếp tục kết nối với các chuyên gia, doanh nghiệp lĩnh vực chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong thời gian đến.

Nhật Hạ

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Cùng chuyên mục