Hoạt động của ngành

Đà Nẵng: Phát triển các chợ truyền thống thành chợ du lịch theo hướng hiện đại

Cập nhật: 24/05/2024 15:41:57
Số lần đọc: 541
Với định hướng đưa các chợ truyền thống thành điểm tham quan mua bán hấp dẫn khách du lịch, Đà Nẵng triển khai chuỗi hoạt động thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử tại các chợ lớn trên địa bàn nhằm quảng bá sản phẩm.


Để triển khai kế hoạch, bước đầu, tiểu thương 4 chợ gồm chợ Cồn, chợ Hàn, chợ đầu mối Hòa Cường sẽ được tập huấn, đào tạo kỹ năng livestream bán hàng, kỹ năng giao tiếp, văn minh thương mại.

Qua hình thức livestream sẽ quảng bá đến người dân, du khách về các sản phẩm tiêu biểu tại 4 chợ lớn của Đà Nẵng.

Tiếp đó, từ tháng 6.2024, Sở Công thương TP sẽ tổ chức lễ phát động “Chợ livestream bán hàng Đà Nẵng 2024” tại khu vực chợ Cồn, tạo kênh TikTok shop, lập quầy hàng livestream để quay video quảng bá sản phẩm các chợ.

Tiểu thương chợ Cồn giới thiệu đặc sản địa phương với khách Hàn Quốc

Theo quy định, tổ chức, cá nhân tham gia phải đảm bảo các sản phẩm, hàng hóa đáp ứng đủ điều kiện nhãn mác, quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Các doanh nghiệp, tiểu thương được hướng dẫn và hỗ trợ tham gia bán hàng livestream, các TikToker cũng sẽ được thuê cùng livestream bán hàng chợ Cồn.

Ủng hộ áp dụng các hình thức hỗ trợ hiện đại trong giao dịch, mua bán hàng hóa, chị Trịnh Thị Thủy (tiểu thương chợ Cồn) cho rằng:

“Ngày nay, việc ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong kinh doanh bán hàng là rất cần thiết. Việc Đà Nẵng triển khai quảng bá sản phẩm bằng hình thức livestream sẽ hỗ trợ các tiểu thương trong việc từng bước tháo gỡ khó khăn trước áp lực cạnh tranh với xu thế bán hàng mới”.

Ông Nguyễn Văn Trừ - Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết đã chọn ra 70 tiểu thương chợ Cồn và khoảng hơn 30 tiểu thương người ở các chợ còn lại để tập trung đào tạo kỹ năng livestream bán hàng.

Chợ Hàn cũng là chợ đông khách du lịch quốc tế nhưng tiểu thương chợ Hàn hầu hết đều giao tiếp được bằng tiếng Anh, Hàn, Trung nên rất thuận tiện cho việc giao dịch, buôn bán.

“Chúng tôi đã quán triệt với các tiểu thương, bán theo kiểu truyền thống hay livestream thì cũng phải đảm bảo văn minh thương mại và chất lượng hàng hóa”, ông Trừ nói.

Chợ Hàn tấp nập, đông đúc khách các quốc gia

Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, các chợ truyền thống được phân bố tương đối đều khắp các quận, huyện. Các chợ có quy mô lớn như chợ Cồn, chợ Hàn (quận Hải Châu), các chợ ven sông Hàn, chợ Túy Loan (H. Hòa Vang) đều có thể trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc vì mang tính chất đặc trưng, lâu đời, phong phú về sản phẩm.

Trong đó, chợ Cồn là một trong những chợ hình thành lâu nhất tại Đà Nẵng có diện tích rộng rãi và tập trung hơn 2.000 hộ kinh doanh với đủ loại hàng hóa phẩm phong phú, đa dạng.

Các chợ ven bờ sông Hàn như chợ Hàn, chợ Bắc Mỹ An, chợ An Hải Đông, chợ An Hải Bắc, chợ Hà Thân (quận Sơn Trà) là nơi du khách có thể trải nghiệm lối sống, sinh hoạt và mua sắm sản phẩm đặc thù địa phương và miền Trung, thưởng thức ẩm thực, mua sắm và tham quan nhiều hàng thủ công mỹ nghệ.

Để phát triển một số chợ truyền thống thành điểm đến du lịch, những năm gần đây, các chợ đã được đầu tư hệ thống đèn điện, ống thoát nước, nhà vệ sinh... tạo môi trường sạch đẹp.

Như chợ Cồn, chợ Phước Mỹ, chợ Bắc Mỹ An vốn nằm trên các địa bàn du lịch, cũng đã được chính quyền địa phương quan tâm xây dựng, để trở thành những điểm đến du lịch.

Để thu hút khách du lịch, Ban Quản lý chợ Hàn đã khuyến khích các tiểu thương kinh doanh trong chợ, chuyển đổi mặt hàng tập trung vào những sản phẩm phục vụ du lịch như thời trang, quà lưu niệm, túi xách làm thủ công, mặt hàng hải sản tươi sống.

Các hộ kinh doanh được tập huấn kỹ năng bán hàng hiện đại, đảm bảo văn minh thương mại

Tại chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà), từ năm 2019 đã được sửa sang cơi nới, bổ sung xây dựng thêm nhà lồng chợ phụ và quy hoạch các bãi đậu xe cho chợ.

Bà Lê Thị Ngọc An (tiểu thương chợ Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: “Mấy năm qua nhờ được đầu tư làm mới một số hạng mục như đèn điện, ống thoát nước, nhà vệ sinh, lót lại sàn chợ bằng gạch gốm... chợ đã khang trang sạch sẽ hơn, tạo điều kiện cho bà con yên tâm bán hàng sinh sống.

Các tiểu thương cũng chấp hàng nghiêm túc quy định của ban quản lý chợ, đơn cử như quán kinh doanh hàng ăn uống đã thực hiện đổi từ bàn ghế nhựa, gỗ sang inox tạo cảm giác sạch sẽ, vệ sinh hơn”.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được các ban ngành chức năng kiểm tra thường xuyên liên tục.

Quận Sơn Trà có 7 chợ truyền thống, trong đó 3 chợ có ngành hàng ăn uống, thực phẩm chế biến sẵn, phục vụ du khách. Để đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ, nhân viên quản lý an toàn thực phẩm tăng cường giám sát, kiểm tra nhanh ngẫu nhiên mẫu thực phẩm tại quầy.

Cán bộ Ban An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng cũng thường xuyên đến các chợ lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm chuyên sâu.

Trong định hướng phát triển du lịch gắn với chợ truyền thống, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành hệ thống chợ điểm phục vụ du lịch hiện đại, mang bản sắc riêng.

Đầu tư chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Bắc Mỹ An và chợ An Hải Bắc... bảo đảm thỏa mãn các tiêu chí của chợ điểm phục vụ du lịch; thực hiện chức năng chợ dân sinh và điểm phục vụ du lịch theo hướng hiện đại.

Minh Châu

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 24/05/2024

Cùng chuyên mục