Non nước Việt Nam

Đặc sắc lễ hội cầu mưa của đồng bào Thái ở Sơn La

Cập nhật: 13/06/2024 11:31:57
Số lần đọc: 912
Ngoài nghệ thuật Xòe Thái độc đáo, đồng bào Thái còn sở hữu nhiều phong tục, tập quán văn hóa đặc sắc. Trong đó có lễ hội Cầu mưa của người Thái Trắng ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, mang ý nghĩa mong cầu bình an, may mắn và thịnh vượng.

Năm nào cũng vậy, cứ dịp rằm tháng 2 âm lịch, đồng bào Thái ở Mộc Châu, Sơn La lại long trọng tổ chức lễ cầu mưa. Bà Ðinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu cho biết, đối với dân tộc Thái đây là nghi lễ trọng đại nhất trong năm mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu - một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Thái nơi đây.

Lễ hội cầu mưa rất quan trọng đối với đồng bào Thái

Chẳng biết lễ cầu mưa được hình thành từ khi nào, chỉ biết rằng đồng bào Thái quan niệm rằng thần linh là những vị sẽ cai quản mưa gió. Câu chuyện về nguồn gốc nghi lễ này được nghệ nhân Lò Thị Tóm ở xã Mường Sang kể lại rằng, vào một năm nọ, đã xảy ra hạn hán trong khoảng thời gian dài, không có nước tưới tiêu mùa màng, hoa màu và vạn vật đều bị chết, dân chúng rơi vào tình trạng đói khổ lầm than. Một bà góa nuôi con khổ quá mới quyết rủ bà con đi lên xin Then nước để uống, để tưới cho cây trồng vật nuôi, dân làng cũng đồng tình và đi cùng.

Câu chuyện này lý giải vì sao trong lễ cầu mưa của người Thái ở Mộc Châu, ngoài Thầy Mo và Then thì không thể thiếu một người góa phụ đức hạnh, được dân làng yêu kính. Đối với đời sống tâm linh của người Thái, đây là nghi lễ quan trọng nhất trong năm. Gần đến ngày lễ, mọi người dân trong bản sẽ cùng tất bật chuẩn bị chu đáo các lễ vật cúng. Đó là những thực phẩm, thức ăn thường lệ có trong mỗi ngày của người dân Mộc Châu như: cơm lam, cá nướng xông khói, gà luộc, gạo nếp, trứng gà, và đặc biệt không thể thiếu cây vạn vật.

Cây vạn vật không thể thiếu trong lễ hội cầu mưa của đồng bào Thái

Người Thái quan niệm, chuẩn bị lễ cúng một cách thành kính và đủ đầy là cách để thể hiện tấm lòng của dân bản với trời đất, thần linh. Vì vậy, đêm trước ngày diễn ra lễ hội, người dân trong bản cùng tới một bãi đất rộng và dựng một cây vạn vật với những vật trang trí thể hiện sự khó khăn của cuộc sống do thiếu nước, do thời tiết không thuận lợi… Vật trang trí gồm những con chim, con ve đan bằng nan, bên cạnh những cái lồng nhỏ đặt trứng gà, vỏ ốc, vỏ trai... Chim và ve là hai loài vật sẽ mang lời khấn của dân bản tới ông Then (ông Trời), còn vỏ ốc, vỏ trai tượng trưng cho sự khô hạn.

Sáng sớm ngày chính hội, sau khi thực hiện xong các nghi thức xin thần đất để tổ chức nghi lễ, một bà góa trong xã quẩy đôi gánh buộc những ống bương đựng nước đi tới từng nhà, gọi chị em phụ nữ cùng ra mó nước để cùng thầy cúng (thầy mo) làm lễ cúng thổ địa, thần linh.

Đoàn người gồm thầy cúng và đại diện nam nữ của bản mặc những bộ trang phục truyền thống mới nhất, rước cây vạn vật, người gõ chiêng, người đánh trống, mang theo ống tre để lên mó xin nước. Trên đường đi cả đoàn nhảy múa những điệu múa truyền thống cùng chiếc khăn piêu với tâm trạng háo hức và vui mừng. Sau cùng, đoàn người cùng nhau đến mó nước đầu nguồn để làm lễ xin nước về tổ chức cho lễ hội.

Tiếp đó là lễ cầu mưa, nước lấy từ mó về được dựng quanh cây vạn vật. Trong lễ hội cầu mưa của đồng bào Thái bao giờ cũng có Thầy Mo và một người đóng là Ông Then. Nghi thức được Thầy Mo đảm nhiệm. Mọi người tập trung lại cầu nguyện. Thầy Mo đọc bài cúng kể cho Ông Then biết nỗi khổ của dân làng khi không có mưa, cầu xin ông trời ban mưa xuống cho ruộng đồng, cây cối tốt tươi. Kết thúc bài cúng, Ông Then sẽ tuyên bố ban nước cho dân làng, để bà con có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Sau khi kết thúc phần lễ nghi là đến phần hội. Tất cả những người tham gia lễ hội hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng trong vòng xòe đoàn kết và cùng tham gia các trò chơi dân gian truyền thống: ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, đập mõ trâu, đi cà kheo... Đây đều là những trò chơi vô cùng quen thuộc của người dân vùng cao, tuy đơn giản nhưng giúp mọi người trở nên khăng khít với nhau.

Đồng bào Thái tin rằng lễ hội cầu mưa mang lại may mắn, bình an và thịnh vượng

Lễ hội Cầu mưa Mộc Châu là nét văn hóa tâm linh đặc sắc của người dân tộc Thái còn góp phần giáo dục con người về việc bảo vệ môi trường cũng như thể hiện mối liên kết chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên. Lễ hội Cầu mưa hiện nay đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trắng và tạo sản phẩm du lịch đa dạng độc đáo thu hút du khách đến với Mộc Châu.

Thu Hà

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 12/06/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT