Lai Châu: Để tiếng khèn Mông ngân vang mãi trên đỉnh Nùng Nàng
Lối với đồng bào dân tộc Mông ở xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, tiếng khèn, điệu múa là hồn cốt của dân tộc, được hình thành và phát triển trong đời sống. Vì vậy, dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng tiếng khèn vẫn hàng ngày dìu dặt như một món ăn tinh thần và được giữ gìn, lưu truyền trong cộng đồng, trở thành bản sắc văn hóa riêng vốn có của đồng bào, thu hút khách du lịch.
Đều đặn vào sáng chủ nhật hàng tuần, các thành viên Câu lạc bộ khèn Mông xã Nùng Nàng lại luyện tập, biểu diễn sẵn sàng phục vụ du khách
Đều đặn mỗi buổi sáng chủ nhật, tại nhà văn hóa bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, bà con dân tộc Mông lại tụ tập cùng nhau thể hiện các điệu múa khèn của dân tộc mình. Tại đây, người dân và du khách cùng nhau giao lưu, chia sẻ và gìn giữ những điệu khèn còn được lưu truyền trong dân gian.
Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc quê hương mình, kết hợp với phát triển du lịch, năm 2020, Câu lạc bộ khèn Mông bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường được thành lập với 22 thành viên. Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn hàng tuần. Mỗi thành viên đều ở các lứa tuổi khác nhau, nhưng họ có chung một niềm đam mê với tiếng khèn và những điệu múa của dân tộc mình. Vì vậy, kể từ khi được thành lập, câu lạc bộ cũng đã được mời đi diễn ở nhiều nơi, qua đó đã thu hút ngày càng nhiều các bạn trẻ tham gia.
Khèn Mông đã được các nghệ nhân ở xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường (Lai Châu) sản xuất thành hàng hóa bán ra thị trường trong và ngoài nước, nhằm giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình
Anh Chang A Cường, ở bản Chin Chu Chải, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường chia sẻ: "Câu lạc bộ khèn Mông của chúng tôi hay tổ chức vào những ngày lễ hoặc là các ngày hội của huyện, của tỉnh. Bản thân tôi tham gia câu lạc bộ và thường xuyên đi biểu diễn các hoạt động lớn như ngày hội văn hóa của huyện, của tỉnh. Chúng tôi luôn sẵn chờ và mong muốn nhận được sự góp ý nhiều hơn, để cho câu lạc bộ của mình phát triển nhiều hơn nữa".
Đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh Lai Châu cư trú chủ yếu tại các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè và Tam Đường. Cũng như nhiều dân tộc khác, trong quá trình lao động sản xuất, đồng bào Mông đã chế tạo ra nhiều loại nhạc cụ phục vụ đời sống sinh hoạt tinh thần của mình. Trong đó, khèn là nhạc cụ độc đáo, đặc trưng gắn đời sống mọi mặt của đồng bào và được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, không gian khác nhau.
Ngoài chế tác, sản xuất khèn Mông, nghệ nhân Thào A Dũng còn truyền dạy cho thế hệ trẻ
Nếu như trước đây, tiếng khèn là tiếng lòng, cầu nối giữa người đang sống với thế giới tâm linh, tổ tiên; thì ngày nay ta thường bắt gặp tiếng khèn trong những dịp vui mừng khi về nhà mới. Đặc biệt, đối với giới trẻ, tiếng khèn còn cất lên khi đón xuân hay tỏ tình, là tiếng rước cô dâu về nhà chồng, tiếng gọi bạn trẩy hội xuân và là những thanh âm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Ông Thào A Dũng, nghệ nhân dân gian khèn Mông ở xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường cho biết: "Từ hồi bé tôi đã biết là cái khèn của dân tộc mình rất là độc đáo và đẹp nên từ 13 tuổi tôi đã học rồi. Khèn Mông thường được bà con sử dụng làm lý lễ truyền thống hoặc thường được biểu diễn trong những dịp tổ chức văn hóa, văn nghệ của dân tộc. Vì vậy, đến năm 2016 tôi đã học xong kỹ thuật làm ra khèn củ đỉnh và bán ra thị trường trong và ngoài nước".
Để bảo tồn nét văn hóa độc đáo dân tộc Mông, nhiều năm qua cấp ủy, chính quyền các địa phương ở Lai Châu đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con bảo lưu, giữ nét văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Trong những dịp lễ hội hay các sự kiện văn hóa lớn của địa phương, đều không thể thiếu tiếng khèn Mông. Đặc biệt, ngoài hoạt động tổ chức múa, thổi khèn Mông, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất và quảng bá khèn, giới thiệu tiếng khèn và các làn điệu múa với bạn bè trong và ngoài nước.
Tiếng khèn Mông dặt dìu trong những buổi chợ phiên, lễ hội và phục vụ khách du lịch
Việc chế tác khèn Mông bán ra thị trường đã giúp nhiều hộ dân ở Nùng Nàng có thêm thu nhập để thoát nghèo
Ông Hảng A Nhà, Phó Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết: "Các nghệ nhân thổi khèn, làm khèn trên địa bàn xã Nùng Nàng đã giúp đỡ câu lạc bộ phát triển và đi vào hoạt động có hiệu quả. Thời gian qua câu lạc bộ đã ôn lại và lưu giữ các giá trị văn hóa của người Mông, nhất là các điệu múa của khèn Mông. Và các điệu múa của khèn Mông này đang được bà con lưu giữ, bảo tồn, phát huy hiệu quả".
Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, trong đó có khèn Mông đang được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lai Châu đặc biệt quan tâm bằng nhiều chính sách hỗ trợ gắn với phát triển du lịch. Đây là điều kiện để đồng bào dân tộc Mông ở địa phương khơi dậy lòng tự hào về di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình; từ đó tự nguyện tham gia gìn giữ, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Khắc Kiên