Tết Đoan Ngọ: Tái hiện nghi lễ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long
Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, đây là chương trình trong chuỗi hoạt động nhân dịp Tết Đoan Ngọ 2024 và Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
Quang cảnh tái hiện nghi lễ cung đình vào dịp Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn
Thực hành nghi lễ cung đình
Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết Đoan Dương, thường được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hàng năm. Đây là một ngày Tết truyền thống của một số quốc gia Đông Á. Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, Đoan Ngọ được xem là một trong những dịp lễ, Tết quan trọng bậc nhất.
Thời xưa, Tết Đoan Ngọ được các vương triều tổ chức trang trọng với những lễ nghi mang tính cung đình. Lịch triều hiến chương loại chí và Lê Triều Hội điển đều cho biết, dưới triều Lê Trung Hưng, Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để nhà vua, hoàng tộc sửa soạn lễ phẩm dâng tiến lên tổ tiên và các bậc sinh thành.
Quang cảnh tái hiện nghi lễ cung đình vào dịp Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn
PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Theo các nguồn sử liệu, dưới thời Lê Trung Hưng, Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để nhà vua, hoàng tộc sửa soạn lễ phẩm dâng tiến lên tổ tiên và các bậc sinh thành. Lễ tế tự ở nhà Thái miếu hoàn tất, thì cũng là lúc xa giá nhà vua chính thức lên điện thiết triều. Với nghi thức thường triều, tại điện Cần Chánh, hoàng thân cùng các quan văn võ từ bậc tam phẩm đều được tham dự. Nhà vua uy nghi ngự trên ngai rồng, bề tôi vui mừng chúc tụng. Nhằm nêu cao tinh thần trung nghĩa của các quần thần, nhà vua làm thơ đề trên quạt để tỏ ý khuyên răn. Theo thông lệ, Tết cũng là dịp các bề tôi được ban thưởng.
Tết Đoan Ngọ diễn ra đúng vào lúc thời tiết nóng nực, chiếc quạt là vật dụng làm mát vô cùng thiết yếu, nên ngoài ban yến, nhà vua còn tiến hành ban quạt. Năm 1527, Đại Việt sử ký toàn thư có chép “Tháng 5, ngày mồng 5, ban quạt”. Quạt được ban cho các hoàng thân, văn võ bá quan, binh lính, nô tì, tiểu giám... với mong muốn được sức khỏe, bình an.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, nghi lễ cúng tế tổ tiên và lễ ban quạt là hai nghi lễ đặc sắc, chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và sự quan tâm đến bề tôi của nhà vua. Tiếp nối truyền thống cao đẹp ấy, hàng năm cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long, Công ty CP Ỷ Vân Hiên và Trung tâm bảo tồn phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam thực hành nghi lễ tiến phẩm dâng hương lên các vị tiên đế và nghi lễ ban quạt. Dự kiến việc tái hiện nghi lễ sẽ diễn ra ngày 6/6 (ngày 1/5 Âm lịch) tại sân điện Kính Thiên, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Tái hiện không gian xưa
Đoan Ngọ nghĩa là ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm. Thời khí mùa hạ nóng ẩm sinh ra các loài sâu bọ, vi trùng phát triển làm hại mùa màng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Để chống lại cái nóng và phòng dịch bệnh, cha ông ta có nhiều kinh nghiệm độc đáo như: tục ăn trái cây, ăn bánh tro, ăn cơm rượu nếp, uống rượu hùng hoàng, xương bồ để “giết sâu bọ” trong người vào lúc sáng sớm.
Theo quan niệm dân gian, Tết Đoan Ngọ cũng có những phong tục hết sức độc đáo như dâng cúng sản vật của mùa hạ lên ông bà tổ tiên, dùng thức ăn để “diệt sâu bọ” trong người. Ảnh: Lại Tấn
Những phong tục này được tái hiện lại một cách chân thực và dung dị thông qua không gian thờ cúng và không gian trưng bày các loại thảo mộc, các loại túi thơm. Khu trưng bày đã làm gợi nhớ đến hình ảnh 2 khu phố cổ quen thuộc là Thuốc Bắc và Hàng Mụn. Vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, người dân kinh thành Thăng Long xưa lại nhộn nhịp đi mua chỉ ngũ sắc, túi thơm trên phố Hàng Mụn về đeo cho trẻ con; đi mua lá thảo mộc về làm trà đun nước uống hàng, mua thảo dược về phòng bệnh.
Thời gian trưng bày diễn ra từ ngày 1/6, tại nhà 19C, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Cũng trong khuôn khổ chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức thực hành phong tục dân gian “giết sâu bọ” ngày 6/6 tại Lầu Bát giác, cổng Đông, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long; trình diễn, giao lưu nghệ thuật thưởng trà vào lúc 10 giờ, ngày 6/6 (với nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng) vào 10 giờ, ngày 9/6 (9/6/2024 nghệ nhân trà Cao Sơn). |
Lại Tấn