Non nước Việt Nam

Đặc sắc lễ hội Pang A của dân tộc La Ha (Sơn La)

Cập nhật: 10/03/2021 09:42:17
Số lần đọc: 1127
Lễ cầu an (Pang A) của người La Ha ở các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, tỉnh Sơn La được tổ chức vào tháng 3 dương lịch hằng năm để tỏ lòng cảm tạ, tri ân thần linh, các thầy lang có công bảo vệ dân bản; cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe, may mắn cho dân làng.

Dân tộc La Ha là một trong các dân tộc ít người, sống ở một số huyện ven sông Đà của tỉnh Sơn La và Lai Châu. Xã hội ngày một phát triển, cuộc sống ngày một đổi thay, nhưng cộng đồng người La Ha vẫn giữ được một số phong tục truyền thống, trong đó có lễ hội “Pang A”, lễ cầu may một nét văn hoá đặc trưng của dân tộc mình.

Người La Ha quan niệm con người có hồn vía, khi hồn vía bị lưu lạc con người sẽ ốm đau, bệnh tật, vì vậy phải nhờ thầy cúng gọi hồn về. Để cảm tạ, người bệnh nhận thầy cúng làm cha nuôi. Hằng năm hoặc vài năm một lần, tùy vào điều kiện gia đình thầy cúng sẽ tổ chức lễ, mời các thần linh về dự phù hộ cho các con nuôi, dân bản khỏe mạnh, cho mọi loại bệnh đều được chữa khỏi.

Vào dịp này, các con nuôi ở khắp nơi đều về để dâng lễ lên các thần linh, báo đáp công lao của cha nuôi, cùng nhau vui chơi, giao lưu tình cảm. Các con nuôi tùy thuộc vào điều kiện gia đình, bệnh được chữa nặng hay nhẹ, là con nuôi lâu năm hay mới mà chuẩn bị các lễ vật dâng cúng phù hợp.

Cây Xặng Bók là yếu tố trang trí không thể thiếu trong nghi lễ, được làm từ cây móc và chuối rừng, dựng ở gian giữa nhà. Cây móc (lăm la) tượng trưng cho con trâu đen, cây móc chết hóa thành trâu đen, cây chuối rừng (lăm tốc) tượng trưng cho con trâu trắng, là những người bạn của nhà nông.

Ngoài ra, cây còn được trang trí các dải hoa vải, trống làm bằng sợi chỉ màu, ve sầu, dế mèn được đan bằng lạt tre, quả còn bằng vải, chim cu gáy, cày và bừa nhỏ bằng gỗ, hoa mạ, hoa ban (người La Ha ở Mường Sại dùng hoa trạng nguyên). Số lượng mỗi đồ trang trí là số chẵn vì người La Ha quan niệm tất cả đồ vật hay con người đều phải có đôi. Các đạo cụ để múa có bu (ống tre), khăn vải, cày, bừa, kiếm, lá chắn làm bằng gỗ, tre...

Chuẩn bị cho lễ hội Pang a, chủ lễ sẽ thịt 2 con lợn, một con để làm lễ, một con để thờ cúng tổ tiên. Các con nuôi của thầy cúng được mời đến mang theo những sản vật do mình làm ra như gà, vịt, gạo nếp, chai rượu, hoa quả...để tỏ lòng thành kính biết ơn đến thần linh phù hộ độ trì trong những năm qua. Các nghi lễ thường được tổ chức tại gian giữa của nhà thầy cúng. Tại đây, bà con dựng cây nêu, cây chuối, cây mía và treo các con vật được đan bằng tre như chim muông, ve sầu, con ngựa, hoa mạ (một loại hoa rất thơm trong rừng), hoa đào, hoa ban... Chuẩn bị xong thầy cúng bắt đầu cúng mời tổ tiên, thần thánh trên trời, thần núi rừng, sông suối, thổ công, thổ địa về chứng dám cho lòng thành của ông và bà con dân bản, cầu mong phù hộ cho mọi người có cuộc sống bình yên, mùa màng bội thu.

Khi thầy cúng cúng xong, các con nuôi của ông lần lượt bày các sản vật mình mang theo lên bàn để ông cúng mời thần linh về ăn và phụ hộ cho con cháu nhiều sức khoẻ, mùa màng tốt tươi, trâu bò, lợn, gà...sinh sôi nảy nở...Sau khi làm xong phần lễ một người chuyên giúp thầy cúng sẽ chia lộc cho các con cháu, mỗi người một đùi gà, một gói xôi mang về.

Cúng xong, thầy cúng cùng bà con dân bản tổ chức ăn uống, ca hát nhảy múa vòng quanh cây nêu, với các bài hát dân ca, điệu múa như tăng bu, múa khăn, múa chim... tái hiện cuộc sống lao động, sản xuất của bà con. Từ lễ hội này, nhiều đôi trai, gái bản trên xóm dưới cùng nhau kết bạn, tìm hiểu và có đôi nên vợ nên chồng.

Ông Quàng Văn Chung ở bản Nà Tạy xã Pi Toong huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết thêm: "Cộng đồng người La Ha ở Sơn La luôn gìn giữ, bảo tồn lễ hội “ Pang A” từ thế hệ này sang thế hệ khác và coi đó là trách nhiệm của mình. Lễ hội cũng là dịp để bà con dân bản đến tụ hội, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau xây dựng bản mường ấm no."./.

Nguồn: baodantoc.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT