Non nước Việt Nam

Hà Giang: Quản Bạ phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Mông

Cập nhật: 03/06/2024 16:07:09
Số lần đọc: 646
Trải qua quá trình định cư và phát triển lâu dài, đồng bào dân tộc Mông đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo được trao truyền và tiếp nối qua nhiều thế hệ. Qua đó, không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa - tinh thần người Mông mà còn làm giàu thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quản Bạ - cửa ngõ Cao nguyên đá.


Nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 50 km về phía Bắc, đến huyện Quản Bạ, du khách không chỉ được tham quan các điểm du lịch như: Cổng trời Quản Bạ, Núi Đôi, hang Lùng Khúy, hang Khố Mỷ, Khu nghỉ dưỡng H’mong Village… để cùng nhau khám phá cảnh đẹp của vùng núi cao hùng vĩ mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa dân tộc Mông. Đó là những nếp nhà trình tường xinh xắn, là tiếng khèn và điệu múa của những chàng trai, cô gái người Mông trong ngày hội.

Nghệ nhân huyện Quản Bạ múa khèn Mông tại Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch huyện. Ảnh: Nguyễn Dịu

Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông, những năm qua huyện Quản Bạ đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo như: Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để đồng bào nâng cao ý thức của người dân về văn hóa dân tộc mình; các thôn, bản thành lập đội văn nghệ dân gian để thường xuyên tham gia biểu diễn trong các lễ hội làng, hay các dịp giao lưu văn hóa, văn nghệ do huyện, xã tổ chức. Đồng thời, khuyến khích người dân mặc trang phục của dân tộc Mông trong các ngày lễ, Tết, ngày hội làng... Qua đó, không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào mà còn thúc đẩy du lịch, KT - XH ngày càng phát triển.

Quản Bạ là nơi có nhiều giá trị văn hóa dân tộc Mông đang được người dân gìn giữ và phát huy giá trị. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến khèn Mông. Với người Mông, cây khèn được coi là báu vật, là người bạn tri ân được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, với những giá trị về văn hóa, truyền thống, nghệ thuật, năm 2015, nghệ thuật Khèn của người Mông tỉnh Hà Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chính vì vậy, huyện đã thành lập các hội nghệ nhân dân gian; đội văn nghệ xung kích trên địa bàn các xã, thị trấn để gìn giữ, truyền thụ và nhen nhóm tình yêu của các thế hệ với văn hóa múa khèn Mông.

Dệt lanh của phụ nữ Mông ở Quản Bạ được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Ảnh: PV

Ông Giàng Chẩn Đơ, xã Tả Ván là một trong những nghệ nhân vừa có tài thổi khèn hay, múa khèn giỏi, vừa am hiểu cách chế tác những chiếc khèn Mông đạt chuẩn âm truyền thống. Trao đổi với chúng tôi ông Đơ chia sẻ: “Tôi đã biết thổi khèn từ năm 12 tuổi, tiếng khèn cũng có rất nhiều chủ đề. Tiếng khèn vui mời gọi bạn bè đi chơi Xuân, gọi bạn xuống chợ hoặc chúc nhau những điều may mắn. Khi buồn thì tiếng khèn chậm và trầm, hay được dùng trong các đám tang để chia buồn cùng gia đình hoặc đưa tiễn người mất sang thế giới bên kia. Tiếng khèn vui tạo cảm giác hưng phấn, rạo rực nhưng tiếng khèn buồn có thể khiến người nghe cảm thấy xúc động mạnh mẽ. Để làm được một cây khèn chuẩn phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian, công đoạn nào cũng quan trọng, đòi hỏi phải tỉ mỉ, chỉn chu từng chi tiết. Để hoàn thành cây khèn phải mất 2 đến 3 ngày. Mỗi một cây khèn hiện nay có giá thành từ 500 nghìn đồng đến vài triệu đồng. Từ việc làm khèn những nghệ nhân như chúng tôi vừa có cơ hội gìn giữ bản sắc văn hóa vừa có thêm thu nhập”.

Đồng chí Vương Ngọc Tẩn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tả Ván cho biết: “Được sự quan tâm của cấp trên, xã Tả Ván được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, xây dựng nhà văn hóa tại các thôn, bản phục vụ nhu cầu cho bà con tập luyện thể dục thể thao, giao lưu văn hóa các dân tộc; khôi phục các lễ hội, nghề truyền thống; thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian, xây dựng nếp sống mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì tổ chức các lớp tập huấn về dân ca, dân vũ… Điều này vừa giúp bảo tồn văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan tìm hiểu phong tục, tập quán trên địa bàn xã.

Cùng với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc đang ngày càng được nâng lên. Với sự quan tâm của các cấp, ngành, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông từ mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, tin tưởng những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông ở Quản Bạ nói riêng và tỉnh ta nói chung sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát triển. Từ đó nhân lên lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm của các thế hệ trong việc gìn giữ bản sắc của dân tộc mình.

Nguyễn Dịu

Nguồn: Báo Hà Giang - baohagiang.vn - Ngày đăng 01/06/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT