Đà Nẵng: Phát triển sản phẩm lưu niệm để quảng bá du lịch
Phát triển các sản phẩm lưu niệm góp phần mang lại doanh thu cho ngành dịch vụ và du lịch. Trong ảnh: Khách hàng tham dự hội nghị kết nối sản phẩm Đà Nẵng vào hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố năm 2022 do Sở Công Thương tổ chức ngày 17-6. Ảnh: Quỳnh Trang
Ngành du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố đang phục hồi mạnh mẽ nên nhiều đơn vị sản xuất hàng lưu niệm, quà tặng du lịch tại thành phố khôi phục lại hoạt động. Cơ sở Conomi (quận Hải Châu) là địa chỉ bán đồ lưu niệm trên địa bàn với số lượng sỉ. Những mặt hàng chủ đạo của Conomi hiện nay được đông đảo du khách trong nước và ngoài nước biết đến là hình ảnh các cây cầu của Đà Nẵng được chạm khắc tinh xảo trên mặt gỗ hoặc hình ảnh các thắng cảnh của Đà Nẵng như: cá chép hóa rồng, vòng quay mặt trời, cầu Vàng…
Anh Nguyễn Văn Bính (chủ cơ sở) cho biết, 2 năm đình trệ vì Covid-19 là khoảng thời gian anh và cộng sự đầu tư máy móc, nghiên cứu thị trường và tạo ra những sản phẩm quà tặng du lịch mới để sẵn sàng phục vụ khi du khách đông trở lại. Các sản phẩm hiện tại vẫn chủ yếu từ chất liệu gỗ nhưng được sơn màu, in màu để làm ra các mô hình sắc sảo và bắt mắt hơn. Hiện cơ sở có 12 nhân công đang làm ngày, làm đêm mới kịp đơn hàng cho đối tác.
“Từ đầu tháng 6 đến nay, chúng tôi nhận đơn hàng liên tục. Hiện sản phẩm của chúng tôi được bán tại nhà ga sân bay Đà Nẵng, chợ đêm Sơn Trà, các siêu thị, cửa hàng đặc sản và nhận phản hồi tốt từ du khách. Chúng tôi mong muốn các sản phẩm sẽ góp phần làm đa dạng, phong phú thị trường quà tặng lưu niệm mang đặc trưng của Đà Nẵng”, anh Bính chia sẻ.
Nhận thấy sản phẩm quà tặng là một trong những yếu tố có thể tăng khả năng chi tiêu, giữ chân du khách lâu dài, nhiều đơn vị đã có hướng đầu tư cho sản phẩm quà tặng, lưu niệm. Ông Hồ Nguyên Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giải pháp và Ứng dụng công nghệ Inteltech (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) đã mạnh dạn nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các sản phẩm lưu niệm du lịch (trên đá, thủy tinh, gỗ…); đơn vị cũng nghiên cứu nhiều sản phẩm/bộ sản phẩm quà tặng bằng gỗ (cũng khắc trên công nghệ cao) độc đáo để phục vụ du khách.
“Với công nghệ của máy, công ty có thể khắc hình 2D, 3D dưới bề mặt pha lê, thủy tinh tạo ra sản phẩm lưu niệm độc đáo mang hình ảnh đặc trưng của Đà Nẵng như cầu Rồng, cầu Sông Hàn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Danh thắng Ngũ Hành Sơn… Hoặc khắc chính hình ảnh của du khách. Toàn bộ quy trình cho đến khi hoàn thiện sản phẩm chỉ chưa đầy 10 phút”, ông Trường cho biết thêm.
Nhân viên siêu thị Co.opmart Sơn Trà tham khảo sản phẩm của cơ sở lưu niệm Conomi. Ảnh: Quỳnh Trang
Từ lâu, những nén nhang thơm nồng đã trở thành một trong những điều không thể thiếu và mang giá trị tâm linh trong tín ngưỡng của người Việt. Đối với người dân nhiều vùng miền, không chỉ ngày lễ, Tết, giỗ chạp mà ngay cả khi chuẩn bị đi xa, cầu may mắn, bình an... cũng thắp lên bàn thờ những nén nhang để bày tỏ tấm lòng, mong muốn của mình. Với ý nghĩa này, Công ty TNHH TM & DV Dana Elite (quận Thanh Khê) đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm từ trầm hương như: nụ trầm, nhang trầm, tim trầm, bột trầm, phụ kiện trầm…
Bà Trịnh Thị Kim Tuyến, Giám đốc công ty cho biết, hiện sản phẩm trầm hương của đơn vị đã có mặt ở 80 đại lý trên địa bàn thành phố, trong đó, hầu hết các cửa hàng đặc sản Đà Nẵng đều phân phối sản phẩm từ trầm của đơn vị. “Định hướng của công ty thời gian đến là tạo ra các sản phẩm lưu niệm nhỏ gọn, ý nghĩa, tiện lợi với khách du lịch. Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng đến đối tượng là người dân từ phương xa về thăm quê hương gia đình, họ cần mua những sản phẩm truyền thống, gắn bó hình ảnh quê hương. Đó là dòng sản phẩm mà chúng tôi muốn phát triển nhất hiện nay”, bà Tuyến thông tin.
Những món quà lưu niệm giúp lưu giữ những khoảnh khắc khó quên ở điểm đến du lịch. Theo anh Bính, sản phẩm lưu niệm không chỉ giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập mà còn thu hút du khách, quảng bá văn hóa, du lịch. “Thời gian đến, tôi dự định mở một cơ sở vừa sản xuất, vừa bán hàng cho khách tham quan. Mô hình để du khách trải nghiệm làm sản phẩm thủ công đã rất thành công ở các điểm du lịch trong và ngoài nước. Vì vậy, nhân cơ hội hoạt động du lịch đang phục hồi mạnh mẽ trên địa bàn, chúng tôi sẽ thử nghiệm mô hình này”, anh Bính chia sẻ.
Theo đánh giá từ Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng (Sở Du lịch), những sản phẩm mô hình gỗ 2D, 3D với chủ đề về Đà Nẵng thực sự đẹp mắt và phù hợp với ngành du lịch thành phố. Thông qua các mô hình này, hình ảnh Đà Nẵng sẽ được lan tỏa đến với du khách, đây là một trong những hình thức truyền thông rất tốt. Ngoài ra, chất liệu mô hình khá nhẹ, dễ vận chuyển, giá thành vừa túi tiền du khách, thích hợp để làm quà lưu niệm và trưng bày như một sản phẩm du lịch ở bất cứ đâu.
Quỳnh Trang